ThienNhien.Net – Ngày 6/5, đoàn đại biểu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam do Thứ trưởng Hà Công Tuấn dẫn đầu và đoàn đại biểu Bộ Nước và Các vấn đề môi trường Nam Phi do Thứ trưởng Rejoice Mabudafhasi dẫn đầu, đã có cuộc hội đàm và ký kết Kế hoạch hành động nhằm bảo tồn đa dạng sinh học tại thủ đô Prêtôria của Nam Phi.
Kế hoạch hành động là kết quả trực tiếp của quá trình hợp tác và đàm phán tích cực giữa hai Chính phủ, sau khi Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Nước và các vấn đề môi trường Nam Phi Étna Môlêoa (Edna Molewa) ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về bảo tồn đa dạng sinh học hồi tháng 12/2012 tại Hà Nội, nhằm triển khai các thoả thuận đạt được vào thực tiễn.
Kế hoạch gồm 7 nhóm hành động, với 26 hành động cụ thể, trong đó ưu tiên hàng đầu việc tăng cường năng lực quản lý, bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học; tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng và đa dạng sinh học theo khuôn khổ luật pháp của mỗi nước và phù hợp với các công ước quốc tế mà mỗi bên đã tham gia, trong đó có Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); tăng cường trao đổi thông tin; phát triển, chuyển giao và sử dụng các công nghệ mới, trong đó có việc xây dựng ngân hàng gien phục vụ công tác quản lý; tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học…
Phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ ký, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Nam Phi, đồng thời khẳng định mong muốn của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường và củng cố quan hệ hợp tác toàn diện với Chính phủ Nam Phi, trong đó có việc hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, đấu tranh nhằm ngăn chặn tình trạng săn trộm các loài vật đang lâm nguy, đặc biệt là nạn săn trộm tê giác để lấy sừng.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Nam Phi, Thứ trưởng Mabuđaphaxi cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng trước việc hai nước ký Kế hoạch hành động. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các đồng nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết và hy vọng rằng với những nỗ lực như vậy, chúng ta sẽ tiến từng bước tới việc chấm dứt hoàn toàn nạn săn bắn trộm và buôn bán sừng tê giác”.
Bản Kế hoạch hành động có hiệu lực đến năm 2017. Sau thời hạn này, hai bên sẽ cùng nhau rà soát, đánh giá những kết quả đạt được và những vấn đề tồn tại để từ đó đề xuất những giải pháp tiếp theo.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nam Phi, đoàn đại biểu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam sẽ có chuyến khảo sát các vườn quốc gia của Nam Phi để trao đổi kinh nghiệm về quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học và thực thi pháp luật trong lĩnh vực này.