Kỳ 2: Hái lượm của rừng, của biển
ThienNhien.Net – Người dân nghèo di cư đến cửa sông, cửa biển để giăng lưới, thả câu, mò cua bắt cá, rồi vào rừng lấy củi làm chất đốt, đào rừng bắt sâm đất… Cái ăn, cái mặc buộc họ phải bắt thủy sản giống, chặt phá cây rừng dù bị ngăn cấm. Cái nghèo đói, thất học không cho họ cơ hội nhìn xa, trông rộng vùng “rừng vàng, biển bạc” ven biển Tây.
Cuộc sống phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên không chỉ khiến cư dân vùng ven biển chịu nhiều rủi ro mà còn gây áp lực không nhỏ đến nguồn tài nguyên rừng, biển.
Chuyện về xóm nghèo ở Mũi Cà Mau
Theo thống kê chưa đầy đủ, rừng phòng hộ Bạc Liêu có gần 1.000 hộ dân, Cà Mau có 2.292 hộ. Chi cục kiểm lâm Cà Mau khảo sát 2.292 hộ đang cư trú trên lâm phần thì có tới 1.563 hộ nghèo, 692 hộ đủ ăn và chỉ có 37 hộ khá giả nhờ đầu tư vốn cho dân vào rừng, ra biển rồi thu mua sản phẩm. |
Rạch Mũi thuộc ấp Kinh Đào Tây nằm đối diện trụ sở xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) từ lâu đã được gọi là Xóm Lò. Cái tên này xuất phát từ việc bà con xây lò hầm than đước, khói vương vương suốt bốn mùa. Những năm gần đây, Xóm Lò bị mang tên khác, là Xóm Nghêu Tặc vì bãi biển Khai Long do HTX quản lý xuất hiện nghêu giống, bà con ra bãi biển cào nghêu giống để bán kiếm tiền.
Gặp chúng tôi, lão ngư Trần Văn Cấm, 70 tuổi, ở ấp Kinh Đào Tây trần tình: “Bà con bị gọi là nghêu tặc là oan, chúng tôi có ăn cắp ăn trộm của ai đâu, chỉ hớt lộc của biển thôi mà. Phần đông người dân không đất nuôi tôm, sống chủ yếu dựa vào khai thác ven biển và dưới tán rừng. Người dân vào rừng cũng bị cấm, ra biển cũng bị đuổi thì sao sống? Bãi nghêu giống Khai Long nên cho dân khai thác, có quản lý và thu thuế người mua nghêu giống. Người dân được hưởng lợi từ nghêu giống tự nhiên sẽ giảm chặt phá rừng”.
Ấp Kinh Đào Tây có hơn 200 hộ, phần lớn bà con có đất ở nhưng không đất sản xuất nên phải vào rừng đào bắt ốc, mò cua, bắt vọp, ba khía… rồi chờ mùa khai thác, ra ven biển giăng lưới, thả câu, đặt vó, đăng đáy… để bắt cá, tôm. Ông Phan Văn Dũng ở ấp Kinh Đào Tây nói: “Bà con ở đây cực khổ, vất vả, kiếm được miếng ăn phải qua biết bao nhiêu cửa. Vào rừng gặp kiểm lâm, ra biển bị kiểm ngư canh giữ, bắt bớ, xử phạt”. Cả hai người con của ông Đỗ Văn Thảo, 72 tuổi, ở ấp Kinh Đào Tây, xã Đất Mũi đều bị phạt tù mấy năm nay vì trót “chống người thi hành công vụ” trên đường cùng bà con cào nghêu giống.
Dân nghèo tại chỗ, rồi dân nghèo từ nơi khác kéo đến khiến vùng bãi bồi ven biển, ven rừng trở thành những ấp xóm đông đúc, tàn phá tài nguyên rừng, biển để mưu sinh. Ông Nguyễn Văn Mốt (Sáu Mốt) ở ấp Mũi là người cố cựu, bao đời gắn bó với Đất Mũi Cà Mau, nhớ lại: “Cha mẹ tôi có ngôi nhà trong vàm Ông Trang, cách đây gần 7 cây số. Anh em tôi lớn lên, lập gia đình, cất nhà lấn dần ra chót Mũi. Ngày trước, tôi làm Trưởng ấp Mũi có hơn 100 hộ dân thì nay tách ra thành 4 ấp mà mỗi ấp có vài trăm hộ dân”.
… và cuộc đời lang bạt dưới những tán rừng
Dải rừng phòng hộ ven biển Đông sang biển Tây ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang hiện đang là nơi sinh sống của hàng ngàn hộ dân hai thác tài nguyên rừng, tài nguyên ven biển. Dòng người di cư tự do buộc phải dừng lại bìa rừng vì không thể tha phương cầu thực về phương Nam.
“Bà con ở đây rất nghèo, làm ngày nào ăn ngày đó, không đất sản xuất, chủ yếu dựa vào rừng, xuống biển. Chúng tôi đang cùng với chính quyền khảo sát về đời sống kinh tế, trình độ và nghề nghiệp để báo cáo cho lãnh đạo xử lý” – ông Phạm Ngọc Thảo, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Kinh Tế, ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, Hòa Bình, Bạc Liêu cho biết. |
Mặt trời lên đỉnh đầu, nắng gay gắt, gió biển ào ào như đưa bước chân của người dân ra biển mò cua, bắt nghêu, tôm về đất liền. Ông Tô Văn Chiến, 62 tuổi, ở kinh Mương Bảy, ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu bị bệnh nặng đã mấy tháng nay, tuy không đi biển được nhưng ông vẫn dõi theo bà con nghèo kiếm sống ven biển. Ông nói: “Ở đây cực khổ, vất vả, thiếu thốn nhưng sáng ra biển, trưa về thì có tiền mua gạo. Rồi khi nước ròng, bà con lại ra biển hoặc vào rừng lần nữa để kiếm sống. Mấy đứa con tôi kiếm kha khá nhờ mò nghêu ven biển!”.
Theo dòng người từ biển về, em Nguyễn Văn Đủ, 16 tuổi, học lớp 3, cùng mẹ đi biển mò nghêu bán được 53.000 đồng. Trên vai quảy chiếc thùng nhựa lấm lem sình đất, tay cầm chiếc bánh ngọt mới mua ăn cho đỡ đói lúc xế chiều, em Đủ kể: “Ba của em làm phụ hồ. Ba anh em đi theo mẹ ra biển mò cua, chiều về học ở trường trên đầu kinh, gần trụ sở xã Vĩnh Thịnh”.
Ông Danh Dũ, 40 tuổi, ở ấp Vĩnh Điền, xã Long Điền Đông (Đông Hải, Bạc Liêu) thì may mắn hơn. Ông cho hay: “Tôi được nhận 3 ha để trồng rừng, nuôi tôm dưới tán rừng. Vì mới định cư trên phần đất của Chi cục Kiểm lâm Bạc Liêu quản lý được vài năm nên đời sống còn chật vật, thiếu trước hụt sau. Nhưng so với những năm tháng làm mướn, giăng lưới, thả câu, mò cua bắt ốc ở Đất Mũi (Ngọc Hiển), Gò Công (Phú Tân, Cà Mau), Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) thì sướng hơn nhiều!”.
Theo ông Phạm Ngọc Thảo, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Kinh Tế, đóng ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình, Bạc Liêu), hiện trạm quản lý 10 km dải rừng, có gần 899 ha rừng phòng hộ ven biển với 105 hộ cư trú thường xuyên, còn lại 105 hộ di cư tự do. “Bà con ở đây rất nghèo, làm ngày nào ăn ngày đó, không đất sản xuất, chủ yếu dựa vào rừng, xuống biển. Chúng tôi đang cùng với chính quyền khảo sát về đời sống kinh tế, trình độ và nghề nghiệp để báo cáo cho lãnh đạo xử lý” – ông nói.
Cũng trong tình trạng tương tự, ông Ngô Minh Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) cho biết, xã có ấp Lưu Hoa Thanh có rừng phòng hộ với 470 hộ dân sinh sống thì có 100 hộ được nhận khoán đất rừng, còn 370 hộ có nhà ở nhưng chưa có đất sản xuất. Ngoài ra, ấp Lưu Hoa Thanh còn 260 hộ với khoảng 700 nhân khẩu di cư tự do, chưa có nhu cầu nhập hộ khẩu, chính quyền nói vui là tạm trú lỳ!”.
Áp lực dân cư đè nặng lên rừng, biển
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (Ngọc Hiển, Cà Mau) có diện tích rừng ngập mặn và vùng ven biển bãi bồi kéo dài từ biển Đông sang biển Tây, là vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đa dạng sinh học, môi trường tỉnh Cà Mau và vùng ĐBSCL. Vườn có tổng diện tích 41.862 ha, trong đó phân khu bảo tồn biển 26.600 ha, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 12.203 ha, khu vực phục hồi sinh thái 2.859 ha và khu hành chánh dịch vụ 200 ha. Vùng đệm có dân cư ở dưới tán rừng, rộng khoảng hơn 8.194 ha.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết: “90% dân số có nhu cầu cây gỗ cất nhà ở, chất đốt, làm dụng cụ khai thác ven bờ. Đặc biệt, nghề hầm than đước âm ỉ cháy, gây áp lực không nhỏ lên rừng. May sao rừng ngập mặn Mũi Cà Mau tái sinh nhanh, phủ lại màu xanh khu vực bị tỉa thưa, chặt chọn”.
Những năm qua, Vườn đã lập một số dự án phát triển vùng lõi, vùng đệm và phát triển du lịch sinh thái, tuy thời hạn thực hiện đã hết nhưng kết quả không đáng kể và tồn tại nhiều mâu thuẫn. Ông Tuấn nói: “Ba dự án trên lẽ ra phải được thực hiện đồng bộ để hỗ trợ, thúc đẩy nhau nhưng thực tế lại triển khai ngược quy trình, vì thế việc bảo vệ rừng, khôi phục tài nguyên biển càng khó khăn”.
Kể từ khi thành lập, Vườn cũng đã lập dự án bảo vệ, phát triển vùng lõi với tổng mức dự toán hơn 75 tỷ đồng nhưng vì thiếu vốn nên chỉ thực hiện được 22%. Trong khi đó, dự án phát triển vùng đệm, phát triển du lịch sinh thái để tăng thu nhập cho người dân, giúp giảm đói nghèo, giảm áp lực lên Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cũng chưa được thực hiện hiệu quả.
Áp lực lên rừng và vùng biển ven bờ, vì vậy, vẫn ngày một tăng.