ThienNhien.Net – Đề xuất đạo luật khí hậu, có những phát ngôn nặng ký và nỗ lực không mệt mỏi kêu gọi bảo vệ khí hậu và môi trường là điều mà Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry đã và đang làm để đưa nước Mỹ trở lại bàn đàm phán về khí hậu. Không dừng lại ở đó, người ta còn kỳ vọng chiếc ghế Ngoại trưởng mới sẽ là công cụ đắc lực giúp ông hiện thực hóa những mục tiêu khí hậu còn dang dở ở một đất nước không có Bộ Môi trường như Mỹ.
Có lẽ với nhiều người hiểu rõ sự nghiệp của John Kerry, chẳng có gì ngạc nhiên khi bài diễn thuyết về chính sách ngoại giao đầu tiên của ông lại bàn về biến đổi khí hậu.
Từ mối liên hệ thực tiễn giữa các hiện tượng thời tiết cực đoan được cho là do biến đổi khí hậu và con số thiệt hại khổng lồ mà Mỹ phải gánh chịu sau siêu bão Sandy hay hàng loạt vụ cháy rừng xảy ra gần đây, ông khẳng định nước Mỹ không thể tiếp tục lờ đi những cảnh báo của giới khoa học mà “phải có tầm nhìn xa và lòng dũng cảm, sẵn sàng đầu tư lâu dài để gìn giữ ngôi nhà cho con cháu chúng ta”.
Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, không có quốc gia nào đứng một mình mà tất cả là một. Vì thế, ông kêu gọi các nước trên thế giới tự nguyện cam kết và bắt tay nhau trong cuộc chiến cam go này.
Trước khi nhậm chức, John Kerry từng được biết là một trong những nhà vận động chiến dịch về khí hậu tích cực nhất – người đã tiếp thêm sức mạnh cho các vòng đàm phán tại Copenhagen (Đan Mạch) và Durban (Nam Phi) trong bối cảnh các nước hầu như chẳng còn kỳ vọng vào hành động giảm thải cứu khí hậu của nước Mỹ.
Ông từng tuyên bố trước Thượng viện Mỹ rằng biến đổi khí hậu có tầm quan trọng đặc biệt mà bất cứ quốc gia nào cũng phải cân nhắc khi đưa ra quy hoạch phát triển và từng khẳng định quyết tâm đẩy lùi biến đổi khí hậu trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2004… Giờ đây, khi ở cương vị Ngoại trưởng, ông hoàn toàn có điều kiện theo đuổi mục tiêu khôi phục ngoại giao khí hậu và đưa Mỹ trở lại bàn đàm phán về khí hậu, dù con đường này sẽ không ít gian nan.
Giảm thải để cứu khí hậu
Xác định biến đổi khí hậu là mối đe dọa vô cùng lớn đối với sự sống trên Trái đất, John Kerry cho rằng bản thân nước Mỹ – nhà phát thải lớn thứ hai thế giới – cần phải đóng vai trò chủ chốt trong việc giảm khí nhà kính bằng cách đầu tư vào năng lượng sạch và triển khai những sáng kiến thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng.
Suốt nhiều năm liền, ông theo đuổi cái gọi là “tự chủ về năng lượng” (energy independence). Điều này thoạt nghe có vẻ phù phiếm bởi dù tự chủ được các nguồn nhiên liệu khác thì Mỹ cũng không có khả năng tự chủ về dầu mỏ, nhưng không phải quá sức viển vông nếu Chính phủ Mỹ tìm ra được nguồn năng lượng phù hợp thay thế dầu mỏ.
Bác bỏ những quan ngại về tác động xấu của các chính sách thân thiện với khí hậu đối với nền kinh tế Mỹ, tại phiên điều trần cuối tháng 1 năm nay, Thượng nghị sĩ John Kerry cho hay: “Đầu tư vào công nghệ sạch có thể trở thành động lực thúc đẩy kinh tế Mỹ đi lên giống như những gì công nghệ thông tin đã từng làm vào những năm 1990”.
“Hơn lúc nào hết, chúng ta phải chạy đua phát triển năng lượng sạch để vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa ngăn chặn mối nguy từ biến đổi khí hậu; và một trong những công cụ giúp chúng ta vươn lên dẫn đầu chính là công nghệ” – ông nói thêm.
Cũng tại phiên điều trần trước khi nhậm chức, ông John Kerry cho biết sẽ chủ động làm việc với phía Trung Quốc – nhà phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới – nhằm tìm ra cách thức hợp tác hướng tới một thỏa thuận thống nhất về khí hậu.
Tuy đánh giá cao những đóng góp của vị Ngoại trưởng mới cho các mục tiêu khí hậu, song việc ông có thực sự làm được nhiều điều thiết thực hơn cho nền khí hậu toàn cầu trong vai trò mới hay không còn đang ở phía trước. Quyết định ủng hộ hay phản đối dự án xây đường ống dẫn dầu gây tranh cãi Keystone XL có lẽ sẽ là thử thách đầu tiên của ông kể từ khi ngồi ghế Ngoại trưởng.