ThienNhien.Net – Hàng vạn cây cao su tươi tốt đang trong độ tuổi thu hoạch tại xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai bị đốn không thương tiếc để lấy đất làm Khu công nghiệp (KCN) Long Khánh. Sau hơn 5 năm đưa vào hoạt động với nhiều ưu đãi, KCN vẫn vắng như chùa bà đanh. Trong số 264ha cao su làm dự án, chỉ có hơn 10ha được cho thuê với lèo tèo vài doanh nghiệp, thế là chủ đầu tư nảy ra “sáng kiến” đem đất cho thuê trồng… mì lấy tiền nuôi bộ máy quản lý.
Thấy “ngon ăn” nên nhảy vào?
Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN) nhất Việt Nam, thu hút hàng nghìn dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký lên tới nhiều tỷ USD. Có lẽ thấy KCN “ăn nên làm ra” nên một số doanh nghiệp đã nhảy vào lĩnh vực này, trong đó có Công ty cổ phần KCN Long Khánh.
Được Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 22/1/2007 (lần đầu), Công ty cổ phần KCN Long Khánh, tên nước ngoài Long Khanh Industrial Zone Joint-stock Company, viết tắt LOKIZ (trụ sở tại số 13, ấp Trung Tâm, xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh). Thành lập theo giấy phép, LOKIZ có vốn đầu tư 60 tỷ đồng với 6 triệu cổ phần. Trong đó, Công ty cao su Đồng Nai nắm 3,06 triệu cổ phần (30,6 tỷ đồng là vốn nhà nước) do hai ông Trương Văn Nghĩa, Lê Văn Hùng làm đại diện…
Ngày 6/3/2007, Tổng giám đốc LOKIZ Lê Văn Hùng ký văn bản gửi Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai đề nghị giới thiệu địa điểm quy hoạch KCN Long Khánh để công ty tiến hành thủ tục tiếp theo. Ngay hôm sau, UBND thị xã Long Khánh cũng có văn bản do Phó chủ tịch (hiện là Chủ tịch) Lê Văn Thư ký, gửi Sở KH-ĐT đề nghị xem xét, giới thiệu địa điểm lập KCN Long Khánh 300ha tại xã Bình Lộc. Theo Phó chủ tịch Thư, việc lập KCN 300ha là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thị xã Long Khánh. Tiếp đến, ngày 29-3-2007 Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Đồng Nai Lê Viết Hưng “thống nhất việc giới thiệu địa điểm KCN Long Khánh” đồng thời đề nghị Sở KH-ĐT “tổng hợp trình UBND tỉnh”.
Ngày 18/4/2007, Giám đốc Sở KH-ĐT Đồng Nai Bồ Ngọc Thu ký văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, nêu rõ: Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai cùng đại diện các Sở TN-MT, Xây dựng, Tài chính, Ban quản lý các KCN, UBND thị xã Long Khánh đã khảo sát khu đất tại xã Bình Lộc do Công ty cao su Đồng Nai quản lý sử dụng, cách Khu du lịch Suối Tre khoảng 3km. Công ty cao su Đồng Nai nhất trí đưa khu đất vào quy hoạch KCN. Sở KH-ĐT đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận giới thiệu địa điểm cho LOKIZ…
Năm ngày sau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Ao Văn Thinh ký văn bản số 2909/UBND-CNN chấp thuận chủ trương và thỏa thuận địa điểm cho LOKIZ lập thủ tục đầu tư hạ tầng KCN Long Khánh với diện tích khoảng 300ha, kèm theo sơ đồ vị trí do UBND thị xã Long Khánh xác lập ngày 4-4-2007. Ngày 4-6-2008, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định thành lập KCN Long Khánh với 264ha do LOKIZ làm chủ đầu tư.
Cao su “khóc”!
Hoàn tất thủ tục pháp lý, LOKIZ triển khai xây dựng hạ tầng KCN Long Khánh. Để có đất thực hiện, công việc đầu tiên chủ đầu tư làm là “trảm” cao su! Một người dân xã Bình Lộc nhớ lại: “Cả rừng cao su đang trong thời kỳ thu hoạch bỗng dưng bị đốn sạch, ai cũng tiếc đứt ruột”.
Với mức đầu tư cho dự án 650 tỷ đồng, LOKIZ đã tăng vốn điều lệ từ 60 lên 120 tỷ với 12 triệu cổ phần, trong đó Tổng công ty cao su Đồng Nai 100% vốn nhà nước (kế thừa Công ty cao su Đồng Nai trước đây) chiếm hơn phân nửa với 61,2 tỷ đồng đã góp đủ. Đại diện Tổng công ty cao su Đồng Nai là ông Trương Văn Nghĩa nắm giữ 3,12 triệu cổ phần (31,2 tỷ đồng) ngồi ghế chủ tịch HĐQT của LOKIZ và ông Lê Văn Hùng giữ 3 triệu cổ phần (30 tỷ đồng) làm tổng giám đốc. Tới tháng 5/2011, LOKIZ đã đầu tư 82,5 tỷ đồng vào hạ tầng KCN Long Khánh, số tiền này đến nay còn cao hơn nhiều.
Cho thuê đất KCN… trồng mì!
Sau thời gian tích cực triển khai, KCN Long Khánh đã đi vào hoạt động. Theo quảng cáo, nơi này có vị trí thuận lợi, gần quốc lộ, cảng và sân bay nên hấp dẫn các nhà đầu tư… LOKIZ cam kết sẽ đồng hành và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sự thành công của các doanh nghiệp, rõ nhất là việc miễn tiền thuê đất tại KCN này đến năm 2022. Thế nhưng sau nhiều năm triển khai, đến nay chỉ có năm doanh nghiệp đầu tư vào KCN Long Khánh với 12,65ha, vì thế nhà máy xử lý nước thải xây dựng trong giai đoạn 1 phải hoạt động cầm chừng vì thiếu “nguyên liệu” trầm trọng.
Theo phản ánh của người dân, gần một năm trở lại đây tại KCN này bỗng dưng mọc lên một rừng mì! Sau thời gian tích cực chăm bón, vụ đầu tiên đã thu hoạch trong quý 1 năm 2013 và hiện KCN đang cho cày xới để trồng vụ thứ hai.
Phóng viên Báo CATP có mặt tại KCN Long Khánh giữa tháng 4-2013 để mục sở thị “hiện tượng lạ”. Một người trong nhóm trồng mì cho biết, để có đất canh tác họ đã thuê của KCN Long Khánh giá 10 triệu đồng/ha. Ngày 2/5/2013, trong vai chủ nhiệm một hợp tác xã chuyên sản xuất và cung cấp mì, phóng viên đã liên lạc với LOKIZ xin thuê đất. Qua điện thoại, một thành viên công ty này “lấy làm tiếc” vì đã ký hợp đồng cho các đơn vị thuê đất trồng mì từ cuối tháng 4/2013 với giá trên và hơn 50ha đã có “chủ”, hiện tại KCN này không còn đất để cho thuê… trồng mì nữa!
Một chủ vườn cao su tư nhân ở Đồng Nai cho biết, mỗi mẫu (1ha) cao su đến tuổi khai thác trung bình cho lượng mủ từ 120 – 200 triệu đồng/năm. Với 264ha, mỗi năm Tổng công ty cao su Đồng Nai có thể thu về cho Nhà nước khoảng 30 đến hơn 50 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế cao như vậy nhưng lại san bằng, lấy đất làm KCN để rồi sau đó lại mang ra cho thuê trồng mì, thu 10 triệu đồng/ha/năm. Hàng trăm hécta cao su 5 năm qua đã gây lãng phí, thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng và vẫn chưa dừng lại.
Được biết, Tổng công ty cao su Đồng Nai (tên tiếng Anh Dongnai Rubber Corporation, viết tắt DONARUCO, là công ty TNHH một thành viên, thành lập theo quyết định số 1279/QĐ-BNN-ĐMDN ngày 4/5/2009 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn do Tập đoàn Công nghiệp cao su VN làm chủ sở hữu, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con, kế thừa các ngành nghề kinh doanh của Công ty cao su Đồng Nai trước đây theo hướng kinh doanh tổng hợp, đa ngành nghề, trong đó sản xuất kinh doanh chính là trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su thiên nhiên. Diện tích cao su do DONARUCO quản lý hơn 35.000ha, trong đó 25.200ha đang khai thác. Thật khó chấp nhận, một doanh nghiệp cao su lại ra tay “trảm” loại cây này, lấy đất phục vụ nghề “tay trái”! Rõ ràng việc đầu tư vào KCN Long Khánh chẳng những không hiệu quả mà còn gây lãng phí khủng khiếp tài nguyên quốc gia.