ThienNhien.Net – Sông Ba phía sau đập An Khê – Ka Nak đã “chết” kể từ ngày thủy điện này chặn dòng tích nước. Cuộc đấu tranh vì dòng nước sông Ba từ đó đến nay vẫn liên tục căng thẳng.
Sông Ba là dòng sông lớn nhất chảy qua địa bàn 6 huyện, thị xã phía đông nam tỉnh Gia Lai, sau đó đổ về tỉnh Phú Yên.
Thủy điện An Khê – Ka Nak được xây dựng ở thượng nguồn dòng sông này gồm 2 tổ máy. Tổ máy đập Ka Nak 13MW và tổ máy đập An Khê 160MW.
Khô cạn và ô nhiễm
Đã bao đời nay, người dân các huyện, thị xã nói trên đã gắn liền với dòng sông này.
Từ tháng 9/2010, sau khi thủy điện này chặn dòng tích nước, hệ sinh thái dọc sông Ba đã bị thay đổi hoàn toàn.
Đặc biệt vào mùa khô, dòng sông này đã trở thành dòng sông chết bởi lý do: dòng nước sông Ba sau khi phát điện không được hoàn toàn trả lại cho chính nó mà phần lớn được đổ về sông Kôn (Bình Định).
Việc thủy điện lấy nước sông Ba đổ về sông Kôn đã khiến cho khoảng 400.000 hộ dân sống ở hạ lưu thuộc địa bàn Gia Lai phải chịu ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, ô nhiễm môi trường…
Ngoài ra, hàng ngàn hộ dân thuộc tỉnh Phú Yên, nơi có dòng sông này chảy qua cũng chịu tác động chung.
Được biết, trước khi xây dựng thủy điện này, lãnh đạo các tỉnh Gia Lai và Phú Yên đã phản đối và đề nghị phải trả nguồn nước lại cho sông Ba. Thế nhưng, việc phản đối này của chính quyền địa phương được bỏ ngoài tai?
Trên thực tế, kể từ năm 2010, sau khi thủy điện này tích nước, tình trạng căng thẳng về nước sông Ba đã bắt đầu nóng dần qua các năm. Mỗi khi đến mùa khô, dòng sông Ba đoạn qua địa bàn thị xã An Khê nước chảy yếu ớt, đá dưới lòng sông trơ đáy nhô lên.
Chất thải từ các nhà máy, các khu dân cư đổ ra sông không được cuốn trôi nên bốc mùi hôi đến ngạt thở.
Mùa khô năm 2010-2011, nhiều trạm bơm ở các xã thuộc huyện Ia Pa (Gia Lai) bị hụt nước không thể hoạt động được. Vì vậy, các trạm bơm phải hạ ống hút nước xuống đến 50cm nhưng có lúc cũng bị hụt nước.
Điều này chứng tỏ, thủy điện đã không trả lại đủ nước cho dòng sông, nên dẫn đến tình trạng khan nước bất thường, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân phía hạ lưu.
Tại tỉnh Phú Yên, sau đợt giám sát tình hình các thủy điện trên địa bàn vào đầu năm 2012, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này cũng nhận thấy nguồn nước trên lưu vực sông Ba đoạn chảy qua địa bàn cũng bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân.
Từ năm 2010 đến nay, người dân ở tỉnh này sử dụng nguồn nước sông Ba liên tục phải đối diện với vấn đề thiếu nước sản xuất.
Giải pháp nào?
Vào mùa mưa, việc xả lũ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng cho nhân dân sống ở vùng hạ lưu. Còn khi mùa khô về, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt lại là nỗi lo thường trực của chính quyền địa phương cũng như hàng trăm ngàn hộ dân.
Liên tục trong các năm, chính quyền 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên đã kiến nghị đến các bộ, ngành liên quan yêu cầu giải quyết tình trạng căng thẳng nguồn nước sông Ba.
Thế nhưng, vẫn chưa có một giải pháp cấp thiết, hữu hiệu nào để cứu dòng sông này đang chết từng ngày.
Sông Ba vào mùa nắng vốn đã bị khô kiệt, nay lại càng khô kiệt hơn.
Theo quy định, thủy điện phải trả nước lại cho dòng sông sau đập là 4m3/giây để duy trì dòng chảy ở mức thấp nhất.
Thế nhưng, theo giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai và kết quả đo đạc của cơ quan chuyên môn, nhiều khi thủy điện không xả đủ nước như quy định.
Cụ thể, theo số liệu thủy văn thống kê trong 3 tháng đầu năm 2013, lưu lượng nước đo được chưa đến 2m3/s.
Trong khi đó, EVN (chủ đầu tư) cho rằng lưu lượng nước xả ra hạ du luôn đạt 4m3/s?
Theo đánh giá của một số cơ quan chuyên môn tỉnh Gia Lai, dù có xả nước để đạt dòng chảy tối thiểu 4m3/giây như phê duyệt thì cũng không đủ duy trì môi trường sinh thái sông Ba.
Để làm được việc này, trong mùa khô cần đảm bảo lưu lượng dòng chảy tối thiểu trên sông Ba là 20m3/giây.
Bởi, theo số liệu đo đạc của Trạm thủy văn An Khê (Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây nguyên), lưu lượng bình quân nước sông Ba trong sáu tháng mùa nắng những năm trước khi có thủy điện là 19,8m3/giây.
Liên tục trong 3 năm đấu tranh nhằm khắc phục những hệ lụy từ thủy điện An Khê – Ka Nak và đặc biệt là cứu lấy dòng sông Ba, đến nay, một giải pháp mới được đưa ra là xây dựng đập điều hòa.
Giải pháp này được cho là có tính khả quan, nhưng có lẽ phải mất một thời gian khá dài mới có thể triển khai.
Giải pháp này được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai chiều ngày 12/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng ý việc xây dựng đập điều hòa phía sau đập công trình thủy điện An Khê-Ka Nak để đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất cho vùng hạ lưu.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng: muốn xây dựng đập điều hòa này, phải dựa trên cơ sở tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nhu cầu lượng nước, về quy trình vận hành hồ chứa cũng như nghiên cứu thực tiễn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những vấn đề liên quan…