ThienNhien.Net – Dự án “Làng sinh thái du lịch và nghỉ dưỡng Đình Phú” với tổng diện tích lên đến 404 ha gồm tổ hợp khách sạn, nhà hàng, biệt thự… đang đe dọa lấy phần quan trọng nhất của rừng phòng hộ Sóc Sơn. Nguy hiểm hơn, việc lập dự án để nhằm hợp pháp hóa những vi phạm về trật tự xây dựng trong Lâm trường Sóc Sơn.
404 ha rừng phòng hộ sẽ biến thành nhà ở, khách sạn
Theo hồ sơ dự án “Làng sinh thái du lịch và nghỉ dưỡng Đình Phú” do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn (trước đây là Lâm trường Sóc Sơn) làm chủ đầu tư đang trình các Sở, ban ngành của Hà Nội, thì tổng diện tích của dự án là 404,03 ha, trên 3 xã của huyện Sóc Sơn là Hiền Ninh, Nam Sơn, Minh Phú.
Trong bản thuyết minh dự án, toàn bộ hiện trạng sử dụng đất là khu đồi rừng nằm trong cảnh quan thiên thiên phong phú, gồm hệ đồi núi, hồ nước, rừng cây. Trong hơn 404 ha đất, đất lâm nghiệp chiếm hơn 344 ha (đất rừng phòng hộ môi trường 246 ha, còn lại là đất rừng khác) sẽ được đầu tư xây dựng các công trình như khu ở sinh thái cao cấp, khu biệt thự vườn đơn lập, khu trung tâm thương mại, khu khách sạn, nhà hàng, khu căn hộ dịch vụ, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế…
Các công trình này sẽ thay thế hoàn toàn rừng thông vốn hình thành từ năm 1956, từ thời còn gọi là Lâm trường Kim Đa trực thuộc Bộ Lâm nghiệp.
Như vậy, theo thời gian, rừng phòng hộ Sóc Sơn ngày càng “teo tóp” và nguy cơ lá phổi xanh duy nhất của TP Hà Nội sẽ không còn màu xanh. Thực tế, quy hoạch rừng Sóc Sơn đã được điều chỉnh nhiều lần, và mỗi lần, diện tích rừng bị biến mất lên đến hàng ngàn ha. Cụ thể, ngày 2/12/1994, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 3316/QĐ-UB về việc phân loại rừng trên diện tích đất lâm nghiệp.
Theo đó, toàn bộ diện tích được phân loại là 6.630 ha, trong đó rừng đặc dụng 1.5230 ha, rừng phòng hộ môi trường 5.100 ha. Nhưng đến năm 2008, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 29/5/2008 phê duyệt dự án điều chỉnh quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn, thì toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn chỉ còn 4.557 ha.
Lâm trường Sóc Sơn (nay là Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn) quản lý 2.435 ha, rừng phòng hộ là 1.341,7 ha, rừng đặc dụng là 1.093,3 ha), nhưng cũng giảm dần theo thời gian bởi dự án như Trung tâm nghỉ dưỡng Bách Khang Niên, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Ngọc Hà và đặc biệt là các khu vườn quả giao khoán bị chuyển đổi mục đích sử dụng thành những khu nhà hàng, nhà ở khắp trong khu vực rừng phòng hộ do đơn vị này quản lý. Mặc dù đất cho Trung tâm nghỉ dưỡng Bách Khang Niên đã bỏ hoang hóa từ khi thu hồi đến nay, nhưng những người có trách nhiệm không những chưa bị “sờ gáy”, mà còn tiếp tục lập dự án lên đến hơn 404 ha.
Chấp thuận quá vội vàng ?
Báo NNVN ngày 15/4/2013, trong bài viết “Có hay không chuyện mua bán đất rừng Sóc Sơn” đã phản ánh, với chức năng của mình là quản lý, trồng, chăm sóc rừng, nhưng lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn đã tự ý lấp hồ phòng chữa cháy rừng, các khu vườn ươm, xây dựng hạ tầng, bán dưới hình thức giao khoán cho người có nhu cầu. Hiện nay, cạnh trụ sở của Công ty, toàn bộ diện tích đất rừng đã bị xây dựng các công trình như chùa, nhà văn hóa, nhà trẻ hoàn toàn trái phép. Và, để hợp thức hóa điều này, Công ty đang lập, thực hiện dự án như chúng tôi đề cập ở trên.
Tại văn bản số 1734/UBND-XD của UBND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Phí Thái Bình ký ngày 15/3/2013, UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc theo đề nghị của Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn “cho phép Công ty tiếp tục triển khai dự án “Làng sinh thái du lịch và nghỉ dưỡng Đình Phú” tại các xã Minh Phú, Nam Sơn, Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn”. Điều đáng nói là, văn bản chấp thuận của UBND TP Hà Nội chỉ ký vội vàng trước khi Phó Chủ tịch Phí Thái Bình nhận quyết định nghỉ hưu.
Điều ngạc nhiên, theo Quyết định số 3362/QĐ-UBND ngày 9/7/2010 của UBND TP Hà Nội chuyển Lâm trường Sóc Sơn thành Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn thì vốn điều lệ của Công ty này là 2,7 tỷ đồng. Nhưng Công ty vẫn lập dự án “Làng sinh thái du lịch và nghỉ dưỡng Đình Phú” với tổng mức đầu tư đề xuất là hơn 3.163 tỷ đồng. Điều này hoàn toàn trái với Quyết định số 37/2010/QĐ-UBND ngày 20/8/2010 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định một số nội dung về quản lý các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Hà Nội, với quy định, vốn của chủ đầu tư chiếm ít nhất 20% tổng mức đầu tư của dự án. Ngoài ra, việc lập dự án biệt thự, khách sạn, nhà hàng… trên rừng phòng hộ Sóc Sơn vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ phát triển rừng năm 2004, Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý rừng.
Rừng tiếp tục bị phá
Sau khi Báo NNVN đăng những sai phạm tại Lâm trường Sóc Sơn, chúng tôi lại tiếp tục nhận được thông tin rừng Sóc Sơn bị cày nát. Đó là khoảng 8 giờ ngày 19/4/2013, cán bộ Tổ cơ động quản lý bảo vệ, phòng chống cháy rừng phát hiện khoảng 1,5 ha rừng thông hơn 30 tuổi tại khoảnh 9, lô 12, 13, Lâm trường Sóc Sơn đã bị chặt hạ hoàn toàn. Tại hiện trường, máy ủi, máy xúc hoạt động cả ngày đêm. Cán bộ quản lý, bảo vệ rừng phát hiện yêu cầu dừng lại thì những người chặt phá rừng cho biết đã làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn và chính quyền địa phương, nên họ tiếp tục cho máy cưa, máy xúc, ủi hoạt động. Hiện tại, 1,5 ha rừng thông chỉ còn lại là bãi đất trống. |