ThienNhien.Net – Sáng 09/5/2013, tại thành phố Quy Nhơn, Viện chuyển đổi môi trường và Xã hội (ISET) phối hợp với Văn phòng điều phối về biến đổi khí hậu (CCCO) tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hội nhập khu vực tiểu vùng sông Mekong trong bối cảnh biến đổi khí hậu – Một cái nhìn cận cảnh”. Đông đảo các đại biểu đại diện cho Bộ Nội vụ Thái Lan, Viện Môi trường Thái Lan và tổ chức ISET đã đến dự. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà đã đến và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Bình Định là một tỉnh ven biển miền Trung, có đường bờ biển dài 134km; kinh tế biển đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hàng năm, Bình Định nói chung, thành phố Quy Nhơn nói riêng thường xuyên phải chịu những tác động của thiên tai, lũ lụt. Những biến động về khí hậu đã tác động đến chất lượng môi trường, hoạt động sản xuất – kinh doanh và cả sức khỏe, tính mạng của người dân.
Năm 2009, thành phố Quy Nhơn đã tham gia vào giai đoạn 2 của Chương trình Mạng lưới các thành phố ở Châu Á có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (ACCCRN) nhằm phối hợp thực hiện các hoạt động đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương, xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho thành phố Quy Nhơn và thực hiện một số tiểu dự án thích ứng với biến đổi khí hậu thí điểm với sự hỗ trợ của Quỹ Rockefeller.
Cuối năm 2010, UBND tỉnh phối hợp với ISET thực hiện giai đoạn 3 của Chương trình ACCCRN.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong thích ứng với biến đổi khí hậu, trong phòng, chống thiên tai bão lụt. Từ đó, đem lại cái nhìn cận cảnh hơn trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như quá trình hội nhập khu vực trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ông Thongchai Roachanakanan, Kiến trúc sư cao cấp, Vụ Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Bộ Nội vụ Thái Lan, chia sẻ bài học lớn của chính quyền Thái Lan trong trận lụt năm 2011. Chính phủ đã khá vụng về trong đối phó với lũ lụt; do tác động của biến đổi khí hậu, các cơn bão xuất hiện và phát triển khó lường hơn trước, người dân hoang mang chờ đợi sự cứu trợ từ chính phủ, và mặc dù cơn bão đã dần đi vào quên lãng thì nguyên nhân của nó vẫn chưa được kết luận rõ ràng. Theo ông, các thành phố là nơi tập trung nhiều khí nhà kính nhất vì vậy nên tìm mọi biện pháp để giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường không gian xanh đô thị và trên hết mọi người nên cùng nhau giải quyết vấn đề trái đất nóng lên, tránh “no action – talk only” (chỉ biết nói suông).