ThienNhien.Net – Các vụ tai nạn chết người xảy ra liên tục tại những hầm vàng trái phép ở Quảng Nam nhưng lực lượng chức năng tỉnh này chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Từ đầu năm nay, thông tin dân khai thác vàng trúng đậm vàng miếng tại các huyện miền núi Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang của tỉnh Quảng Nam đã khiến hàng ngàn người dân miền Trung ào ạt kéo đến tìm vận may. Các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hàng chục đợt truy quét “vàng tặc” nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện..
Khu bảo tồn cũng không tha
Khu vực thôn Bồng Miêu của xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh những năm qua “nổi tiếng” bởi tình trạng “vàng tặc”, đặc biệt sau Tết Quý Tỵ đến nay. Chỉ trên một dãy núi Kẽm đã có đến hơn 100 lán trại mọc lên và hàng trăm phu vàng kéo về đây khai thác khiến núi rừng bị tàn phá dữ dội. Vô số hầm hố sâu như những cái bẫy chết người với những đống quặng chất ngổn ngang, đường hầm chạy ngoằn ngoèo đâm vào núi. Xe máy để lăn lóc trong các bụi cây.
Nhiều chủ hầm vàng dùng cả máy hút bùn, hút đất để khai thác. Tại các huyện khác như Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My…, các chủ hầm vàng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân tộc thiểu số để mua đất đào đãi vàng trái phép.
Những ngày cuối tháng 4, tình trạng khai thác vàng trái phép ở vùng giáp ranh xã Tà Pơ và Chà Vàl (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, huyện Nam Giang) diễn ra rầm rộ. Mỗi ngày có hàng chục tốp phu vàng, gùi cõng dầu máy, lương thực vào ra liên tục tại bãi khai thác vàng ở khe Tà Vạt, khe Ru khiến hàng loạt thảm rừng nguyên sinh, phòng hộ bị bức tử, xới tung.
Ông Nguyễn Trí, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, nói không chỉ rừng bị tàn phá mà điều lo lắng hơn là hầu hết các hầm vàng rất sơ sài, rỗng không dưới lòng đất nên nguy cơ sập rất cao, nhất là sau mỗi trận mưa dông kéo dài.
Địa phương kêu khó
Trước thực trạng khai thác vàng trái phép diễn ra rầm rộ, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các địa phương tăng cường truy quét, xử phạt nặng các đối tượng khai thác. Chỉ riêng trong đợt cao điểm từ ngày 1-1 đến 31-3, lực lượng chức năng của Quảng Nam đã phá hủy trên 100 lán trại, hàng chục máy nổ, trục xuất hàng trăm đối tượng ra khỏi rừng. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng rút lui, “vàng tặc” lại hoạt động rầm rộ.
Ông Huỳnh Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, cho biết địa phương rất kiên quyết với nạn khai thác vàng trái phép và đã nhiều lần tổ chức bịt các miệng hầm bằng bê tông nhưng “vàng tặc” vẫn tìm cách đục ra để vào khai thác vàng, bất chấp nguy hiểm. Vì vậy, cần phải đánh sập toàn bộ các hầm vàng, tránh để xảy ra nhiều cái chết thương tâm như vừa qua.
Ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho rằng nguyên nhân “vàng tặc” liên tục xuất hiện trong núi rừng để khai thác vàng trái phép là do địa bàn miền núi xa khu dân cư, đường đi khó khăn, núi đồi hiểm trở nên khi lực lượng truy quét đến thì họ ẩn nấp trong rừng, khó đẩy đuổi hết.
Còn ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, thừa nhận dù địa phương đã liên tục truy quét nhưng không làm hết trong ngày một ngày hai được.
Ông Dương Chí Công, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Nam, than thở: “Lãnh đạo tỉnh, ngành đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương tăng cường nguồn lực lớn để giữ tài nguyên khoáng sản nhưng không hiểu vì lý do gì “vàng tặc” vẫn ẩn nấp được trên núi rừng”.
Ông Công đề nghị về lâu dài, các bộ, ngành Trung ương cần có cơ chế, chẳng hạn như giao các điểm nhỏ lẻ nơi có vàng để kêu gọi các doanh nghiệp vào khai thác, quản lý thì tình trạng vàng trái phép mới giảm được.
Nhiều phu vàng thiệt mạng
Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Quảng Nam đã có 7 người chết vì sập hầm vàng, rải rác tại các huyện Phú Ninh, Phước Sơn, Đông Giang. Vụ mới đây nhất xảy ra ngày 5-5 tại khu vực Hố Ngách, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh với 3 phu vàng chết ngạt. Công an tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định khởi tố, bắt tạm giam Vũ Văn Quynh (35 tuổi, ngụ Ninh Bình) về hành vi tổ chức khai thác vàng trái phép gây hậu quả chết người. |