ThienNhien.Net – Bước vào mùa mưa bão năm nay, người dân sống ở các địa phương nơi có con đê biển Tây ở Cà Mau sống trong phập phồng, lo sợ. Mới chỉ phải hứng chịu mấy cơn gió tây nam thổi vào mà hàng trăm mét đê ở biển Tây đã muốn vỡ tan trước sóng.
Chị Minh (Nguyễn Thị Minh), ngụ ấp 1, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau) cả tuần qua gần như thức sáng đêm canh giấc ngủ cho đứa con nhỏ. Chiều nay, bồng đứa con ra ngồi trên con đê trước nhà, người phụ nữ này lẩm bẩm: “Cầu trời cho con sóng ngoài kia không cuốn phăng đi tất cả tài sản của gia đình chị”.
Sự mong ước của chị Minh không phải chỉ riêng chị, mà nó còn là niềm mong ước chung của hàng trăm hộ dân sống chạy dài trên các tuyến đê biển Tây. Với chiều dài gần 93 km đê biển Tây Cà Mau có nhiệm vụ bảo vệ cho hàng trăm ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp phía bên trong. Nhưng quan trọng nhất là bảo vệ cho tính mạng của người dân, nhưng giờ đây con đê biển này chỉ biết oằn mình để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Sóng ăn đất, nuốt rừng
Trao đổi với chúng tôi, ngành chức năng địa phương cho biết, trước đây mặt đê biển Tây rộng 6 m, nằm khuất sâu trong dãy rừng phòng hộ hàng trăm mét, nhưng chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây sóng biển đã xâm thực nhiều cánh rừng phòng hộ dày đặc ở biển Tây. Hiện tại nhiều nơi không còn rừng, thân đê trơ ra mặc cho sóng biển tàn phá từng ngày.
Có mặt cùng đoàn công tác của ngành chức năng tỉnh Cà Mau đi khảo sát thực tế sự tàn phá của sóng biển dọc theo các tuyến đê biển Tây, chúng tôi thật ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh những cánh rừng phòng hộ bị sóng biển đánh ngả nghiêng, trốc gốc. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn người dân sống trên thân đê đứng ngồi không yên.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đoạn đê biển Tây từ Rạch Dinh tới Lung Ranh (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) có 900 m đê bị sóng biển uy hiếp, nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào. Gần đó, khu vực Vàm Giáo Bảy (huyện Trần Văn Thời) và đoạn phía bắc cống Hương Mai (huyện U Minh) dài 450 m cũng đang trong giai đoạn sạt lở ngày càng trầm trọng, đai rừng phòng hộ bị sóng biển “nuốt” khoảng 600 m2 với chiều dài 40 m. Sóng biển xâm thực vào tận thân đê làm sạt lở sâu đến 1,5 m trên đoạn đê dài 15m.
Trong khi đó, khu vực Sào Lưới của huyện Phú Tân do sóng biển tác động trực tiếp làm đai rừng phòng hộ bị thu hẹp dần, có đoạn chỉ còn 5 – 10 m. Diện tích đai rừng bị mất 8.600 m2. Cụ thể tại Vàm kênh Xáng Cùng là 2.500 m2; Vàm kênh Thủy Sản 4.000 m2; Vàm kênh Sào Lưới 2.100 m2…
Ngành chức năng cho biết, đê biển sạt lở nghiêm trọng là do ảnh hưởng của những đợt gió mùa kết hợp triều cường dâng cao khác thường so với những năm trước. Nhiều khả năng sự thay đổi dòng chảy và ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu đã làm cho nước biển dâng cao khiến đê biển sạt lở và rừng phòng hộ bị sóng biển nuốt mất.
Ông Tô Quốc Nam, Phó GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, cho biết, để chủ động kiểm soát, bảo vệ đê biển Tây trong mùa mưa bão năm 2013 và các năm tiếp theo, địa phương này đã có quyết định khẩn cấp bảo vệ đai rừng phòng hộ hiện hữu ở những nơi nguy cấp nhất như đoạn Ranh Dinh đến Lung Ranh, Vàm Giáo Bảy, bờ bắc cống Hương Mai với chiều dài 1.400 m bằng phương pháp kè ngầm tạo bãi (tổng nguồn vớn hơn 30 tỷ).
“Tuy nhiên, khoảng 40 km còn lại của đê biển Tây cũng đang bị sóng biển nhòm ngó. Ở những đoạn này còn rừng phòng hộ, nhưng nếu không có công trình bảo vệ đê kịp thời thì chỉ trong thời gian ngắn nữa sóng biển sẽ tiếp tục đe dọa đê biển. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của địa phương là nguồn ngân sách còn hạn hẹp nên muốn xây dựng công trình kè ngầm tạo bãi ở những tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau cần trên 1 ngàn tỷ đồng”, ông Nam băn khoăn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, nói: “Việc hộ đê khẩn cấp vào mùa mưa bão trong thời gian qua ở những nơi không có kè ngầm tạo bãi gây hao tốn rất nhiều kinh phí. Do đó công trình kè ngầm tạo bãi để cứu đê biển Tây là một giải pháp hữu hiệu nhất trong thời điểm hiện nay. Loại kè này tuổi thọ thấp nhất cũng 20 năm. Sau chu kỳ 5 năm tạo bãi và khi cây rừng đã lớn, sẽ tận dụng lại vật liệu của công trình tiếp tục cắm xa ra biển 50 m nữa. Có vậy, rừng và đất mới dần dần lấn xa ra biển được”.
Mong giấc ngủ được yên
Nói với chúng tôi về nỗi lo của mình, chị Minh không ngần ngại cho biết: “Thú thật với các chú, tài sản của gia đình tuy không nhiều nhưng nó là của cải tích lũy của vợ chồng hơn chục năm qua. Nếu bị sóng biển nuốt mất chắc tụi tui bỏ xứ đi luôn”.
Nhà chị Minh ở ngay trước con đê biển Tây thuộc ấp 1, xã Khánh Tiến (U Minh). Đây cũng chính là nơi có hàng trăm mét đê biển được bảo vệ bằng cự bản nhựa vừa mới bị sóng biển nuốt chửng vào ngày 17/4. “Kinh khủng lắm, những con sóng biển như hung thần cuồn cuộn từ ngoài biển tiến vào. Sóng phủ đầu con đê và kế tiếp là những mét đê trôi theo nước”, chị Minh nhớ lại.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn, thời điểm hiện tại vẫn chưa ăn nhằm gì. Đến lúc chính thức bước vào mùa mưa bão lúc đó mới nguy hiểm nhất. “An cứ mới lạc nghiệp. Đó là đúc kết của ông cha. Nhưng bà con chúng tôi ở đây luôn sống trong phập phòng lo sợ. Ở đây ai cũng mong Nhà nước sớm đầu tư xây dựng những công trình bảo vệ đê hữu hiệu để bà con an tâm làm ăn”.
Có chung nỗi lo với ông Sơn, ông Nguyễn Văn Thiệt, ngụ cùng địa phương này cho biết, vài năm trước, từ nhà muốn ra tới mé biển mò cua, bắt ốc phải vượt qua 0,5 km đường rừng. Còn hiện nay, sóng biển ngoạm mất hết rừng, biển đã tiến đến sát nhà người dân.
“Không riêng gì gia đình tôi, hầu hết bà con ở đây đều đã có phương án sơ tán để chuẩn bị đón những ngày sóng dữ, triều cường dâng cao”, ông Thiệt nhìn ra biển nói với nét mặt u sầu.