ThienNhien.Net – Là khu công nghiệp (KCN) tập trung đa ngành nghề, KCN Suối Dầu (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) được đầu tư hoàn chỉnh, có hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế 5.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, do không có hệ thống xử lý chất thải rắn, vấn đề bảo vệ môi trường trong KCN gặp không ít khó khăn.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu, hiện nay, KCN đã đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cả 2 giai đoạn với tổng diện tích 136ha, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê đạt 71%. Đến nay, KCN thu hút 47 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 174 triệu USD . Trong số 47 dự án đầu tư vào KCN, có 44 dự án được phê duyệt hồ sơ bảo vệ môi trường; 26 dự án đăng ký hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, nông – lâm sản và thức ăn chăn nuôi đều có công trình xử lý nước thải nội bộ. Toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất và sinh hoạt của các doanh nghiệp đều được đấu nối vào hệ thống trung tâm xử lý nước thải tập trung của KCN.
Theo thiết kế, trung tâm xử lý nước thải tập trung của KCN có công suất 5.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên hiện nay, lượng nước thải thực tế của KCN chỉ khoảng 1.600m3/ngày đêm, bằng 32% so với công suất thiết kế. Theo kết quả giám sát ô nhiễm định kỳ, chất lượng nước thải sau khi xử lý được xả ra môi trường đều đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Những năm qua, Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu thường xuyên thực hiện tốt công tác giám sát việc xả thải của các doanh nghiệp trong KCN; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết thực hiện quan trắc môi trường định kỳ về khí thải, nước thải, tiếng ồn, bụi và chất thải nguy hại. Mặt khác, nhờ thực hiện giám sát độc lập ô nhiễm định kỳ 3 tháng/lần nên chất lượng môi trường trong KCN đã được nâng cao qua từng năm. Trên cơ sở giám sát chặt chẽ các nguồn xả thải, chất lượng môi trường nước mặt, nước ngầm đều đạt quy chuẩn quốc gia; môi trường không khí, tiếng ồn giảm đáng kể.
Ông Phạm Đức Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu cho biết: Hiện nay, tác động từ hoạt động của KCN Suối Dầu đến môi trường không lớn. Lượng nước thải phát sinh phần lớn đều được các doanh nghiệp quan tâm và xử lý đạt yêu cầu. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải của KCN khá đồng bộ và hoàn thiện trước khi tiếp nhận các dự án đầu tư. Mặt khác, việc vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung một cách thường xuyên, đúng quy trình đã giúp cho hiệu quả xử lý nước thải trong KCN ngày càng ổn định. Theo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường trong năm 2012, các chỉ tiêu môi trường đều đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Tuy nhiên, do không có hệ thống xử lý chất thải rắn nên vấn đề bảo bệ môi trường trong KCN đang gặp không ít khó khăn.
Theo ông Dũng, mỗi ngày, lượng chất thải rắn phát sinh trong KCN khoảng 3 tấn. Lượng chất thải rắn này được phân loại chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại, được thu gom, quản lý theo quy định. Theo đó, chất thải rắn công nghiệp phần lớn được tái sử dụng; phần không có khả năng tái chế được Công ty thu gom, xử lý chung với rác sinh hoạt. Riêng chất thải nguy hại chủ yếu là dầu thải, giẻ lau nhiễm dầu, bóng điện hỏng… phần lớn được doanh nghiệp đăng ký thủ tục chủ nguồn thải và thực hiện công tác thu gom, phân loại, lưu giữ tại kho riêng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải nguy hại còn gặp nhiều vướng mắc do nguồn phát sinh phân tán và nhỏ lẻ, trong khi dịch vụ xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh chưa được xây dựng, phải vận chuyển đi TP. Hồ Chí Minh để xử lý nên chi phí rất cao.
Ông Vương Vĩnh Hiệp – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh cho biết: Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi.. chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và điều kiện làm việc của người lao động. Thời gian qua, tuy môi trường được cải thiện đáng kể, nhưng cảnh quan chung trong KCN lại chưa được các ngành chức năng quan tâm đúng mức. Bên cạnh thiếu quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ người lao động như: nhà văn hóa công nhân, sân chơi thể thao, nhà ở cho công nhân trong KCN…; vấn đề vệ sinh môi trường, đặc biệt là việc chưa có trung tâm xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại trong KCN đã khiến cho doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Để đảm bảo hiệu quả thu hút đầu tư, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong KCN một cách rốt ráo, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với tất cả các đối tượng trong cộng đồng và doanh nghiệp để nâng cao kiến thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường theo quy định.