ThienNhien.Net – Để xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, ngoài 98 hộ dân phải đi định cư ở nơi khác, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) phải nhường hơn 890ha các loại đất ở, vườn và sản xuất. Tuy nhiên, đã 3 năm đi vào hoạt động, nhưng Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ gần như “thờ ơ” đứng nhìn người dân sống trong cùng cực do thiếu đất sản xuất.
Theo chủ trương, công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ và huyện Sơn Hòa phải xây dựng 2 công trình thủy lợi sau thủy điện gồm: Cống tưới tự chảy xã Suối Trai và Trạm bơm Buôn Lé, xã Krông Pa (Sơn Hòa) để khai thác 410ha lúa nước cấp cho nhân dân thay cho diện tích đất đã thu hồi. Tuy nhiên, đã hơn 3 năm đi vào hoạt động, Nhà máy thủy điện có công suất 200MW vẫn chưa hoàn thành 2 dự án thủy lợi trên, nếu không muốn nói là “thờ ơ”.
Dự án cống tự chảy Suối Trai có tổng mức đầu tư hơn 26 tỉ đồng, được thiết kế lấy nước trực tiếp từ lòng hồ thủy điện tưới cho 110ha lúa. Gói đầu tư thứ nhất do công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ làm chủ đầu tư, hiện đã hoàn thành cống đầu mối, kênh chính, kênh nhánh và san ủi đồng ruộng với diện tích 31ha và đã bàn giao cho UBND huyện Sơn Hòa để cấp đất cho dân. Tuy nhiên, qua 3 vụ sản xuất cho thấy, có đến 20ha đất quá xấu khiến cây lúa không thể phát triển. Còn gói thứ hai gồm hạng mục kênh nhánh và san ủi khu tưới rộng 79ha, tổng vốn đầu tư hơn 12,6 tỉ đồng do huyện Sơn Hòa làm chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì không có kinh phí.
Ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: “Năm 2011, công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ mới bàn giao được 31ha nhưng đến nay bà con cũng chỉ sản xuất được 23ha, diện tích còn lại do mặt gồ ghề nên không sản xuất được. 79ha còn lại giao cho huyện Sơn Hòa với kinh phí khoảng 15 tỉ đồng nhưng không có kinh phí để thực hiện”.
Dự án xây dựng Trạm bơm Buôn Lé, xã Krông Pa tưới cho 300ha, trong đó có 200ha lúa hai vụ với tổng mức đầu tư hơn 58 tỉ đồng. Gói đầu tư thứ nhất gồm hạng mục cụm đầu mối, trạm bơm, kênh chính và san ủi khu tưới 44ha, do CTCP thủy điện Sông Ba Hạ làm chủ đầu tư. Nhưng đến nay mới hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ cho dân để thu hồi đất xây dựng các hạng mục với diện tích 2,78ha.
Phần diện tích còn lại của 43 hộ dân đang canh tác chưa giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân là do người dân không chịu nhận tiền bồi thường bằng tiền, mà đòi nhận lại đất hoặc vừa nhận tiền vừa nhận đất, vì họ không còn đủ đất để sản xuất duy trì cuộc sống. Gói đầu tư thứ hai gồm hạng mục kênh mương và san ủi khu tưới 256ha có tổng mức đầu tư gần 32 tỉ đồng, do huyện Sơn Hòa làm chủ đầu tư nhưng vẫn chưa được thực hiện cũng vì lý do không có kinh phí.
Ông Ma Rơn, Trưởng Ban công tác mặt trận buôn Chơ, xã Krông Pa than phiền: “Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ nói khi hoàn thành công trình thủy điện sẽ có ruộng nước cho bà con, nhưng từ năm 2004 đến nay vẫn chưa thấy. Hiện cuộc sống của bà con đang gặp phải rất nhiều khó khăn, rất mong các cấp, ngành ở Trung ương nghiên cứu, làm ruộng nước”.
Ông Y Hiếp, Chủ tịch UBND xã Krông Pa cho biết: “Do Trạm bơm làm chưa xong, việc san ủi mặt bằng đồng ruộng chưa hoàn thành nên bà con làm ruộng vẫn phải dựa vào nước trời. Hiện có khoảng 200 ha ruộng có khả năng làm lúa nước nhưng chỉ làm được một vụ, năng suất chỉ có 3 tấn/ha”.
Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, do giá trị kinh tế của cây mía và sắn ngày càng cao, nhưng việc thỏa thuận đền bù giá đất để giải phóng mặt bằng, san ủi làm lúa nước với dân chỉ có 110 triệu đồng/ha nên người dân không đồng ý. Vì theo người dân, với giá trị của cây mía hiện nay phải đền bù từ 150-170 triệu/ha. Hơn nữa, diện tích đất thu hồi là của những hộ đồng bào dân tộc thiểu số trước đây đã một lần nhường đất để thi công lòng hồ thủy điện nên hiện bà con không muốn một lần nữa bị mất đất sản xuất.
Như vậy, mặc dù Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đi vào hoạt động hơn 3 năm nhưng người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng bị ảnh hưởng vẫn không có đất sản xuất. Đó là chưa nói đến việc hiện nay bà con vẫn chưa được hưởng các chế độ, chính sách về đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi đất. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả người dân “cùng đường” phải lén lút phá rừng làm rẫy dẫn đến vi phạm pháp luật.
Thiết nghĩ, các cấp, các ngành của tỉnh Phú Yên cần có biện pháp kiên quyết đối với trường hợp cổ phần CP thủy điện Sông Ba Hạ, do thiếu trách nhiệm, chậm trễ thi công các gói đầu tư của hai dự án thủy lợi. Đồng thời có biện pháp cân đối nguồn vốn hoặc kiến nghị lên Chính phủ hỗ trợ kinh phí để xây dựng hai gói đầu tư trên để có 410ha đất sản xuất lúa nước cấp cho nhân dân, vì hiện huyện Sơn Hòa là huyện miền núi khó khăn đang hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước.