ThienNhien.Net – Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề thuộc nội dung Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường mà Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thảo luận.
Bảo vệ môi trường là một vấn đề quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Việt Nam được xem là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của khu vực và thế giới với nhiều hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái ngập nước, hệ sinh thái biển có tính đặc trưng, đại diện cho khu vực và thế giới. Nhiều loài hoang dã quý, hiếm, nhiều nguồn gen có giá trị góp phần làm giàu thêm đa dạng sinh học toàn cầu.
Diện tích rừng toàn quốc tăng lên 13.515.064ha (độ che phủ 39,7%), trong đó rừng tự nhiên còn 10.285.383ha (chiếm 76,1% độ che phủ). Tuy tổng diện tích rừng có tăng trong những năm gần đây, nhưng chất lượng rừng tự nhiên ngày càng suy giảm.
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Chất lượng nước mặt đang có chiều hướng suy giảm. Nước dưới đất ở Việt Nam phần lớn có chất lượng tốt, nhưng một số nơi cũng đã có dấu hiệu bị ô nhiễm, nhiễm mặn. Môi trường đất đang có xu hướng bị ô nhiễm, suy thoái. Chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn cũng bị suy giảm; nhiều đô thị ở Việt Nam bị ô nhiễm bụi và tiếng ổn ở mức cao.
Nhận thức được tình trạng môi trường sống hiện tại, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường, nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về bảo vệ môi trường đã được nâng lên. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được hình thành về cơ bản; tổ chức bộ máy và nguồn lực cho bảo vệ môi trường có bước được tăng cường. Mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường được kiềm chế, làm chậm lại; nhiều cảnh quan thiên nhiên, giá trị của đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn.
Trong công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, hoạt động đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường đã được thực hiện. Nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xử lý triệt để, nhất là trong các đô thị, khu dân cư. Công tác quản lý chất thải được quan tâm hơn. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn và chất thải nguy hại tăng. Nhà nước đã ban hành lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn về khí thải đối với các phương tiện giao thông vận tải.
Độ che phủ của rừng được nâng lên, đạt gần 40%. Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên được xây dựng. Số lượng và diện tích các vườn quốc gia, khu bảo tồn đã tăng lên trong những năm gần đây. Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển quốc tế, di sản thiên nhiên của ASEAN, thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường cũng còn tồn tại một số hạn chế như ô nhiễm môi trường còn diễn ra phổ biến, có xu hướng gia tăng; đa dạng sinh học suy giảm nhanh, nguy cơ mất cân bằng sinh thái trên diện rộng.
Dựa trên tình hình thực tế của công tác bảo vệ môi trường thời gian qua cũng như dự báo tình hình sắp tới, Đảng đã đề ra các mục tiêu tổng quát cũng như mục tiêu cụ thể đến năm 2020.
Theo đó, về mục tiêu tổng quát, đến năm 2020, Việt Nam kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Đến năm 2050, Việt Nam nâng cao được chất lượng môi trường sống, đa dạng sinh học tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp mới nổi trong khu vực.
Về các mục tiêu cụ thể đến năm 2020, không để phát sinh mới và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tiêu hủy, xử lý trên 85% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tái sử dụng hoặc tái chế trên 65% rác thải sinh hoạt. 95% dân cư thành thị và 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; 70% lượng nước thải ra môi trường lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy và sông Đồng Nai được xử lý; nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Chấm dứt khai thác rừng tự nhiên, nâng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên lên trên 3 triệu ha; nâng độ che phủ của rừng lên trên 45%.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát cũng như mục tiêu cụ thể, Đảng xác định các nhiệm vụ cụ thể cho công tác bảo vệ môi trường.
Đó là, nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác dộng môi trường bảo đảm chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường từ khâu lập, phê duyệt, triển khai thực hiện.
Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới. Hạn chế, tiến tới loại bỏ một số ngành, lĩnh vực, dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thúc đẩy tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển các ngành,lĩnh vực ít ô nhiễm môi trường. Tăng cường quản lý, kiểm soát về môi trường đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương, dự án đầu tư phát triển từ khâu lập, phê duyệt đến triển khai thực hiện, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, thực hiện nghiêm công tác hậu kiểm trước khi cho phép dự án hoạt động nhằm phòng ngừa không để phát sinh thêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, giảm nguồn tác động xấu lên môi trường.
Tăng cường năng lực quản lý và kiểm soát an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ, an toàn hóa chất nhiên liệu sinh học, phòng ngừa sự cố môi trường.
Đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hoàn thiện và bảo đảm thực hiện cơ chế quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo loại hình các mức độ tác động xấu đến môi trường.
Đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là trong các lạng nghề, trên lưu vực sông, vùng ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị, khu dân cư. Hạn chế, tiên tới loại bỏ một số ngành, lĩnh vực, dự án đầu tư sử dụng công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tiêu tốn năng lượng, nước, hiệu quả kinh tế thấp.
Điều tra, đánh giá mức độ gây ô nhiễm, buộc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải có kế hoạch xử lý, giải quyết cụ thể; tăng cường chế độ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường bảo đảm kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được thực hiện.
Thực hiện phân loại các cơ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kho chứa, bãi chôn lấp chất thải theo mức độ gây ô nhiễm môi trường để có biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý hiệu quả.
Khuyến khích áp dụng mô hình quản lý theo môi trường tiêu chuẩn ISO 14000, sản xuất sạch hơn, kiểm toán chất thải, đánh giá vòng đời sản phẩm, các mô hình quản lý môi trường tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh.
Thúc đầy phát triển các mô hình khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất, chế biến, trang trại chăn nuôi, kho, bãi, chợ thân thiện với môi trường.
Tăng cường phòng ngừa, kiểm soát các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới, tác động bất lợi từ hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa lên môi trường, quản lý, giám sát, ngăn chặn các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ gây ô nhiễm môi trường từ nước ngoài vào Việt Nam.
Kiểm soát chặt chẽ thông qua thẩm định năng lực công nghệ và đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, thực hiện nghiêm chặt chẽ việc thẩm định công nghệ trong chuyển giao, ứng dụng công nghệ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam; có chiến lược và các giải pháo hữu hiệu phòng chống nguy cơ trở thành bãi thải công nghiệp lạc hậu của nước khác.
Thực hiện lộ trình áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các nước dần đầu trong khu vực ASEAN.
Thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa nhập khẩu trái phép các loại chất thải vào Việt Nam.
Thúc đẩy hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải, phát triển, ứng dụng công nghệ tái chế, tiêu dùng, sử dụng sản phẩm tái chế từ chất thải.
Thực hiện nghiêm phân loại rác tại nguồn, đồng thời thiết lập hệ thống thu gom, trung chuyển, tập kết.
Phát triển công nghệ và các cơ sở xử lý, tiêu hủy chất thải; đẩy nhanh việc cải tạo các bãi chôn lấp chất thải.
Cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân.
Quan tâm cải thiện chất lượng môi trường sống, cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân, đặc biệt là dân nghèo trong các đô thị, vùng sâu, vùng xa.
Ưu tiên khắc phục, cải tạo hồ, ao, kênh, mương, đoạn sông đã bị ô nhiễm nặng, đặc biệt trong các đô thị, khu dân cư.
Phục hồi, tái sinh tự nhiên các hệ sinh thái, đặc biệt là các hệ sinh thái đã bị suy thoái, trước hết là rừng tự nhiên, rừng ngập mặn ven biển, cửa sông ven biển, rừng chắn sóng, chắn cát, rừng đầu nguồn.
Chú trọng cải thiện chất lượng không khi trong các đô thị, khu dân cư, nhất là các thành phố lớn. Kiểm soát khí thải đối với các phương tiện giao thông, thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến về kí thải đối với các phương tiện giao thông, vận tải; thúc đẩy phát triển giao thông bền vững về môi trường.
Bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học .
Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án trồng rừng, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn ven biển, rừng đầu nguồn.
Tăng cường quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên hiện có và đẩy mạnh thành lập các khu bảo tồn mới.
Bảo vệ các loài hoang dã, các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, loài nguy cấp, quý hiếm; bảo vệ, giữ bản quyền và chống thất thoát các nguồn gen bản địa quý hiếm.
Phát triển các ngân hàng gen về các loài hoang dã, cây trồng, vật nuôi, trước hết là các loài được ưu tiên bảo vệ.
Ngăn chặn sự xâm nhập, phát triển của các sinh vật ngoại lai xâm hại; tăng cường quản lý rủi ro từ sinh vật biến đổi gen.