ThienNhien.Net – Trong số hàng trăm dự án treo ở huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang, dự án sân golf thuộc địa phận 2 ấp Bãi Vòng và Rạch Hàm, xã Hàm Ninh treo lâu nhất (từ năm 2002). Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Phú Quốc không giao khoán trồng rừng cho người dân đang sản xuất trên đất rừng phòng hộ mà “tịch thu” giao lại cho 16 cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện vì nó nằm trong dự án khu nhà cao tầng gần sân bay quốc tế Phú Quốc.
Không cấp giấy, không cho sản xuất
Theo quy hoạch tổng thể, dự án sân golf đến năm 2012 đã tăng thành 576ha, trong đó có 48ha của Huyện đội Phú Quốc và 524ha của 726 hộ dân. Trong số 524ha của 726 hộ dân, có đến 60% diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo Quyết định 31 của UBND tỉnh Kiên Giang, những hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được bồi hoàn, số không có giấy sẽ không bồi hoàn mà chỉ được “hỗ trợ” di chuyển và kinh doanh ngành nghề khác không quá 3ha – mới đây, theo Quyết định 16 của UBND tỉnh, số hỗ trợ chỉ còn 2 ha.
Chị Huỳnh Thị Thanh Thủy, ở ấp Rạch Hàm, bức xúc: “Nhà tôi có trên 2ha, trong đó có hơn một nửa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước khi quy hoạch, gia đình tôi trồng lúa, rau màu có thu nhập, đủ trang trải cuộc sống gia đình. Từ khi quy hoạch, chính quyền không cho trồng nữa. Vì nằm trong quy hoạch nên đất không bán được, sản xuất bị đình trệ, thử hỏi chúng tôi lấy gì mà sống?”.
Ông Nguyễn Văn Bảnh, kể: “Nhà tôi có 1,4ha, nằm trong diện khai phá, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thế đất bây giờ bỏ hoang, không bán được, không được vay vốn ngân hàng, không được sản xuất. Mấy năm trước sức khỏe còn khá nên tôi đi làm mướn kiếm sống qua ngày. Gần đây tôi bị bệnh tai biến, sức khỏe giảm sút không đi làm mướn được nữa”.
Chúng tôi đến nhà các ông: Nguyễn Văn Huynh, Nguyễn Văn Tánh, Nguyễn Văn Ngợi (gia đình liệt sĩ), Cao Hồng Thi (thương binh) ở ấp Rạch Hàm và Nguyễn Văn Dân, Nguyễn Văn Thự ở ấp Bãi Vòng. Hầu hết họ đều đã trên 60 tuổi, nhà cửa lụp xụp, đất bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm. Ông Nguyễn Văn Ngợi bày tỏ: “Vào tháng 3/2012), ông Cảnh (Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Sài Gòn, chủ đầu tư dự án sân golf) có đến phát phiếu thăm dò tới từng hộ dân để bồi thường, giải tỏa thực hiện dự án. Thời gian được quy định trong 30 ngày. Nhưng đến nay đã hơn 1 năm, nhà đầu tư không trả lời và cũng không thấy quay trở lại”.
Lèm nhèm trong giao khoán đất rừng phòng hộ
Ông Hứa Như Hoài, đảng viên, thượng úy, nguyên Phó tiểu đoàn 519, Đoàn 9904, Mặt trận 979, Quân khu 9, là bệnh binh hạng 2, được nghỉ chế độ tháng 10/1988. Tháng 6/2003, ông Hoài có quyết định làm Trưởng ban nhân dân ấp Bãi Vòng của Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh. Vợ ông là bà Đinh Thị Hồng Cúc, thiếu úy chuyên nghiệp, thuộc Huyện đội Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, phục viên tháng 6/1986. Năm 2000, vợ chồng ông Hoài khai khẩn một gò đất trống khoảng 4,2ha khu vực bưng tràm, tiểu khu 158 B, rừng phòng hộ, tổ 3, ấp Bãi Vòng để trồng đào. Rất nhiều nông dân ấp Bãi Vòng đã xác nhận như vậy. Tháng 10/2007, vợ chồng ông Hoài làm đơn và được chính quyền ấp Bãi Vòng đề nghị BQL rừng phòng hộ Phú Quốc cấp giấy chứng nhận giao khoán trồng rừng. Tuy nhiên lá đơn này đã bị BQL “xếp xó”. Ngày 9/2/2009, Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc đã đưa vợ chồng ông Hoài, bà Cúc ra xét xử vụ án hình sự với tội danh “hủy hoại rừng”, xử phạt mỗi bị cáo 3 năm tù cho hưởng án treo; thời gian thử thách là 4 năm.
Sau khi ra tòa, ông bị khai trừ Đảng và chức Trưởng ban nhân dân ấp Bãi Vòng. Bà Cúc nói trong nước mắt: Chúng tôi được Đảng và quân đội giáo dục, rèn luyện, cớ gì làm bậy. Ở thời điểm chúng tôi khai phá đất rừng sản xuất, nơi này còn hoang vu lắm. Dân ở đây rất nhiều người làm như chúng tôi; có người khai phá sau chúng tôi cũng ở khu vực này như trường hợp hộ ông Nguyễn Văn Thự… lại được cấp giấy chứng nhận giao khoán 8.000m2 đất trồng rừng trong thời hạn 50 năm vào năm 2004.
Theo điều tra của chúng tôi, 15,6ha đất mà BQL rừng phòng hộ Phú Quốc thu hồi là của các hộ Hứa Như Hoài, Võ Văn Quý, Mai Hoa và một phần đất của ông Nguyễn Văn Thự (đã được cấp giấy) đã được cấp lại cho 16 cán bộ thuộc Viện KSND huyện theo tờ trình số 61 của Viện KSND huyện ngày 25/9/2010; ý kiến nhất trí của UBND huyện ngày 2/12/2010 và Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang ngày 12/12/2010.
Bao giờ sự việc bất minh nêu trên được giải quyết và làm sáng tỏ? Điều đó đòi hỏi các ngành chức năng của Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang sớm vào cuộc, trả lại sự công bằng, minh oan cho người vô tội đang quá quẫn bách.
Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản thu hồi 13 dự án với trên 1.000ha tại các xã Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Cạn, Hàm Dương, Dương Tơ. Tuy nhiên, việc thu hồi các dự án treo mới chỉ bằng 1/10 diện tích các dự án đã được cấp phép. Theo ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, việc cấp phép tràn lan các dự án ở Phú Quốc trước đây làm phá vỡ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nảy sinh nhiều tiêu cực, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của huyện đảo này.