ThienNhien.Net – Không chỉ lâm tặc tàn phá Vườn quốc gia Cát Tiên (vườn) mà những đội quân khai thác vàng lậu cũng đang ngày đêm lùng sục, xới tung vườn và các vùng rừng lân cận để đãi vàng. Khu vực này có sức hút mạnh phu vàng vì có nhiều mỏ vàng, trữ lượng lớn.
Lục tung mọi ngóc ngách
Ngày 2/4, theo chân một thợ rừng ngụ thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), chúng tôi thâm nhập nhiều khu rừng thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên.
Vừa hơn 9 giờ sáng, chúng tôi vượt qua cầu treo nối huyện Tân Phú (Đồng Nai) tới đồi Đá Trắng, nơi có luồng vàng đang bị khai thác trái phép. Bị kiểm lâm chặn xe, chúng tôi gửi xe nhờ ở chòi của người dân rồi lội bộ để tiếp cận bãi vàng.
Đi theo lối mòn lên đồi Đá Trắng, từ xa chúng tôi thấy hàng chục phu vàng đang hì hục đào đất, đá, bơm nước để đãi vàng. Huy cho biết để lấy được vàng, người ta phải đào hang rộng khoảng 2m2, sâu gần 10m. Sau đó dùng máy bơm để hút cát, đá lên một cái máy sàng để đãi vàng. Chỉ vào bờ núi bị phá tan hoang, Huy nói: “Hầu hết các ngóc ngách này đều do thợ đào vàng tạo ra”.
Tại “công trường”, một phu vàng khoát tay nói: Luồng vàng kéo dài hết ngọn đồi, băng qua một con đường lớn và luồng vàng chạy sâu vào rừng Nam Cát Tiên.
Về luồng vàng và sức hút của Vườn quốc gia Cát Tiên với phu vàng, ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc vườn, nói: Thực tế là hiện nay có rất nhiều đối tượng khai thác vàng trái phép đang lăm le nhiều vị trí trong phạm vi rừng cấm và các vùng đệm vì ở đây được đánh giá là có nhiều mỏ vàng trữ lượng lớn.
Quy tụ nhiều người đãi vàng chuyên nghiệp
Rời khu vực đồi Đá Trắng, chúng tôi tiếp tục theo chân anh Tài (từng đào vàng thuê) được Huy giới thiệu đến khu vực Ba Mươi A (buôn cũ), xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng).
Khu vực này cũng được đánh giá là một trong những vị trí có trữ lượng vàng rất lớn. Theo hướng dẫn của Tài, chúng tôi lội xuống một con suối dài hơn 1 km bị phu vàng xới tung với hàng trăm ụ đất lồi lõm khiến dòng chảy bị đổi hướng. Hai bên vách suối bị “nới rộng” vì máy múc đất cào lên, ở hai đầu con suối vẫn còn sót lại hai máy đãi vàng nằm trơ giữa bãi đá.
Tài cho biết vài tháng trước, con suối này phải “tiếp nhận” tới bốn cái máy múc đất đá, cùng 40 phu vàng ngày đêm khai thác vàng lậu. Ông trùm khai thác vàng khu vực này là Hà “đen”, ngụ TP Bảo Lộc. Hà “đen” thuê phu vàng và trả công 250.000 đồng/người/ngày. “Cứ hai ngày họ lại ra TP Bảo Lộc mua 70 đến 100 triệu đồng tiền dầu, thuê hẳn cái xe U-Ran ba cầu để chở dầu vào phục vụ việc đãi vàng. Có hôm trong vòng một ngày đêm, Hà “đen” thu được bốn lon bò húc vàng cám” – Tài nói.
Bên cạnh Hà “đen”, bao quanh Vườn quốc gia Cát Tiên hiện nay xuất hiện hàng chục băng nhóm nhăm nhe khai thác vàng. Trong số đó có người tên Huyền từ Thái Nguyên vào.
Theo một lãnh đạo Vườn quốc gia Cát Tiên, Huyền từng cho quân khai thác vàng tại khu vực tiếp giáp với vườn và bị lực lượng kiểm lâm của đơn vị này xua đuổi. Sau đó Huyền trực tiếp gặp lãnh đạo vườn để “thương lượng làm ăn” nhưng bất thành. “Huyền nói với tôi, mỗi ngày Huyền khai thác được khoảng 8 chỉ vàng và đặt vấn đề ăn chia nếu tôi làm ngơ nhưng tôi cương quyết từ chối” – vị lãnh đạo nói.
Sức hút của vàng quá lớn nên kiểm lâm của vườn luôn bị phu vàng và các băng nhóm hăm dọa, gây sự. “Ngày 22/4, trong khi đang lập chốt để phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm bảo vệ khu vực thủy điện Đồng Nai 5, một nhóm vàng tặc đã hăm dọa, đòi làm thịt chúng tôi vì dám “nhúng tay” vào công việc làm ăn của chúng” – một kiểm lâm của vườn kể.
Giám đốc Diện nói: Sắp tới, khu vực này sẽ rất nóng bỏng về vấn đề khai thác vàng trái phép. Ban giám đốc đang tiến hành nhiều biện pháp để bảo vệ nghiêm ngặt vườn.
Lúc 10 giờ sáng 25/4, một hầm khai thác vàng trái phép ở xã Tư, huyện Đông Giang (Quảng Nam) bị sập làm phu vàng Phạm Văn Thế (ngụ huyện Kim Sơn, Ninh Bình) chết và hai người khác bị thương nặng. Theo cơ quan chức năng, khi các phu vàng này đào sâu vào lòng núi thì hầm vàng bất ngờ sập vì hầm không được chống đỡ cẩn thận.
Lê Phi |