TPHCM: Nan giải xử lý nước thải

ThienNhien.Net – 500.000m³ là lượng nước thải công nghiệp thải ra trung bình mỗi ngày trên địa bàn TPHCM. Phần lớn trong số nước thải này chưa được xử lý triệt để, chưa đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường khiến chất lượng nước kênh rạch ô nhiễm nặng. Việc thu phí nước thải công nghiệp nhằm bù đắp một phần chi phí đầu tư, cải tạo và duy trì hoạt động xử lý nguồn nước ô nhiễm tại các kênh rạch.

Nước thải ô nhiễm tràn lan 

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường, Viện Môi trường và Tài nguyên, khẳng định tại TPHCM không còn vùng nước sạch nào đạt chuẩn quy định. Cụ thể, toàn bộ hệ thống kênh rạch đều có nồng độ COD, BOD, Coliform, kim loại nặng vượt chuẩn cho phép từ vài lần đến vài trăm, thậm chí có những tiêu chí như vi sinh vượt chuẩn hàng ngàn lần. Còn đối với tuyến sông Sài Gòn, ngay cả đoạn lấy nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cũng không đạt chuẩn. Nồng độ các chất kim loại nặng, dầu… thường xuyên không đạt yêu cầu. Riêng đoạn phía hạ nguồn dẫn ra sông Đồng Nai chất lượng nước rất xấu.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đang đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung điều khoản xử lý vi phạm của các đối tượng không thực hiện nghĩa vụ nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định. Điều này góp phần tạo sự công bằng giữa những doanh nghiệp chấp hành nộp phí đầy đủ với những doanh nghiệp chây ì, trốn nộp phí.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng thừa nhận, hiện tại một số khu công nghiệp vẫn còn tình trạng các cơ sở chưa tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải, chưa đấu nối hoàn chỉnh vào hệ thống thoát nước thải.

Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải của các khu công nghiệp cũng chưa được giám sát thường xuyên và chặt chẽ, cộng với tình trạng cơ sở sản xuất nhỏ tồn tại trong các khu dân cư còn nhiều. Cho nên hiện nay, một lượng lớn nước thải công nghiệp chưa được kiểm soát chặt trước khi thải ra môi trường. Đây là nguyên nhân khiến cho chất lượng nguồn nước mặt trên địa bàn TPHCM ngày càng giảm sút.

Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân, nguyên Trưởng Khoa Sức khỏe và môi trường Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM khẳng định, trong những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang có những tác động xấu đến sức khỏe người dân. Số lượng bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa gia tăng, đặc biệt là bệnh ung thư ngày càng tăng cao.

Thống kê từ Bộ Y tế vừa qua đã chỉ rõ hiện trung bình mỗi năm Việt Nam có đến 150.000 người mắc bệnh ung thư. Điều đáng nói là một phần nguyên nhân dẫn đến hệ quả này xuất phát từ môi trường sống ô nhiễm.

Kiểm tra chất lượng nước thải ở một khu công nghiệp (Ảnh: Phạm Kim Ngân/Sài Gòn Giải Phóng)
Kiểm tra chất lượng nước thải ở một khu công nghiệp (Ảnh: Phạm Kim Ngân/Sài Gòn Giải Phóng)

Giải pháp nào ngăn chặn?

Để có thể ngăn chặn nguồn nước thải ô nhiễm trên, trong thời gian tới nhiều giải pháp sẽ được triển khai. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết: “Trước tình hình ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp ngày càng tăng, thành phố đã yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp phải đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải. Đến nay, 14/14 khu chế xuất – khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải hoạt động ổn định. Không dừng lại đó, để việc giám sát chất lượng nước thải tại hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu được thường xuyên, liên tục, sở đã đề xuất UBND TP cấp kinh phí 16 tỷ đồng để đầu tư thiết bị kiểm soát tự động nhằm hạn chế việc các chủ đầu tư có thể xả lén lút nước thải chưa đạt yêu cầu ra môi trường”. Song song đó, thành phố đang gấp rút hoàn thành các dự án cải thiện chất lượng môi trường hệ thống kênh rạch như lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé – kênh Đôi – kênh Tẻ, Tân Hóa – Lò Gốm, Tham Lương – Bến Cát, Ba Bò…

Tuy nhiên, bên cạnh việc nỗ lực tìm kiếm những nguồn vốn làm xanh hóa môi trường sống của TP, việc thu phí nước thải công nghiệp nhằm tạo nguồn thu hoạt động cải thiện môi trường cũng được xem là rất quan trọng. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định mới do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, ngày 1-7-2013 nghị định mới về thu phí nước thải công nghiệp sẽ được áp dụng. Theo đó, mức phí thu ước tính cao hơn khoảng 10 lần mức phí cũ. Cụ thể, mức thu phí theo chất gây ô nhiễm trước đây thu tối thiểu là 100 đồng/kg và tối đa là 300 đồng/kg đối với chất COD, thì mức thu mới sẽ tăng lên gấp 10 lần. Tương tự với các chất khác cũng sẽ tăng từ 6 – 10 lần.

Không chỉ vậy, để tránh tình trạng thu sót đối với nhiều loại hóa chất không được liệt kê đầy đủ, nghị định thu phí đưa ra hai dạng phí là phí cố định và phí biến đổi. Phí cố định được thu trên tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp có thải nước thải ra môi trường, phí biến đổi thu dựa vào tải lượng các chất ô nhiễm có trong nước thải. Ngoài ra, đối với các cơ sở có phát sinh kim loại nặng thì phải đóng phí theo hệ số K tương ứng. Riêng với những cơ sở sản xuất, chế biến thuộc danh mục các ngành, lĩnh vực sản xuất có nước thải chứa kim loại nặng nếu xử lý các kim loại nặng đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước mặt thì được áp dụng hệ số K=1. Điều này cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp theo hướng đầu tư xử lý môi trường ngày càng tốt hơn.


*Tít bài do BBT ThienNhien.Net đặt lại