ThienNhien.Net – UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) vừa gửi văn bản đến tất cả các xã nghiêm cấm việc mua, bán lá xoài. Nội dung lệnh cấm này cũng được phát trên hệ thống phát thanh, truyền hình và đang gây tranh cãi…
Lá xoài có giá
Khoảng giữa năm 2012, có 2 công ty ở Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh đến lập đại lý ở xã Cam Hải Tây (xã có nhiều diện tích xoài giống địa phương, thường gọi là xoài Thủy Triều) rầm rộ thu mua lá xoài. Giá thu mua trung bình 600 – 800 đồng/kg lá khô. Nhiều người tận dụng cào lớp lá xoài khô rụng dưới gốc xoài để bán, trung bình mỗi ngày được khoảng 6 bao, mỗi bao khoảng 20kg, kiếm được khoảng 100 nghìn đồng.
Đầu năm 2013, chuyện mua – bán lá xoài rộ lên khi có thêm một công ty từ TP.Hồ Chí Minh đến lập nhiều vựa trong xã và có đội ngũ vài chục người chuyên đi gom lá xoài khô. Tại vựa của bà Lê Thị Gái (thôn Bắc Vĩnh, Cam Hải Tây) chất đầy những kiện lá xoài, lá mía khô được ép bằng máy vuông vức, có kích thước 40×50, nặng 25kg/kiện. Bà Gái cho biết: “Công ty nói mua lá xoài, lá mía để xuất sang Nhật làm phân bón. Họ đưa bao nhiêu tiền, chúng tôi thu mua giúp họ bấy nhiêu”.
UBND xã Cam Hải Tây cho biết, trong các công ty thu mua lá xoài tại địa phương, chỉ có Công ty cổ phần Thương mại và Cung ứng nguồn nhân lực Hải Bình (ở Hải Phòng) là có đến xã đặt vấn đề thu gom lá xoài khô để làm nguyên liệu trồng nấm.
Việc thu mua lá xoài ở Khánh Hòa, tập trung ở huyện Cam Lâm, TP.Cam Ranh, đã xuất hiện từ năm 2009, với chỉ một chủ nậu (mua lá xoài tươi trong mùa tỉa cành, tuốt lá). |
Đơn vị này có giấy chứng nhận đăng ký bản quyền về nghiên cứu chế biến lá xoài khô. Cao điểm, có ngày công ty này thu gom tới 3 – 5 tấn lá xoài khô. Những công ty khác đều không báo với xã khi lập vựa thu mua lá xoài, lá mía nên xã không nắm cụ thể công ty nào, mục đích làm gì.
Khuyến cáo chưa chính xác
Theo ông Nguyễn Ta – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, cây xoài là cây chủ lực của huyện Cam Lâm, với diện tích khoảng 2.900ha. “Giữ lá xoài dưới gốc sẽ giữ ẩm, hạn chế bốc hơi nước cho đất. Lá xoài mục còn là nguồn phân bón hữu cơ tự nhiên cho cây…Chúng tôi lo ngại, nếu việc thu mua kéo dài, khi hết lá xoài khô, một số nông dân có thể tiếp tục tỉa cành, tỉa lá xanh phơi khô đem bán, ảnh hưởng đến sức sống, khả năng ra hoa, kết trái của cây xoài” – ông Ta nói.
Bà Nguyễn Thị Thạnh – Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết: Đến nay chưa có căn cứ gì khẳng định việc mua bán lá xoài có liên quan đến người Trung Quốc. Tuy nhiên, huyện khuyến cáo nông dân không thu gom, bán lá xoài và nghiêm cấm việc thu mua lá xoài.
Mặc dù vậy, lệnh cấm trên cũng đang gây nhiều tranh cãi. Ông Lê Đình Đông (xã Cam Hải Tây, Cam Lâm), người có thâm niên trồng xoài, hiện đang có 3ha xoài các loại, tỏ ra rất ngạc nhiên với lệnh cấm này. Ông cho biết, mỗi năm, cây xoài phải được cắt tỉa cành, tuốt lá, hoặc phải phun thuốc để rụng lá nhằm kích thích nảy mầm mới.
Lượng lá tuốt xuống phải gom lại, đốt sạch để diệt sạch mầm bệnh. Lá xoài khô rất khó mục, hàng năm nhà vườn phải cày đất ít nhất 3 lần và mỗi lần như vậy lại phải cào lá đi… Vì vậy tôi nghĩ việc gom bán lá xoài là bán đi loại phế phẩm nông nghiệp giúp nhà vườn có thêm thu nhập.
Ông Trương Vi – cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hòa, cũng cho biết: Đối với tất cả các loại xoài, việc thu dọn sạch sẽ lá xoài ra khỏi gốc là cần thiết, nhằm ngăn ngừa các loại dịch bệnh, nấm mốc, bọ trĩ… có thể sinh sản trong tầng lá xoài ở gốc gây hại cho cây.