ThienNhien.Net – Diễn đàn Tài nguyên Mê Kông II đã khai mạc sáng 10/5/2013 tại thị trấn Tam Đảo với sự tham gia của khoảng 80 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội ở Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, các ngân hàng, tổ chức tài chính, các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế.
Diễn đàn Tài nguyên Mê Kông là sáng kiến thúc đẩy đối thoại giữa các tổ chức thuộc các quốc gia trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, bao gồm nhiều hoạt động đối thoại, trao đổi, hợp tác trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các bên và tăng cường hiểu biết khoa học về các vấn đề liên quan đến tài nguyên thiên nhiên.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Vũ Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết: “Hội nghị Diễn đàn hợp tác Tiểu vùng Mê Kông năm 2013 ngày hôm nay là dịp tốt để các cơ quan của Chính phủ các nước thành viên, các tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp cùng cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực Tiểu vùng Mê Kônge trao đổi, thảo luận, đánh giá tác động các dự án đầu tư lẫn nhau giữa các nước trong khu vực đối với sự phát triển bền vững của từng quốc gia”.
Ông Trung cũng nhấn mạnh: “Đây là cơ hội để đưa ra các đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao hơn nữa hiệu quả của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu vực, góp phần vào sự tăng trưởng thịnh vượng và mạnh mẽ của toàn khu vực”.
GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE) nhấn mạnh: “Đầu tư luôn là nhân tố quan trọng gắn với các vấn đề phát triển của thế giới, nhất là trong bối cảnh thế giới đang hướng về phát triển kinh tế xanh và ít phát thải carbon.Việt Nam đang chuyển từ nước tiếp nhận đầu tư nước ngoài sang một nước bắt đầu đầu tư ra nước ngoài. Và Diễn đàn Tài nguyên Mê Kông II là dịp rất tốt để có được các trao đổi thẳng thắn để làm sao đầu tư đầu tư trong các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông không những đạt được lợi ích của doanh nghiệp, của quốc gia mà còn hướng tới việc bảo vệ môi trường của các nước sở tại, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh và ít phát thải carbon”.
Theo chương trình, các diễn giả dự kiến sẽ giới thiệu và trao đổi về các vấn đề như “Phát triển bền vững và đầu tư nước ngoài”; “Đầu tư của Việt Nam vào Lào qua góc nhìn của thương mại gỗ”; “Khung pháp luật về môi trường-xã hội tại CHDCND Lào”; “Đầu tư đất qui mô lớn ở Campuchia: Cơ chế và tác động”; “Đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên: Vai trò của Trung Quốc ở khu vực Đông Dương”; “Giải pháp giảm thiểu tác động môi trường ở hạ nguồn sông Mê Kông”; “Sự tham gia của Việt Nam trong phát triển thủy điện lưu vực sông Mê Kông”…
“Hợp tác phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển bền vững của cả khu vực Tiểu vùng Mê Kông vừa là mục tiêu vừa là trách nhiệm của mỗi quốc gia trong khu vực”, ông Vũ Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài nhấn mạnh.
Việt Nam rất coi trọng vấn đề phát triển bền vững. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các nước tiểu vùng Mekong phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật nước sở tại, bảo đảm hài hòa mục tiêu kinh tế và góp phần cải thiện đời sống nhân dân vùng dự án, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, ông Trung nói thêm.
Theo thống kê của Cục đầu tư nước ngoài, tính đến nay, Việt Nam đã đầu tư sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 13,5 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 4,4, tỷ USD.
Riêng các nước thuộc khu vực tiểu vùng Mekong, Việt Nam đã đầu tư 335 dự án đầu tư trực tiếp tại các nước tiểu vùng Mê Kông với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 7 tỷ USD, chiếm trên 50% về số dự án và tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.