ThienNhien.Net – Quyết định công nhận buôn bán gỗ và động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép là loại hình tội phạm nghiêm trọng trong một động thái mới đây của Liên Hợp quốc (UN) đã và đang nhận được những phản hồi tích cực từ phía các tổ chức môi trường.
Quyết định chính thức này được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh của Ủy ban về Phòng chống Tội phạm và Tư pháp Liên Hợp quốc (UN-CCPCJ) diễn ra ở Vienna (Áo) cuối tháng 4 vừa qua.
Theo đó, các loại hình tội phạm liên quan tới buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã đã được xếp vào hàng tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nghiêm trọng nhất, với nguồn thu nhập đen ước tính khoảng 17 tỷ USD/năm, bên cạnh tội phạm về ma túy, vũ khí và rửa tiền.
“Điều này chứng tỏ tội phạm về động, thực vật hoang dã không còn bị xem nhẹ, như một loại hình tội phạm chỉ ảnh hưởng đến một vài loài cụ thể, mà bắt đầu được thừa nhận như một vấn đề có tác động đến an ninh, quản trị và minh bạch tài nguyên thiên nhiên, đồng thời cho thấy sự thiếu hiệu quả của các hành động quốc tế” – TS. Peter Paul van Dijk, Giám đốc Chương trình bảo tồn rùa cạn và rùa nước ngọt của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI), cho hay.
Việc Liên Hợp quốc chính thức công nhận buôn bán gỗ và động vật hoang dã trái phép là loại hình tội phạm nghiêm trọng một mặt đẩy mức hình phạt đối với loại tội phạm trên lên ít nhất 4 năm tù, mặt khác tạo điều kiện cho Cơ quan Phòng chống Tội phạm và Ma túy Liên Hợp quốc (UNODC) mở rộng vai trò trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán trái phép.
Không dừng lại ở đó, quyết định mới này còn là động lực thúc đẩy chính phủ các nước nỗ lực hơn, mạnh tay hơn nữa đối với hoạt động truy quét, xử phạt tội phạm về động, thực vật hoang dã trong bối cảnh nạn săn trộm các loài quý hiếm như voi, hổ, tê giác… và tình trạng khai thác gỗ trái phép đang tăng đột biến như hiện nay.