ThienNhien.Net – Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã cơ bản được chuyển đổi theo hướng công nghiệp hóa với sự phát triển chóng vánh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và các khu công nghiệp. Tuy nhiên, quá trình phát triển quá “nóng” các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội của người dân, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, gây lãng phí tài nguyên đất, làm gia tăng nhiều vụ khiếu kiện về đất đai, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự địa phương.
Tràn lan vi phạm về bảo vệ môi trường
Trong tổng số 232 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, hiện chỉ có 143 khu công nghiệp xây dựng được hệ thống xử lý nước thải và hơn 30 khu công nghiệp đang tiến hành xây dựng hệ thống này. Điều đáng nói là ngay cả số đã xây dựng thì hiệu quả xử lý cũng không cao, đặc biệt là đối với những khu công nghiệp có thời gian hoạt động lâu năm nằm cạnh các lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy… do hệ thống xử lý nước thải của các khu này đã ít nhiều xuống cấp. Nhiều khu công nghiệp khác tuy xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng thực chất lại không hoạt động hoặc hoạt động chỉ mang tính đối phó khi bị cơ quan chức năng kiểm tra.
Trong khi đó, tổng lượng nước thải tại các khu công nghiệp đang hoạt động ước tính lên tới hơn 1 triệu m3/ngày đêm (chiếm 35% lượng nước thải trên toàn quốc), trong đó hơn 75% không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường. Nước thải khu công nghiệp phần lớn chứa nhiều thành phần nguy hại nên nếu không được xử lý thì sẽ gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại các khu vực lân cận, nghiêm trọng hơn là đe dọa sức khỏe của người dân. Trường hợp Công ty bột ngọt Vedan ở Bình Dương “đầu độc” sông Thị Vải suốt 14 năm bằng cách thiết kế đường ống ngầm để xả thải không qua xử lý ra môi trường là một điển hình. Tổng thiệt hại mà đơn vị này gây ra đối với hoạt động nuôi trồng thủy hải sản của hàng ngàn nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM lên tới hàng trăm tỷ đồng. Hoặc trường hợp Công ty Tungkuang ở Hải Dương xả nước thải có chứa kim loại nặng (Cr6 – chất có khả năng gây ung thư) ra sông Cầu Ghẽ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều hộ dân sống lân cận.
Điều đáng lo ngại là hầu hết những lưu vực sông lớn có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, và cung cấp nước sinh hoạt như sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy, sông Thị Vải, sông Đồng Nai… hiện đang bị ô nhiễm nặng nề do phải “gánh” một lượng lớn nước thải không qua xử lý từ các khu công nghiệp. Sông, suối vốn là nguồn tiếp nhận và vận chuyển chủ yếu các chất ô nhiễm trong nước thải từ các khu công nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nếu nước thải chứa chất hữu cơ vượt quá giới hạn cho phép sẽ gây ra hiện tượng phú dưỡng, làm giảm lượng ôxy trong nước khiến các loài thủy sinh bị thiếu ôxy và chết hàng loạt. Các loại dầu mỡ, kim loại nặng, hóa chất trong nước cũng sẽ đi vào chuỗi thức ăn và cuối cùng quay lại gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Thực tế các lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu, Nhuệ – Đáy, nhiều đoạn đã trở thành sông “chết” do nồng độ ô nhiễm quá cao.
Không chỉ phát sinh nước thải gây ô nhiễm, các khu công nghiệp còn gây ô nhiễm không khí từ nguồn khí thải và gây ô nhiễm đất từ lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại không được thu gom, xử lý. Ô nhiễm khí thải chủ yếu đến từ các nhà máy cũ, sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc chưa xây dựng hệ thống khử lý khí thải. Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, hiện nay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp có phát thải gây ô nhiễm không khí nhiều nhất.
Về chất thải nguy hại, hàng ngày các khu công nghiệp thải ra một lượng bằng khoảng 20% tổng số lượng chất thải rắn, tùy thuộc vào quy mô, công suất, loại hình sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Theo quy định, tất cả các khu công nghiệp phải có khu vực phân loại và trung chuyển chất thải rắn nhưng ít khu công nghiệp nào triển khai hạng mục này do không đủ diện tích đất trống để xây hoặc không muốn mất chi phí cũng như nhân lực cho việc phân loại, lưu trữ những chất thải này. Phần lớn các khu công nghiệp thường ký hợp đồng vận chuyển, xử lý với công ty môi trường đô thị hoặc các đơn vị có giấy phép về quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại. Tuy nhiên, đối với nhiều công ty chuyên thu gom, xử lý rác thải nguy hại, do công nghệ tái chế không hoàn chỉnh nên hiệu quả thu hồi và tái chế không cao, thậm chí gây ô nhiễm thứ cấp, đặc biệt đối với dầu thải và dung môi. Nghiêm trọng hơn, có doanh nghiệp còn không xử lý mà lén lút chôn chất thải xuống đất hoặc xả ra môi trường (vụ Công ty Hyundai Vinashin chôn trộm 60 tấn hạt nix ở Khánh Hòa; vụ Công ty Sông Xanh chôn hơn 4.600 m3 chất thải chứa dioxin-furan không qua xử lý ở Bà Rịa – Vũng Tàu…). Nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp tuy phát sinh nhiều chất thải nguy hại (như bóng đèn neon hỏng, bình ắc qui hỏng, giẻ lau dính dầu, pin…) trong quá trình sản xuất nhưng lại không phân loại mà để lẫn với chất thải sinh hoạt hoặc chất thải rắn thông thường, gây tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cho môi trường.
Chuyện ô nhiễm môi trường từ khu công nghiệp vốn là câu chuyện “dài tập” khó xử lý với mâu thuẫn căn bản giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích về mặt môi trường cũng như sức khỏe của người dân. Hai lợi ích này khó hòa đồng và thường phát sinh thành các vụ tụ tập đông người, gây bất ổn về an ninh trật tự, đơn cử như các vụ xảy ra gần đây ở Đà Nẵng, Bình Định khi người dân dựng lều ngăn xe ra vào doanh nghiệp, cản trở hoạt động của doanh nghiệp hoặc gửi đơn khiếu nại tới các cấp chính quyền.
Phát sinh khiếu nại kéo dài do quy hoạch “treo” tại các khu công nghiệp
Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang trước khi “bị” quy hoạch vốn là “bờ xôi ruộng mật”, có vị trí đắc địa bên bờ sông Cầu và chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 1A. Ngày 5/3/2008, UBND tỉnh Bắc Giang công bố quyết định thành lập Khu công nghiệp Vân Trung với diện tích quy hoạch hơn 433 ha và giao cho Công ty TNHH Fugiang, thuộc Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Đài Loan) làm chủ đầu tư. Khu dự kiến được xây dựng với tổng vốn hơn 85 triệu USD và dự tính xây dựng các ngành công nghiệp công nghệ cao (máy tính, linh kiện điện tử), sân golf, khách sạn. Ngay sau khi có quyết định thành lập, UBND tỉnh Bắc Giang đã tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho chủ đầu tư với tổng diện tích 230 ha. Công ty Fugiang cũng đã san lấp mặt bằng được 145 ha, tuy nhiên từ quý III/2008, Công ty tạm ngừng triển khai và đến nay, tiến độ thực hiện dự án vẫn rất chậm.
Theo báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang đã không kiểm soát được tiến độ đầu tư hạ tầng mặc dù đã trích nhiều tỉ đồng từ tiền ngân sách để hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng của 6 khu công nghiệp được cấp phép trên địa bàn (với tổng diện tích 1.555 ha) và chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp. Việc cấp phép cũng ít chú ý đến năng lực thực hiện của các nhà đầu tư khiến tình trạng đất quy hoạch khu công nghiệp bị doanh nghiệp bỏ hoang gia tăng. Tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở Bắc Giang hiện chỉ đạt khoảng 14%, gây lãng phí lớn về đất đai. Hiệu quả thu được từ các dự án phát triển khu công nghiệp cũng còn hạn chế: 6 tháng đầu năm 2010, tổng thu nộp ngân sách từ các khu công nghiệp chỉ đạt 3,5 tỉ đồng. Từ năm 2006 đến hết năm 2010, tổng thu đạt 15 tỉ đồng. Đây là những con số quá khiêm tốn so với những gì đã bỏ ra đầu tư, đó là chưa kể đến những tổn thất, lãng phí từ việc đất bỏ hoang và nền công nghiệp không hình thành.
Việc thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng khu công nghiệp nhưng sau đó bị bỏ hoang đã gây bức xúc lớn trong nhân dân. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, từ năm 2005 đến năm 2010, Sở nhận được 895 đơn thư khiếu nại, trong đó có 757 đơn trong lĩnh vực đất đai, chiếm 84%. Riêng số đơn thư khiếu nại về đất đai tại các khu công nghiệp ước khoảng 4,7%. Tuy chiếm số lượng không nhiều, song tính chất các vụ khiếu nại dạng này rất phức tạp, từ đòi được bồi thường đất ở, nâng giá bồi thường, tăng tiền hỗ trợ… đến bố trí tái định cư, giải quyết việc làm cho con em bị thu hồi đất. Quy mô của các vụ cũng tăng từ một cá nhân đến một nhóm người, từ một vài người đến hàng trăm người. Nhiều vụ khiếu nại kéo dài, tập trung, gây mất an ninh trật tự địa phương.
Trong một cuộc khảo sát do Báo Tài nguyên và Môi trường thực hiện tại 8 khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của TP. Cần Thơ (có tổng diện tích quy hoạch trên 2.351 ha), tính đến đầu năm 2013, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại 08 dự án này mới đạt khoảng 50%. Tại phía nam thành phố, mặc dù rất nhiều đất đai của người dân đã bị vô hiệu hóa quyền sử dụng bằng các quyết định hành chính để phục vụ việc giao đất cho các chủ đầu tư dự án khu công nghiệp, tuy nhiên các dự án vẫn chưa thể triển khai do năng lực tài chính và khả năng thu hút đối tác của các chủ đầu tư rất hạn chế. Việc bỏ hoang hoặc “treo” phần lớn, thậm chí toàn bộ diện tích ở các dự án quy hoạch Khu công nghiệp Hưng Phú 1, BMC – Hưng Phú 2A và toàn bộ Khu công nghiệp Hưng Phú 2B trong suốt nhiều năm liền cũng gây bức xức không kém cho những hộ dân có đất trong phạm vi quy hoạch. Hàng ngàn hộ dân trong phạm vi quy hoạch các khu công nghiệp bức xúc vì có quyền quản lý, sử dụng đất nhưng không được xây dựng kiên cố, không được trồng cây lâu năm, không thể xoay sở đầu tư kinh doanh lớn; người dân luôn sống trong tâm trạng lo lắng, chờ đợi, dù đã khiếu nại lên nhiều cấp nhưng chưa thay đổi được gì.
Trên đây chỉ là một vài trường hợp trong vô số KCN đã lên quy hoạch nhưng bị “treo” hiện nay.
Trong khi đó, theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Riêng trong quý I/2013, đã có 104 lượt đoàn khiếu kiện đông người, trong đó chủ yếu liên quan đến khiếu nại về đất đai, chính sách thu hồi, bồi thường về đất, và tố cáo tham nhũng. Dự báo, thời gian tới, con số này còn tiếp tục tăng lên.
Bất cập trong công tác quản lý, kiểm tra và xử phạt vi phạm
Một trong những lý do khiến công tác bảo vệ môi trường tại nhiều khu công nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn là do chức năng giám sát, kiểm tra về môi trường của Ban quản lý các khu công nghiệp chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, kinh phí cho việc xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống xử lý nước thải công nghiệp rất tốn kém, không phải chủ đầu tư khu công nghiệp nào cũng sẵn sàng triển khai, do đó công tác bảo vệ môi trường thường bị bỏ ngỏ hoặc chỉ làm mang tính chất đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra.
Thêm điểm đáng chú ý là hiện nay, công tác thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư vào khu công nghiệp vẫn mang tính sơ sài, hình thức, không có cơ chế hậu kiểm đối với dự án đang trong quá trình xây dựng, vận hành hệ thống xử lý; việc cấp Giấy phép xả thải, đấu nối vào hệ thống xả nước thải tập trung của khu công nghiệp chỉ dựa trên báo cáo một phía từ doanh nghiệp chứ cơ quan cấp phép là các Sở, Chi cục Tài nguyên – Môi trường không tiến hành kiểm tra thực tế nên không phản ánh đúng thực trạng gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp.
Theo số liệu thanh tra của Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong năm 2011, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 51 khu công nghiệp, phát hiện 30 khu công nghiệp vi phạm (chiếm 58,8%), xử phạt hành chính hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó hành vi vi phạm nhiều nhất là xả thải vượt tiêu chuẩn (chiếm 33%), còn lại là vi phạm về quản lý chất thải nguy hại, thiếu thủ tục bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, lực lượng “mũi nhọn” về xử phạt vi phạm môi trường tại các khu công nghiệp – Cảnh sát môi trường, tuy được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố nhưng mới chỉ có 22 Phòng Cảnh sát môi trường địa phương thực hiện công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm tại các khu công nghiệp (chiếm 36,6% so với 60 địa phương có khu công nghiệp) với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.
Điều đáng nói là hoạt động của lực lượng này trong công tác phát hiện, điều tra và đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường hiện đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thiếu các văn bản hướng dẫn dưới luật quy định cụ thể về “ô nhiễm nghiêm trọng”, “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”… vốn là căn cứ mấu chốt để xác định thiệt hại, định tội danh nhằm khởi tố hình sự các vụ vi phạm pháp luật về môi trường (được quy định tại Chương 17, Bộ Luật Hình sự phần các tội phạm về môi trường).
Trên thực tế, việc xác định hậu quả về môi trường cũng không hề đơn giản bởi phải sau mười, thậm chí nhiều chục năm sau mới bộc lộ rõ, khi đó thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cũng đã hết. Thêm nữa, việc tính toán mức độ tổn hại về sức khỏe hay tổn hại với môi trường sinh thái cũng không dễ thực hiện do hạn chế về trình độ kỹ thuật của Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân lý giải tại sao không khởi tố được các vụ việc gây ô nhiễm lớn như Vedan, Tungkuang… , và vì sao lực lượng Cảnh sát môi trường hoạt động đã được gần 7 năm nhưng số vụ khởi tố hình sự lại chiếm tỉ lệ không đáng kể so với số vụ xử phạt hành chính.
Để công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường đạt hiệu quả cao hơn, thiết nghĩ cần tạo một hành lang pháp lý minh bạch, đầy đủ và rõ ràng. Muốn vậy, cần sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn cụ thể để định lượng hóa các dấu hiệu vi phạm về môi trường nêu trên.
Riêng đối với các cơ quan quản lý, nhất là lãnh đạo chính quyền địa phương, cần phải có quy hoạch vĩ mô trong việc phát triển khu công nghiệp dựa trên những điều kiện thực tế về tự nhiên và xã hội, cân đối giữa khả năng đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương với khả năng thu hút mời gọi đầu tư từ doanh nghiệp để xác định qui mô khu công nghiệp, tránh việc phát triển khu công nghiệp ồ ạt nhưng hiệu quả không cao. Ngoài ra, việc cấp phép xây dựng và hoạt động cho khu công nghiệp cần được thực hiện nghiêm túc, chỉ cho dự án hoạt động khi đảm bảo các yêu cầu về môi trường như hệ thống thu gom nước thải, có điểm lưu giữ và phân loại chất thải rắn, chất thải nguy hại.
Lê Quang Đồng, Thượng tá, Trưởng Phòng phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản và đô thị – Cục C49, Bộ Công an