Kiên Giang chưa có cụm công nghiệp nào hoàn chỉnh đi vào hoạt động

ThienNhien.Net – Theo Sở Công thương Kiên Giang, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh đến năm 2020 đã được Bộ Công Thương đồng ý nhưng hiện nay chưa có một CCN nào đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đi vào hoạt động.

Nguyên nhân do thiếu vốn xây dựng cơ sở hạ tầng; thiếu quy hoạch chi tiết, dự án cụ thể, vướng mắc trong khâu bồi thường, giải tỏa mặt bằng và chưa mời gọi, thu hút được nhà đầu tư có năng lực, tiềm lực tài chính mạnh. Ngoài ra, thời gian qua, việc triển khai phát triển các CCN gặp khó khăn do tạm ngừng bổ sung, thành lập và mở rộng các CCN trên phạm vi cả nước theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 2/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

 Cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang (Ảnh: diendandautu.vn)

Cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang (Ảnh: diendandautu.vn)

Theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang có 12 CCN, tổng diện tích 550 ha. Giai đoạn 2011 – 2015 tập trung thực hiện 5 CCN, gồm: Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao), Tân Thành (Tân Hiệp), Hà Giang (TX. Hà Tiên), Lình Huỳnh (Hòn Đất) và Thạnh Thuận (An Minh), với tổng diện tích 172 ha, tổng vốn đầu tư 923 tỷ, dự kiến giải quyết việc làm cho hơn 8.300 lao động tại các địa phương.

Giai đoạn 2016 – 2020, tập trung thực hiện 7 CCN, gồm: Vĩnh Thuận (Vĩnh Thuận), Kiên Lương 1 (Kiên Lương), Đông Bắc Vĩnh Hiệp (TP. Rạch Giá), Hàm Ninh (Phú Quốc), Thạnh Hưng 1 (Giồng Riềng), Thứ Sáu (An Biên) và CCN sản xuất nước mắm khu II (Phú Quốc), với tổng diện tích 378 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho trên 18.000 lao động tại các địa phương.

Tỉnh quy hoạch phát triển những CCN này gắn với các tuyến hành lang kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhằm khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên, lao động và hạ tầng tại địa phương, liên kết với các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, trung tâm kinh tế, gắn với phát triển dịch vụ thương mại… Các lĩnh vực ngành nghề sản xuất thu hút, đầu tư phát triển như chế biến nông – thủy sản, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, ngành nghề có hàm lượng chất xám cao, công nghiệp nhẹ, nghề truyền thống… là những thế mạnh, tiềm năng của tỉnh.

Trước mắt, tỉnh đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho 3 CCN là Hà Giang, Lình Huỳnh và Đông Bắc Vĩnh Hiệp, mỗi CCN 5 tỷ đồng, đồng thời cho phép tỉnh chuyển CCN Đông Bắc Vĩnh Hiệp từ giai đoạn 2016 – 2020 sang thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2015. Vì hiện nay, Công ty Miseen đã cam kết đầu tư hạ tầng CCN này nên tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án hoàn thành để di dời các cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư, khu đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, góp phần cho thành phố Rạch Giá nâng lên đô thị loại II và thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 hiệu quả và đúng tiến độ, t ỉnh phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành chức năng và địa phương phối hợp thực hiện. Trên cơ sở đó, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, thông thoáng kết hợp cải cách thủ tục hành chính liên quan đến phát triển CCN để thu hút đầu tư; huy động nguồn lực bên ngoài kết hợp cân đối nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng CCN theo kế hoạch hàng năm và dài hạn; lập quy hoạch chi tiết, dự án cụ thể mời gọi nhà đầu tư; thực hiện nhanh công tác thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; tăng cường công tác vận động xúc tiến đầu tư, thương mại vào CCN; đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu phát triển, bảo vệ và xử lý môi trường; hoàn thiện công tác quản lý nhà nước với CCN.