ThienNhien.Net – Ngay sau khi lên khu tái định cư (TĐC), người dân đã thoát nghèo một cách bền vững. Chuyện “hiếm” thấy này, huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã làm được…
A Luy trước ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà. Tiếng là dân thị trấn nhưng cuộc sống gia đình anh vất vả lắm. Với mấy ha đất cằn cỗi, chỉ trồng được mỗi cây mì, cả nhà A Luy quần quật suốt năm cũng chỉ thu về được chừng 15 triệu đồng.
Năm 2009, đất đai chỗ ở cũ bị ngập dưới lòng hồ thủy điện, nhà anh được chính quyền đưa lên TĐC ở thôn 4, xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà). Lên chỗ ở mới, A Luy được hỗ trợ 41 triệu đồng để di dời và xây nhà, một khu vườn với 500 cây cà phê kinh doanh, nằm ngay trên con đường láng bê tông phẳng lỳ. “Làm quen” với cây cà phê được mấy năm, nhưng A Luy đã rất thạo việc chăm sóc nhờ cán bộ xã thường xuyên xuống hướng dẫn. Vụ rồi, A Luy thu về gần 60 triệu đồng từ vườn cà phê.
Lên khu TĐC cùng đợt với A Luy còn có hơn 50 hộ dân khác. Họ là những hộ thuộc diện khó khăn nhất trong 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất do lòng hồ thủy điện. Thế nhưng chỉ sau mấy năm lên TĐC chẳng hộ nào trong số đó nghèo nữa.
Cũng như A Luy, mỗi hộ được hỗ trợ tiền xây nhà, được cấp vườn cà phê kinh doanh ngay tại chỗ ở. Nhà nào cũng được huyện mua cho máy bơm ống nước để tưới cà phê. Điện, đường, trường, trạm – tất cả đều đã có sẵn. “Dân mình giờ khỏe lắm. Vườn ngay bên nhà, đi làm chẳng phải lặn lội như trước. Sướng nhất là mỗi năm thu nhập tăng lên gấp 4-5 lần so với trước đây – A Duyết, một người dân ở khu TĐC hồ hởi nói…
Ông Trần Đình Trọng-Phó Trưởng ban quản lý dự án quy hoạch bố trí dân cư xã Đăk Hring, chia sẻ: “Nếu không có sự đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị của huyện thì mục tiêu của chúng tôi không dễ thành công”.
Ông Trọng cho biết: Sáng kiến này được ông Phạm Đức Hạnh, bấy giờ là Chủ tịch huyện (nay là Bí thư Huyện ủy), đề xuất. Nhưng khó khăn không chỉ là việc vận động dân đến khu TĐC mà nan giải hơn là làm sao để người dân tại chỗ chia sẻ bớt đất cho dân TĐC. Nếu cưỡng chế thì lòng dân khó phục mà vận động thì chắc chắn sẽ rất khó khăn.
Cuối cùng với sự nỗ lực của huyện, gần 700ha của dự án đã được dân đồng ý chia sẻ cho dân TĐC, 300 hộ dân đã đăng ký đến khu TĐC. Trong đó, huyện đã bồi thường được gần 100ha chia cho 126 hộ và xây dựng cơ sở hạ tầng. Cùng với việc chia đất thì việc hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê cũng được thực hiện. 50 hộ dân khó khăn nhất đã được huyện hỗ trợ xây nhà ở.
Theo ông Trọng, hiện mỗi hộ dân đã được chia trung bình 0,6ha đất trồng cà phê. Tính ra mỗi người được ít nhất là 1,5 sào cà phê. Khó khăn hiện nay là làm sao huy động các nguồn vốn để tiếp tục bồi thường và chia đất cho 176 hộ dân còn lại. “Chúng tôi đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam bổ sung thêm nguồn vốn, đồng thời đề nghị tỉnh thực hiện lồng ghép vốn của các chương trình, dự án khác trên địa bàn với dự án này. Và để kịp thời ổn định đời sống cho những hộ khó khăn, chúng tôi lần lượt cấp đất, hỗ trợ xây nhà từ hộ khó khăn nhất”- ông Trọng nói.