ThienNhien.Net – Theo Phó giáo sư tiến sỹ khoa học Nguyễn Văn Cư, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), với kịch bản gần đây nhất, đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng cao từ 75cm-1m, như vậy 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập nước biển, 11% diện tích canh tác của đồng bằng sông Hồng và 3% ở các vùng đồng bằng miền Trung sẽ bị mất.
Đặc biệt, biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân ven biển, trước hết, ảnh hưởng đến sinh kế của trên 12% dân số nước ta. Cùng với đó, thiệt hại do biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến GDP suy giảm từ 10 – 12%.
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Cư xung quanh vấn đề này.
– Xin ông cho biết thực trạng của biến đổi khí hậu hiện nay đã gây ảnh hưởng như thế nào đến an ninh môi trường, năng lượng và đời sống người dân, đặc biệt là ngư dân ven biển?
Ông Nguyễn Văn Cư: Biến đổi khí hậu đang là thách thức rất lớn đối với cộng đồng, đặc biệt là người dân ven biển, cũng như tài nguyên và sự phát triển kinh tế biển. Thực tế, biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cùng với áp lực sóng lớn đã gây sạt lở, xói mòn bờ biển trên cả nước.
Bên cạnh đó, nước biển dâng cùng với thời tiết thay đổi thất thường đã gây ảnh hưởng nặng tới việc nuôi trồng thủy sản của ngư dân trên biển và ven biển, đặc biệt là các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường cũng làm ảnh hưởng tới các hoạt động, tour du lịch sinh thái, đặc biệt là các tuyến biển du lịch đang trong quá trình quy hoạch.
– Để giúp cộng đồng dân cư ven biển ổn định sinh kế và bám biển, thời gian qua Chính phủ đã có những chương trình gì để đối phó với biến đổi khí hậu, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Cư: Chính phủ đã có nhiều chủ trương ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường đồng thời đặt ra nhiều giải pháp rất cụ thể để cho các dân cư ven biển chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu như: Xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông; xây dựng các mô hình sinh kế và nhân rộng các mô hình này tới các địa phương ven biển.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao các cơ quan ban ngành và tổ chức đoàn thể triển khai đồng bộ các giải pháp khác như lựa chọn các mô hình, cây con thích ứng với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng ở các vùng ven biển, nhất là các vùng đồng bằng trũng thấp. Hàng loạt chương trình, dự án đã được đề ra cho các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
– Trong “cuộc chiến” thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu, vai trò của các tổ chức phi chính phủ có tác động như thế nào đối với sự ổn định và phát triển sinh kế của người dân ven biển?
Ông Nguyễn Văn Cư: Thời gian qua, cùng với sự chủ động của Chính phủ, các tổ chức xã hội, phi chính phủ cũng đã chung tay cùng với người dân, doanh nghiệp cải tạo các sinh kế phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
Thông qua cách tiếp cận với người dân đồng thời nắm bắt được tình hình thực tế, các tổ chức xã hội, phi chính phủ như Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã triển khai xây dựng các mô hình thí điểm giúp người dân thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu và an cư ngay trên vùng biển họ sinh sống.
– Thưa ông, chủ trương của Chính phủ đã tác động như thế nào tới nhận thức cũng như phản ứng của chính quyền các địa phương và người dân với biến đổi khí hậu hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Cư: Từ đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường,” của Chính phủ, chính quyền các địa phương và người dân đã nắm bắt được tác hại của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với đời sống cũng như phát triển kinh tế – xã hội.
Thực tế, chính quyền các địa phương ven biển và người dân đã phải gánh chịu những thiệt hại do nước mặn xâm nhập sâu hơn. Cùng với đó, tình trạng thiếu nước ngọt đã xảy ra, hạn hán rất nghiêm trọng nhưng khi mưa lũ thì sức tàn phá rất dữ dội; mực nước biển cũng dần nâng cao, nhiều vùng trước đây rất ổn định nhưng hiện nay đã bị xói, sạt lở nghiêm trọng.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ và người dân cần “chung tay” ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Bên cạnh đó, nếu chúng ta tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân sẽ nâng lên và có trách nhiệm hơn để cộng đồng dân cư thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, người dân tại các vùng ven biển sẽ an cư lập nghiệp và nâng cao được nguồn sinh kế cho chính bản thân mình.
– Về phần mình, thời gian qua, các cơ quan quản lý, đặc biệt là Tổng cục Biển và hải đảo đã có những hoạt động gì để cộng đồng ven biển hiểu về biến đổi khí hậu, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Cư: Thời gian qua, Chính phủ đã có Đề án 373 về tuyên truyền nâng cao nhận thức phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam. Đây là chương trình truyền thông, do Chính phủ giao Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam là cơ quan chủ trì thực hiện, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan.
Theo đó, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đã có chương trình phát triển và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển. Song song với đó, chúng tôi cũng đã triển khai đề án quản lý đê bờ cho các tỉnh ven biển trên cả nước.
Ngoài ra, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương có biển xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, trong đó sử dụng lực lượng thanh thiếu niên ở địa phương, giúp nâng cao nhận thức cho người dân đồng thời tìm cách tiếp cận mới quản lý tổng hợp dựa trên hệ sinh thái, để sau đó tạo điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng..
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Theo ông Nguyễn Văn Cư, Dự thảo Đề án “Chủ trương, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường” là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước. Với đề án này, Chính phủ cùng với Ủy nhân dân các địa phương sẽ có cơ sở, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, cũng như đẩy mạnh thêm công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng thời nâng cao sinh kế cho người dân.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là nội dung hết sức được quan tâm tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. |