ThienNhien.Net – Thay vì chỉ dùng luật pháp để kiểm soát ô nhiễm, các chương trình khuyến khích sự tham gia tự nguyện của các đối tượng tiềm năng gây ô nhiễm đã và đang được áp dụng trên thế giới. Canada là một trong những quốc gia có nhiều chương trình tự nguyện thành công, mang lại lợi ích cho môi trường và trong một chừng mực nào đó, cho cả ngành công nghiệp. Xin giới thiệu bài viết dưới đây của Tiến sĩ Isobel Heathcote, giáo sư ngành Khoa học Môi trường và Kỹ thuật Môi trường của Đại học Guelph (Canada), như một kinh nghiệm mà chúng ta có thể tham khảo trong kiểm soát ô nhiễm.
Thay đổi cách tiếp cận kiểm soát ô nhiễm truyền thống
Để kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường, thông thường các chính phủ thường áp dụng cách tiếp cận bằng luật pháp. Nghĩa là, họ đặt ra các tiêu chuẩn, các quy định nhằm đạt được các mục tiêu môi trường, sau đó giám sát các đối tượng bị luật ràng buộc và truy tố các đối tượng vi phạm.
Hệ thống này tồn tại rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, công nghệ kiểm soát ô nhiễm có thể thay đổi nhanh chóng nhưng luật thì vẫn giữ nguyên. Điều này sẽ không tạo ra động cơ cho người xả thải trong việc cải thiện các nỗ lực kiểm soát ô nhiễm, chừng nào họ vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện hành.
Vấn đề nữa là chi phí tiến hành giám sát và thực thi. Mặc dù một phần chi phí giám sát do đối tượng xả thải chịu, cơ quan quản lý vẫn phải chịu chi phí pháp lý và hành chính cao để thực thi pháp luật và truy tố sai phạm.
Những năm gần đây, cách tiếp cận tự nguyện trong kiểm soát ô nhiễm ngày càng được quan tâm và có thể được áp dụng riêng hoặc kết hợp với các chính sách và pháp luật hiện hành. Các sáng kiến này có thể là thỏa thuận giữa cơ quan quản lý và một ngành công nghiệp nào đó hoặc cả ngành công nghiệp.
Ở Mỹ, các sáng kiến tự nguyện như vậy tập trung vào phòng chống ô nhiễm công nghiệp thông qua việc khuyến khích các ngành công nghiệp sử dụng ít nhiên liệu độc hại hơn, chất thải ít hơn, đồng thời tái chế và tái sử dụng chất thải.
Ở Canada, một trong những sáng kiến tự nguyện nổi tiếng nhất là Chương trình chăm sóc có trách nhiệm (Responsible Care Program) của Hiệp hội các nhà sản xuất hóa chất Canada. Tham gia chương trình này, các thành viên phải ký một cam kết quản lý hóa chất độc hại một cách chặt chẽ từ khâu sản xuất, dự trữ đến khâu tiếp nhận trở lại các hóa chất tồn dư đã bán cho khách hàng. Chương trình này hiện đang được đa số các công ty sản xuất hóa chất Canada hưởng ứng và còn nhân rộng áp dụng tại nhiều nước trên thế giới bao gồm cả Mỹ và nhiều nước châu Âu.
Một ví dụ khác về chương trình kiểm soát ô nhiễm tự nguyện gần đây là Dự án Phòng chống Ô nhiễm trong sản xuất ô tô (Automotive Manufacturing Pollution Prevention Project – MVMA) và Dự án Xanh Sạch (Green Clean Project), cả hai đều do Trung tâm Phòng chống Ô nhiễm Canada kết hợp với các cơ quan quản lý và các hiệp hội công nghiệp khởi xướng.
Dự án MVMA với mục tiêu giảm các chất độc hại bền vững và các chất gây ô nhiễm khác đã thu hút sự tham gia của tất cả các hãng sản xuất ô tô lớn của Canada, những đối tượng sử dụng nhiều hóa chất độc hại. Dự án đã trở thành mô hình cho các ngành khác và được coi là câu chuyện thành công về phòng chống ô nhiễm. Đây là một nỗ lực hợp tác tự nguyện giữa các công ty thành viên tham gia Hiệp hội các nhà sản xuất xe cơ giới Canada (MVMA), Cục liên bang về Môi trường (DOE) và Bộ Môi trường – Năng lượng Ontario (MOEE).
Dự án Xanh Sạch lại là một nỗ lực hợp tác của chính phủ, ngành công nghiệp giặt là và các tổ chức phi chính phủ để ngăn chặn ô nhiễm từ hoạt động của ngành này.
Các chương trình tự nguyện cũng được sử dụng rộng rãi để kiểm soát xói lở đất đai, ô nhiễm từ các hoạt động nông nghiệp và ngăn chặn sự lạm dụng hệ thống thoát nước. Trong nhiều trường hợp, các chương trình tự nguyện đã giúp các chính phủ linh hoạt trong việc nâng cao nhận thức của các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm và thúc đẩy các hoạt động hướng đến phòng ngừa nhiều hơn thay vì phải chịu gánh nặng kinh tế từ các chương trình chính thức.
Điểm tích cực và hạn chế của các chương trình tự nguyện
Các sáng kiến tự nguyện từng là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận nóng bỏng và điều này cũng không có gì lạ bởi bản thân cách tiếp cận này cũng có mặt tích cực và tiêu cực.
Về mặt tích cực, rõ ràng là các sáng kiến tự nguyện sẽ tốn ít chi phí hơn trong thiết kế, quản lý và triển khai so với cách tiếp cận truyền thống dựa vào luật pháp. Vì các sáng kiến này được các ngành công nghiệp tham gia tự nguyện nên thời gian đáng lẽ dành để tranh luận, thống nhất có thể dùng đầu tư nhiều hơn vào hoạt động kiểm soát ô nhiễm.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý sáng kiến tự nguyện cũng chỉ cần một nhóm nhỏ nhân viên so với hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm nhân viên cho việc triển khai, giám sát và thực thi các chương trình theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, các chính phủ có thể chuyển số tiền tiết kiệm được sang công tác giáo dục phòng chống ô nhiễm và các hoạt động mang lại lợi ích tương tự.
Hơn nữa, được xây dựng trên sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, các nhóm lợi ích công cộng, cộng đồng và lao động, khi một sáng kiến tự nguyện được triển khai, những người tham gia có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về quan điểm và ưu tiên của các nhóm khác. Về lâu dài, các sáng kiến tự nguyện do đó có thể cung cấp một nền tảng cho quan hệ đối tác lâu dài giữa chính phủ và ngành công nghiệp, giữa ngành công nghiệp và các tổ chức phi chính phủ.
Trên hết, lợi ích được nhắc đến nhiều nhất của các chương trình kiểm soát ô nhiễm tự nguyện là khả năng thúc đẩy tính linh hoạt và sáng tạo. Trong khi cách tiếp cận theo quy định pháp luật chỉ cần những người ô nhiễm thi hành đúng theo luật, không hơn, thì các chương trình tự nguyện được thiết kế tốt có thể thúc đẩy và khuyến khích các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm thử nghiệm các áp dụng mới để kiểm soát ô nhiễm.
Tuy nhiên, quan điểm phản đối các chương trình kiểm soát ô nhiễm tự nguyện cho rằng mặt trái của chương trình là nó chỉ hoạt động khi thu hút được đối tượng phát thải tham gia chương trình. Trong khi đó, với một khung pháp lý toàn diện, được thực thi một cách chặt chẽ và nhất quán, tất cả mọi người đều buộc phải tham gia hoặc bị xử phạt.
Cũng có ý kiến cho rằng các chương trình tự nguyện chỉ thành công khi đối tượng phát thải có tài chính và khả năng để tham gia. Điều này có nghĩa là chỉ những ngành công nghiệp lớn, các thành phố… mới có đủ điều kiện về kỹ thuật, nhân lực và thời gian để triển khai những chương trình mới. Tương tự, những tổ chức lớn hơn mới có thể chi trả cho những rủi ro từ việc triển khai những công nghệ mới hoặc đi theo những hướng khác với các hoạt động từng theo đuổi trong quá khứ.
Một trong những tính chất của các chương trình tự nguyện bị phê phán nữa là việc xây dựng các mục tiêu chung chung, thiếu cụ thể nhằm thu hút được các ngành công nghiệp tham gia. Các mục tiêu theo đó thường tập trung vào các lợi ích của việc xây dựng quan hệ đối tác và các mục tiêu lớn như giảm ô nhiễm. Điều này có thể khiến những đối tượng tham gia không rõ nên làm gì để đáp ứng mục tiêu lớn của dự án. Các chương trình tự nguyện tập trung vào kết quả, chẳng hạn như phải giảm tổng lượng phát thải trong sản xuất kẽm 35% vào năm 2005, ít hấp dẫn với những người tham gia tiềm năng. Mục tiêu mơ hồ vì thế có thể thu hút tốt hơn sự tham gia nhưng kết quả lại chưa đo lường được, gây nên sự lãng phí thời gian và tiền bạc.
Thêm vào đó, một chương trình tự nguyện chắc chắn là dựa trên sự tham gia… tự nguyện. Do vậy, các biện pháp khuyến khích tham gia một chương trình như thế phải rất mạnh mẽ. Tuy nhiên thực tế không phải luôn như thế. Ví dụ, một chương trình dán nhãn cho các sản phẩm có thể là một công cụ tiếp thị hữu ích cho các công ty và do đó là một động lực mạnh mẽ. Nhưng chỉ một chứng chỉ chứng nhận rằng đơn vị này đã tham gia một chương trình tự nguyện thì không có ý nghĩa tương tự đối với đơn vị xả thải và có thể ít hiệu quả trong việc khuyến khích sự tham gia.
Tương tự như vậy, biện pháp trừng phạt cũng phải được áp dụng cho những người đã cam kết tham gia nhưng không tuân thủ các cam kết. Trên thực tế trong nhiều chương trình tự nguyện, các đối tượng vi phạm cam kết không bị xử phạt và vì vậy họ nghiễm nhiên được lợi từ sự tham gia của các công ty khác mà chẳng mất tiền bạc hay thời gian của mình. Điều này cũng ảnh hưởng tới uy tín của chương trình và kết quả thực hiện.