Nỗi ám ảnh ở “xã ung thư”

ThienNhien.Net – Nỗi ám ảnh về căn bệnh quái ác tưởng chừng sẽ nguôi ngoai khi mỏ pyrit chính thức đóng cửa, nhưng bao năm đã trôi qua, nỗi ám ảnh ấy vẫn hiện hữu và dai dẳng đeo bám người dân xã Giáp Lai (Thanh Sơn, Phú Thọ), nơi được biết đến với tên gọi “xã ung thư”.

Sau xấp xỉ ba thập kỷ khai thác quặng pyrít trên tổng diện tích hơn 96 ha tại xã Giáp Lai, năm 2001, Công ty Pyrít tiến hành làm thủ tục đóng cửa mỏ, đến tháng 5/2003 mới chính thức bàn giao tài sản lại cho địa phương.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình khai thác hàng chục năm cho tới khi làm thủ tục đóng cửa mỏ, Công ty không hề thực hiện các biện pháp hoàn nguyên môi trường trên tổng diện tích khai trường đã khai thác, gây bao hệ lụy về môi trường và sức khỏe người dân.

Giáp Lai là xã trung du miền núi với 900 nóc nhà (trong đó 25% hộ nghèo), hơn 3.000 nhân khẩu chủ yếu là người Mường. Theo phản ánh của địa phương, trong những năm qua tại xã có rất nhiều người dân bị mắc và chết vì các căn bệnh ung thư quái ác; ngoài ra, còn có không ít trường hợp bị khuyết tật bẩm sinh.

“16 năm nay, hầu như năm nào xã cũng có hơn chục người chết do bệnh ung thư, cao điểm là năm 2009 với 28 người, 2011 giảm còn 21 người, và năm 2012 là 9 người. Tuy số người chết vì ung thư giảm dần, song điều này vẫn rất đáng ngại’ – Y sĩ Hoàng Thị Thanh Tâm, Phó trưởng trạm y tế xã Giáp Lai cho hay.

Khắp các con đường đi qua xã Giáp Lai lúc nào cũng mù mịt bụi (Ảnh: Hoàng Bảo Yên)
Khắp các con đường đi qua xã Giáp Lai lúc nào cũng mù mịt bụi (Ảnh: Hoàng Bảo Yên)

Lại một người nữa ra đi…

Giáp Lai vào một ngày nắng gắt. Những chuyến xe tải nặng ầm ào gồng mình chở quặng kéo theo bụi bặm như những cơn bão cát khiến không gian nơi đây thêm ngột ngạt. Khu phố 7 của xã lại càng thêm rầu rĩ vì họ thêm một lần phải chứng kiến cảnh ra đi của một người bị mắc bệnh ung thư.

Lại là ung thư! Cái tên ung thư thì ở Giáp Lai ai cũng biết, bởi khoảng chục năm trở lại đây nó đã cướp đi biết bao sinh mệnh. Y sĩ Tâm cho biết hiện ở xã có hơn 10 người cũng phát hiện đang mắc căn bệnh này. Điều đáng lo ngại là số người chết trong thời gian gần đây ở độ tuổi khá trẻ, tầm từ 35 đến 60, chủ yếu là do mắc bệnh ung thư gan, vòm họng, dạ dày…

Nơi có số người chết vì ung thư nhiều nhất là khu 5 và khu 8, riêng khu 5 trong năm 2012 có tới 7 người chết vì ung thư. Những người chết chủ yếu là công nhân đã từng làm trong các khai trường khai thác mỏ hoặc con cháu họ. Ngoài ra, các bệnh phụ khoa hay sỏi thận cũng chiếm tỷ lệ khá cao.

Nghe các cụ cao niên trong xã kể, trước đây, ngoài nghề đi làm mỏ thì người dân Giáp Lai chủ yếu sống dựa vào rừng, đi chặt củi bán, hái rau rừng về ăn, gánh gạch thuê… Tuy sống trên vùng đất giàu tài nguyên nhưng người dân Giáp Lai lại rất nghèo, cuộc sống hầu như chỉ rau cháo qua ngày.

Bà Vi Thị Mỹ không giấu nổi xúc động trước di ảnh của cậu con trai mất cách đây đã lâu do bệnh ung thư. “Chẳng biết do ông trời hay do đâu, con trai cả của tôi đang khỏe mạnh bỗng nhiên lâm bệnh nặng rồi mất, cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn khi mất đi một trụ cột trong gia đình. Ruộng thì ít, nương rẫy toàn sỏi đá, muốn trồng cây sắn, ngô cũng chẳng được là bao. Nói là sống ở vùng có nhiều quặng nhưng dân chúng tôi có được hưởng gì đâu, toàn con ông cháu cha có tiền mới được vào làm công ăn lương” – bà tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Hải, trú tại Khu 1 có  thâm niên gần 21 năm làm công nhân khai thác quặng pyrit. Ngày ấy, được nhận vào làm công nhân mỏ đã là điều may mắn, nhưng nào ai biết đi kèm đó là rủi ro về sức khỏe không hề nhỏ.

Chị Hải rơm rớm nước mắt khi nói về người chồng không may mắn đã bị bệnh ung thư gan cướp đi sinh mạng khi vừa nghỉ hưu được 9 tháng. “Chồng tôi mất hồi 51 tuổi. Hai vợ chồng vốn làm công nhân ở mỏ pyrit. Khi làm ở công ty, chúng tôi cũng có đi khám sức khỏe nhưng không được làm kỹ như khám định kỳ nên không phát hiện ra bệnh, mãi sau này mới biết thì đã quá muộn. Ngày xưa tôi làm công chọn quặng, còn anh ấy vận hành máy bơm trực tiếp ở công trường, dù biết làm việc trong môi trường độc hại nhưng vì cuộc sống nên phải chấp nhận” – chị buồn rầu kể.

Không chỉ đau đáu với nỗi ám ảnh bị mắc căn bệnh quái ác, nhiều gia đình ở Giáp Lai còn đang phải sống chung với nỗi đau nhìn người thân mắc các chứng bệnh tâm thần, thiểu năng, mù lòa…, đa số rơi vào hộ nghèo sống ở khu vực núi cao tương đối khó khăn của xã.

Câu chuyện về một gia đình ở Khu 4 chỉ còn lại duy nhất người em út kiếm tiền nuôi các anh chị bị ngớ ngẩn, nhưng về sau lại bị chính những người anh em tâm thần của mình ngộ sát khiến chúng tôi không khỏi đau xót!

Nhà chức trách thờ ơ, bao giờ dân mới hết lo?

Trao đổi với chúng tôi về hoạt động khai mỏ của Công ty pyrit trước đây cũng như thực trạng bệnh tật tại địa phương, bà Nguyễn Thị Thinh, Chủ tịch UBND xã Giáp Lai cho biết Công ty pyrit hoạt động tại xã từ năm 1974 và đã đóng cửa. Dự án mỏ pyrit có 3 khai trường lớn, tất cả đều trên đất canh tác và đất thổ cư chứ không có đất lâm nghiệp, còn những khu chứa quặng nằm rải rác, các khu tuyển rửa cũng ở xung quanh.

“Không biết có phải do việc khai thác quặng pyrit hay không nhưng nguồn ô nhiễm thì đúng là vẫn còn, nhiều bà con vẫn mắc một số căn bệnh như viêm gan, ung thư, bệnh về hô hấp… Chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều, có cả đoàn đến kiểm tra, khảo sát nhưng không đưa ra kết luận gì cả”- bà Thinh nói.

120413_CMT_xaungthu2
Khai trường khai thác pyrit số 1 được UBND tỉnh Phú Thọ giao cho một đơn vị “tận dụng” xây Khu du lịch sinh thái (Ảnh: Hoàng Bảo Yên)
Khai trường số 3 được san lấp đã 5 năm nay nhưng vẫn chưa đầy (Ảnh: Hoàng Bảo Yên)
Khai trường số 3 được san lấp đã 5 năm nay nhưng vẫn chưa đầy (Ảnh: Hoàng Bảo Yên)

Không ít hộ dân trong khu 5 cũng cho hay, với những tác động trực tiếp có thể nhìn thấy từ hoạt động khai thác quặng, họ đã làm đơn phản ánh, kiến nghị và nộp cho trưởng khu nhưng 3 năm nay vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo nào!?

Điều đáng lo ngại là ngoài hậu quả ô nhiễm do việc khai thác quặng từ nhiều năm trước, hiện trong xã cũng có một số công ty khai thác, chế biến khoáng sản xả khói, bụi liên tục, thậm chí nổ mìn ầm ầm… khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng, nguồn nước bị ô nhiễm. “Cứ mưa là nước đỏ quạch như nước dâu, để qua đêm thì có cắn đỏ đọng dưới đáy” – một số hộ phản ánh.

Khi chúng tôi đưa câu chuyện tận mắt chứng kiến ở Giáp Lai vào cuộc trao đổi với ông Trần Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, ông Khánh nói: “Chúng tôi chưa có thông tin gì về vấn đề này. Nếu có dấu hiệu và y tế cơ sở có ý kiến lên thì chúng tôi sẽ triển khai. Nhiều khi người dân nói theo cảm tính, thiếu chứng cớ khoa học. Trước đây, trong tỉnh cũng rộ lên ở xã Thạch Sơn, sau đó tỉnh cũng đã trực tiếp xuống khám chữa bệnh cho bà con và xử lý nguồn nước cũng như môi trường ở đó”.

Cùng với thắc mắc này của chúng tôi, ông Lưu Văn Doanh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường trả lời: “Về môi trường, chúng tôi vẫn kiểm tra đánh giá thường xuyên. Tất nhiên, việc xác định nguyên nhân gây ung thư có nhiều yếu tố, không thể đổ ngay cho khoáng sản, còn về tiềm tàng thì cần nghiên cứu sâu hơn. Dưới góc độ môi trường có thể cũng có những tác động từ yếu tố tự nhiên”.