ThienNhien.Net – Kinh tế biển là các lĩnh vực kinh tế được hình thành, tồn tại và phát triển từ tác động trực tiếp và gián tiếp của biển. Bao gồm giao lưu thương mại, đầu tư, hội nhập thông qua hệ thống cảng biển; khai khoáng; đánh bắt cá, nuôi trồng và chế biến hải sản; công nghiệp đóng tàu, công trình biển; du lịch biển đảo; công nghiệp quốc phòng biển và ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng qua gió mùa mang hơi nước từ đại dương vào đất liền, sự xâm nhập mặn vào đồng bằng cũng như mực nước biển dâng. Biến đổi khí hậu tác động đến nguồn tài nguyên môi trường biển, do đó ảnh hưởng đến các ngành kinh tế biển chính yếu như khai thác hải sản, phát triển đô thị ven biển, du lịch biển đảo và giao lưu thương mại.
Theo nhận định của PGS.TS Trần Thục, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, trước hết, biến đổi khí hậu có tác động đến hệ sinh thái biển, làm biến động chủng loại và nguồn lợi cá biển, vì thế ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cộng đồng ngư dân khu vực ven biển. Hiện tượng san hô chết hàng loạt trong 20 năm qua do một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do nhiệt độ ở các vùng biển đã tăng lên. Bão, áp thấp nhiệt đới gia tăng, tác động trực tiếp đến khai thác hải sản, làm gia tăng lượng tàu thuyền hư hỏng do thiên tai, làm gián đoạn thời gian ra khơi, ảnh hưởng lớn đến sản lượng đánh bắt hải sản.
Cơ sở hạ tầng đô thị ở nước ta trong những năm gần đây đã phải chịu tác động của biến đổi khí hậu và các hiện tượng khí hậu cực đoan. Cụ thể như năm 2009, bão số 9 đã gây thiệt hại lớn cho thành phố Đà Nẵng, ước tính 40% diện tích cây xanh bị gãy đổ, hầu như toàn bộ hệ thống kè thuộc đường ven bờ biển Nguyễn Tất Thành bị sóng đánh sập và hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, mực nước biển dâng và sự không ổn định của địa mạo ở vùng ven biển Miền Trung cũng đang có diễn biến phức tạp. Trong nhiều năm qua, gần 100 hộ dân sống dọc biển Nam Ô, thành phố Đà Nẵng, luôn phải sống trong nỗi ám ảnh bởi sự xâm thực của sóng biển…
Hầu hết dải bờ biển của nước ta đều đang bị xói lở với cường độ từ vài mét tới hàng chục mét mỗi năm, xu hướng gia tăng mạnh trong vài năm gần đây. Hiện tượng xâm thực bờ biển và mặn hóa đất liền hiện là mối lo đối với chất lượng nước ngầm, đặc biệt tại vùng duyên hải Bắc Bộ, nước ngầm nhiễm mặn đang diễn biến phức tạp. Các công trình đầu mối như cấp thoát nước, cấp điện, xử lý chất thải… tại các đô thị ven biển cũng có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Trong đó, tổng số chiều dài đường bờ biển Hải Phòng đã bị xói lở 16,1km, tốc độ trung bình 5,4m/năm trên tổng số 125km đường bờ biển, chiếm tổng số 23%. Còn khu vực mũi Cà Mau được xem có tốc độ lấn ra biển nhanh nhất (có năm tới 100m), nhưng hiện đang có biểu hiện xói lở mạnh nếu như không có giải pháp tối ưu ngăn chặn.
Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch nhận định: Du lịch biển Việt Nam có thể bị tổn thất nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan, trong khi đó thu nhập từ du lịch biển chiếm tới 70% doanh thu của toàn ngành. Biển và khu vực ven bờ là hệ sinh thái tổng hợp, nơi tập trung nhiều nguồn lực cho phát triển du lịch, gồm 2/3 số cảng biển, sân bay; 1/6 tổng số đô thị, trung tâm dịch vụ, 5/7 địa bàn du lịch trọng điểm; 3/4 các khu du lịch quốc gia. Nên nước biển dâng sẽ làm cho tài nguyên du lịch bị suy thoái, biến đổi và mất mát về lượng cũng như về giá trị phục vụ. Điều này sẽ làm cho khả năng phát triển sản phẩm du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tất yếu sẽ dẫn đến suy giảm các tiền đề phát triển du lịch biển đảo nói riêng và cả nước nói chung.
Biến đổi khí hậu có thể tác động tiêu cực đến giao lưu thương mại, đầu tư và hội nhập qua hệ thống cảng biển. Những hiện tượng bão, lũ gia tăng buộc phải đóng cửa tạm thời các cảng biển, hoặc gây ách tắc đường vận chuyển ven biển dẫn đến tổn thất vật chất cho ngành thương mại. Sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp, vận chuyển và phân phối sẽ làm tăng chi phí vận hành của thương mại quốc tế. Đồng thời biến đổi khí hậu còn làm thay đổi sự phân bố về mặt địa lý của nguồn hải sản. Các luồng cá có xu hướng di chuyển về hai cực và đến tầng nước sâu hơn, nên các quốc gia ở vĩ độ cao hơn và có công nghệ đánh bắt hiện đại sẽ có ưu thế hơn trong việc đánh bắt hải sản, so với các quốc gia ở vĩ độ thấp và sử dụng kỹ thuật đánh bắt lạc hậu.
Biến đổi khí hậu đang có những tác động to lớn đến vùng ven biển của Việt Nam, nên cùng với sự tăng trưởng nhanh về kinh tế biển, công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên – môi trường biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của nước ta. Do đó để ứng phó với biến đổi khí hậu, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp về thể chế chính sách, cơ chế quản lý, đầu tư phát triển nguồn nhân lực và phát triển khoa học kỹ thuật cho công tác này. Trong đó, giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho các vùng ven biển cần được coi trọng, nhằm ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.