ThienNhien.Net – Đó là nhận định của TS. Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), tại “Diễn đàn Năng lượng và Dầu khí: Đầu tư và Phát triển bền vững” do Bộ Công thương chủ trì ngày 9/5, tại Hà Nội.
Theo TS. Trần Viết Ngãi, ngành Năng lượng Việt Nam đang thiếu quy hoạch tổng thể hệ thống năng lượng quốc gia. Các quy hoạch phân ngành điện, than, dầu – khí, năng lượng mới và tái tạo được xây dựng riêng rẽ (khi chưa có Chiến lược phát triển Năng lượng Quốc gia), vì vậy, đã thể hiện sự thiếu đồng bộ và tính thống nhất chưa cao; tư liệu, số liệu phục vụ quy hoạch thiếu thống nhất, thiếu tin cậy, thiếu thẩm định; cơ cấu, tỷ lệ đầu tư chưa hợp lý giữa các phân ngành, giữa các giai đoạn quy hoạch.
Giá cả của các loại nhiên liệu – năng lượng là đầu vào, đầu ra của nhau, nhưng thiếu sự cân đối và tương quan hợp lý. Điển hình, giá than nội địa tính cho các dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) chạy than trong quy hoạch phát triển điện lực không phản ánh thực sự đầy đủ thành phần chi phí nhiên liệu trong giá thành sản xuất điện. “Nếu không cải thiện vấn đề giá, sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút các dự án BOT, tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài”, TS. Trần Viết Ngãi nhấn mạnh.
VEA cho rằng, thời gian Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực hợp lý là phải sau thời gian phê duyệt quy hoạch phát triển các phân ngành năng lượng sơ cấp như: Than, dầu – khí và quy hoạch phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Vì, như vậy sẽ bảo đảm được độ tin cậy, đồng thời phải tổ chức xây dựng đồng bộ là 10 năm giống nhau có định hướng cho 10 năm tiếp theo.
Do phát triển theo quy trình “ngược” nên Quy hoạch phát triển Điện Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện VII) có nhiều điểm khó khả thi. Xuất phát từ nhu cầu điện đã được dự báo của Quy hoạch Điện VII, việc tính toán cơ cấu nguồn điện, lưới điện, nguồn nhiên liệu chưa dựa trên cơ sở cân đối, phát triển các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu – khí, thủy năng, điện hạt nhân, năng lượng tái tạo…) không đồng bộ nên đã làm giảm độ tin cậy về chất lượng của Quy hoạch Điện VII. Nếu Quy hoạch Điện VII hoàn thành đúng tiến độ đề ra thì nguồn nguyên, nhiên liệu phục vụ các nhà máy điện cũng không thể đáp ứng – Chủ tịch VEA khẳng định.
Để khai thác được 1 mỏ than mới phải mất 6 – 7 năm. Ngành Than được Chính phủ cho khai thác thêm 28 mỏ mới, nhưng từ năm 2009 đến nay, vẫn chưa được cấp phép. Với tiến độ như vậy, thử hỏi đến năm 2020, ngành Than lấy đâu ra 171 triệu tấn than thương phẩm phục vụ các nhà máy điện? Tương tự là ngành Dầu – khí. Việc ngành Điện dự báo mùa khô năm nay sẽ thiếu khoảng 2,4 tỷ kWh điện là không có gì lạ!
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định: 4 tháng đầu năm nay, ngành Công nghiệp chỉ tăng 5%, nếu tăng trưởng công nghiệp như các năm trước 14 – 15%/năm thì chắc chắn sẽ thiếu điện trầm trọng chứ không phải là 2,4 tỷ kWh điện như dự báo.
Thực tế trên cho thấy, Quy hoạch Điện VII chưa phù hợp với thời cuộc, thiếu tính tin cậy. Căn cứ vào những bất cập trong quá trình thực hiện quy hoạch của các phân ngành năng lượng, VEA đề nghị: Hiệu chỉnh, bổ sung, hoàn thiện và lập mới đồng bộ về thời gian quy hoạch các phân ngành năng lượng (điện, than, dầu – khí, năng lượng tái tạo) giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030. Các quy hoạch phân ngành này gắn kết với nhau nhằm vào mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển Năng lượng Quốc gia. Lấy Quy hoạch Điện VII làm gốc, rà soát ngay tình trạng các nguồn điện, trước mắt là các nguồn điện đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2011 – 2020, từ đó tính toán lại nhu cầu điện của nền kinh tế – xã hội các năm 2015, 2020, có xét đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, Chính phủ cần ban hành nghị định về cơ chế khuyến khích hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo…