Quyết liệt cuộc chiến chống “khoáng tặc” ở Nghệ An

ThienNhien.Net – Khai thác khoáng sản bừa bãi, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng môi trường sống của người dân trên địa bàn… là thực tế đã và đang tồn tại trên địa bàn một số huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An (Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông…). Lực lượng chức năng cũng đã nhiều lần ra quân trấn áp, thế nhưng, “khoáng tặc” – khai thác khoáng sản (vàng, cát, đá quý, quặng…) trái phép vẫn tái diễn vi phạm.

Nóng” cuộc chiến chống “khoáng tặc”

Những ngày này, khi trở lại đồi Khe Háng Nhỏ, bản Huồi Máy, xã Cắm Muộn (Quế Phong, Nghệ An), dễ dàng thấy hình ảnh để lại của một đợt truy quét “khoáng tặc” của lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An vừa mới triển khai. Hàng chục lán trại, hố hầm khoét sâu trong lòng đồi, lòng đất đến 5-7m của các “khoáng tặc” – các đối tượng tổ chức khai thác khoáng sản trái phép (chủ yếu là vàng đồi) bị lực lượng chức năng tiến hành phá dỡ, lấp bỏ. Nhìn những gì đã và đang còn sót lại nơi đây, ai cũng cảm thấy bức xúc trước vấn nạn “khoáng tặc”.

Đại tá Trần Hữu Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi nhận thấy tại xã Cắm Muộn, xã Quang Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An) xuất hiện tình trạng khai thác vàng đồi trái phép gây thất thoát tài nguyên, mất ANTT, Phòng Cảnh sát môi trường đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An huy động lực lượng để tổ chức truy quét “khoáng tặc” ở đây.

13h ngày 4/4, từ trung tâm xã Cắm Muộn, lực lượng chức năng gồm: Phòng Cảnh sát môi trường, Cảnh sát cơ động, Công an huyện Quế Phong dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã đồng loạt từ trung tâm xã Cắm Muộn “hành quân” vào khu vực đồi Khe Háng Nhỏ để quét “vàng tặc”. Tại đây, trong hai ngày 4 và 5/4, lực lượng chức năng đã đẩy đuổi, vận động 150 đối tượng ra khỏi khu vực khai thác vàng trái phép; tháo dỡ 60 lán trại, lấp 150 hố đào vàng, vô hiệu hóa 25 máy nổ các loại; phá hủy 2.000m ống dẫn nước…

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An, tại khu vực này, vào thời điểm trước khi bị truy quét có khoảng 800-1.000 lượt người địa phương và tỉnh ngoài lui tới tổ chức khai thác vàng trái phép. Và chỉ tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay, Phòng Cảnh sát môi trường đã triệt phá, xử lý 89 vụ “khoáng tặc”, với trên 100 đối tượng, tháo dỡ nhiều lán trại, vô hiệu hóa một lượng lớn công cụ, phương tiện hỗ trợ cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép theo đó được đẩy lùi, song, hiện trên địa bàn một số huyện miền Tây Nghệ An như: Quỳ Hợp, Quế Phong, Tân Kỳ, Tương Dương… vẫn luôn “nóng” về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép (khai thác cát, vàng, quặng thiếc, chì, kẽm…) gây mất an ninh trật tự, cần sự nhập cuộc của các ngành, các cấp.

070513_TN_NgheAn

Quy trách nhiệm cụ thể cho chính quyền địa phương

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, Nghệ An là tỉnh tập trung nhiều loại khoáng sản gốc. Trên địa bàn hiện có trên 100 vùng mỏ lớn, nhỏ và gần 200 điểm quặng, nổi bật là: than, thiếc, bauxite, đá vôi và một số khoáng sản khác. Đáng chú ý, trong số khoáng sản này, vàng được phát hiện ở nhiều nơi trong tỉnh gồm vàng sa khoáng, vàng gốc. Đây cũng chính là lý do lý giải vì sao, thời gian qua bên cạnh các điểm mỏ khai thác có phép, xuất hiện nhiều điểm khai thác khoáng sản trái phép, gây thất thoát tài nguyên, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

Theo Đại tá Trần Hữu Hồng, khoáng sản ở Nghệ An được phân bố tự nhiên rải rác, trên diện rộng; khoáng sản quý hiếm chủ yếu nằm ở trong vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, địa hình hiểm trở… thế nên công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm có liên quan gặp không ít khó khăn. Nhất là có điểm nằm cách xa khu trung tâm đến hàng giờ đi bộ và khi lực lượng chức năng xuất hiện, các đối tượng “khoáng tặc” đã nhanh chân thu dọn “chiến lợi phẩm”, bỏ trốn khỏi hiện trường. Điển hình như đợt truy quét “vàng tặc” tại đồi Khe Háng Nhỏ, bản Huồi Máy. Để lên được đây, lực lượng chức năng đã mất hơn 8 tiếng đồng hồ “cuốc bộ” từ trung tâm xã.

Cũng theo Đại tá Trần Hữu Hồng, các đối tượng thường lợi dụng thời điểm đêm tối, vắng người qua lại để tổ chức khai thác khoáng sản trái phép. Đáng chú ý, số đối tượng này còn sử dụng hệ thống “chim lợn” dày đặc trên dọc tuyến đường, nhằm mục đích báo động cho các điểm khai thác trái phép biết, bỏ trốn khi có lực lượng chức năng xuất hiện.

Bên cạnh đó, chủ các điểm khai thác khoáng sản trái phép thường thuê nhân công là người địa phương; núp bóng việc thuê, mua đất vườn, đất rừng để tận thu khoáng sản. Đáng chú ý, theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường, việc chính quyền địa phương, buông lỏng quản lý chính là một trong những nguyên nhân chính khiến nạn “khoáng tặc” hoành hành, các vi phạm ngang nhiên tái diễn. Đơn cử như tại bản Huồi Máy, xã Cắm Muộn – nơi cách đó ít ngày, “khoáng tặc” đã bị Công an tỉnh đẩy đuổi bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, thế nhưng, chỉ vài ngày sau lại tái diễn tình trạng dựng lán trại, khai thác vàng trái phép, với khoảng 50 đối tượng.

Trước tình hình trên, ngày 10/4, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp cùng Công an huyện Quế Phong tiếp tục tổ chức truy quét, tháo dỡ 10 lán trại, đẩy đuổi các đối tượng này ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản trái phép.

Như vậy rõ ràng, quy trách nhiệm cụ thể cho chính quyền địa phương – nơi để xảy ra vi phạm kéo dài liên quan đến “khoáng tặc” là việc cần phải làm ngay, bởi nói như lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An: “Không thể có chuyện, chính quyền sở tại lại không hề hay biết vi phạm – khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mình quản lý cả, nhất là các vi phạm này lại diễn ra trong một thời gian dài”.

Báo cáo kết quả công tác đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực khoáng sản của Công an tỉnh Nghệ An cho thấy, thời gian qua, một số doanh nghiệp, tổ chức được phép khai thác mỏ nhưng có nhiều sai phạm hoặc có hành vi lách luật, trốn thuế như: không có đủ thủ tục và tiêu chuẩn khai thác; khai thác không đúng nội dung giấy phép được cấp; khai thác không đúng diện tích và phạm vi mỏ được cấp, cho các cá nhân và tổ chức không có giấy phép mượn danh nghĩa để tổ chức khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép khoáng sản; lợi dụng giấy phép thăm dò để tổ chức khai thác, một số mỏ đã hết hạn khai thác nhưng không làm thủ tục đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường theo quy định mà trái lại vẫn tiếp tục khai thác với lý do đang làm thủ tục gia hạn…Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép (cát, đá, vàng, quặng…) trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, việc khai thác này đã làm thất thoát tài nguyên, sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy, xâm hại nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng các công trình giao thông thủy lợi, dân sinh, gây mất ANTT. Đặc biệt, tình trạng khai thác vàng đồi trái phép ở một số nơi bên cạnh làm thất thoát tài nguyên còn tiềm ẩn nguy cơ sập hầm, đe dọa tính mạng ngay chính các phu vàng…