ThienNhien.Net – Sau hơn bốn năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (2008-2013), tỉnh Sơn La đã tích cực triển khai việc giao khoán, quản lý bảo vệ rừng cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình, nhằm phát triển quỹ rừng một cách hiệu quả, giúp người dân có điều kiện tăng thêm thu nhập, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng.
Sơn La đã áp dụng thí điểm cho 157 xã của 9 huyện, thành phố gồm: Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu, TP Sơn La, Mai Sơn, Bắc Yên, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La với tổng diện tích rừng được xác định là 422 nghìn ha. Qua đó, tỉnh cũng xác định hai loại dịch vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng là dịch vụ điều tiết và cung ứng nguồn nước và dịch vụ bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, chống bồi lắng lòng hồ.
Để thực hiện hiệu quả chính sách Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến nâng cao nhận thức về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng; tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo; xây dựng và phát hành tờ rơi, panô, biển báo khu vực chi trả; triển khai…
Ông Lương Thái Hùng – Giám đốc Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La có nhiều thuận lợi do diện tích rừng lớn, nhiều người dân sống bằng nghề rừng. Bên cạnh đó, còn có nhiều nhà máy thủy điện, do đó hiện tỉnh đang tiến hành thực hiện phát triển Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng ở cả ba cấp. Cấp xã sẽ tiến hành xác định các chủ rừng, loại rừng được hưởng dịch vụ, sau khi được phê duyệt sẽ mở tài khoản, niêm yết công khai danh sách tại các thôn, bản và thông báo cho các chủ rừng. Sau mười ngày, nếu không có ý kiến phản hồi, xã sẽ tiến hành chi trả tiền dịch vụ dựa trên sổ giao đất, giao rừng của các chủ rừng.
Đến xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai mới thấy đời sống của người dân nơi đây bước đầu đã có sự đổi thay, người dân đã phần nào có được một công việc ổn định, đời sống tinh thần của người dân từ đó cũng từng bước đuợc cải thiện. Phấn khởi trước những thành công bước đầu đạt được, ông Điêu Chính Kiêm, phó chủ tịch UBND xã Mường Chiên cho biết, Mường Chiên là một xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, người dân nơi đây đa số sống dựa vào tự nhiên là chủ yếu, chính cái nghèo đói là một trong những nguyên nhân gián tiếp làm suy thoái, cạn kiệt tài nguyên rừng. Từ khi Chính Phủ ban hành chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân đã có công việc ổn định hơn, không tự ý chặt phá rừng bừa bãi nữa. Đây là một trong những chính sách mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao ý thức vai trò và trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn, nhất là đối với các đối tượng trực tiếp tham gia bảo vệ rừng.
Anh Lò Văn Dơi, người dân xã Mường Chiên chia sẻ: Từ khi được Nhà nước giao đất, giao rừng gia đình tôi đã có một công việc ổn định để làm cải thiện đời sống chứ không còn phải sống phụ thuộc vào nương rẫy như trước nữa. Nhờ chính sách này mà không chỉ riêng tôi mà còn nhiều nhà trong bản có của ăn của để, đời sống được nâng cao, không còn tình trạng lên núi phá rừng, đốn củi bừa bãi, ý thức bảo vệ rừng cũng được người dân trong bản thực hiện tốt hơn.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách có chu trình dài, do vậy tính ưu việt của chính sách mới này là rất lớn. Không chỉ vậy, khi diện tích rừng có chủ, quyền lợi của người dân nhận khoán và bảo vệ rừng được đảm bảo thì nhận thức của người dân từng bước được nâng lên, đặc biệt là trách nhiệm của các hộ gia đình trong bảo vệ rừng, như việc ngăn chặn chặt cây tươi làm củi, khai thác gỗ trái phép. Đặc biệt, chính sách này còn giải quyết được nhiều vấn đề; trong đó, trọng tâm là 3 vấn đề cơ bản về môi trường, kinh tế và xã hội, góp phần giảm thiểu mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao chất lượng rừng… Việc chi trả cho công tác bảo vệ rừng đã tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống nhân dân vùng có rừng, giảm được tiền đầu tư bảo vệ rừng từ ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.