ThienNhien.Net – 32 loại thảo dược tự nhiên có tác dụng tương đồng, có thể thay thế mật gấu đã được giới thiệu trong cuốn sách “Những cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu” do Tổ chức Động vật Châu Á và Trung Ương hội Đông Y Việt Nam phối hợp biên soạn, phát hành.
Hai loài gấu ngựa và gấu chó đều được xếp trong nhóm 1B của Nghị định 32/2006/NĐ-CP – nhóm các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. |
Mặc dù đã chính thức bị cấm từ năm 2006, nhưng tình trạng khai thác, buôn bán mật gấu vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Niềm tin vào những tác dụng kỳ diệu của mất gấu là động lực cho ngành công nghiệp nuôi gấu lấy mật phát triển và cũng chính là nguyên nhân đe dọa sự tồn vong của loài gấu trong tự nhiên.
Cuốn sách “Những cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu” ra đời nhằm góp phần bảo tồn các loài gấu Việt Nam, song song với các hoạt động cứu hộ gấu và chương trình tuyên truyền giáo dục cộng đồng mà Tổ chức Động vật Châu Á và nhiều tổ chức bảo tồn khác đang nỗ lực thực hiện.
Cuốn tài liệu đã miêu tả khá tỉ mỉ, rõ nét đặc điểm, phân bố, thành phần, bộ phận có thể dùng làm thuốc cũng như cách dùng, tác dụng của 32 loài dược liệu sẵn có của Việt Nam. 32 loài dược liệu này đều đã được kiểm chứng, xác định thành phần hóa học cụ thể, hoàn toàn có khả năng chữa bệnh hiệu quả, thay thế được các tác dụng của mật gấu trong y học cổ truyền.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt cuốn sách, dược sỹ Phạm Hinh – Đại diện Trung ương Hội Đông y Việt Nam cho hay, y học cổ truyền chỉ sử dụng mật gấu chữa bệnh chấn thương ngoài da, ít dùng để uống và mật gấu thực tế không có khả năng tăng cường sinh dục như một số người quan niệm. Hơn nữa, quy trình hút mật gấu ở các cá thể gấu bị nuôi nhốt thương không đảm bảo vô trùng và mật gấu từ các cá thể bị nuôi nhốt thường ẩn chứa một lượng vi khuẩn lớn.
“Sẽ chẳng có ai chết vì thiếu mật gấu. Ngược lại, người ta còn trở nên bệnh tật hơn, thậm chí có thể chết vì sử dụng mật gấu” – Bà Jill Robinson MBE, Sáng lập viên kiêm tổng giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á nhấn mạnh thêm.
Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng Đại diện của Tổ chức Động vật Châu Á đã báo cáo kết quả Điều tra việc sử dụng mật gấu trong Đông y do Tổ chức Động vật Châu Á và Hội Y học cổ truyền Việt Nam thực hiện.
Cuộc khảo sát đã được tiến hành trên 10.168 bác sĩ đông y ở 9 tỉnh Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thái Nguyên.
Kết quả khảo sát cho thấy, các bác sĩ nam có xu hướng sử dụng mật gấu nhiều hơn so với nữ. Không có dấu hiệu nào cho thấy các bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm lại sử dụng mật gấu nhiều hơn so với các bác sĩ ít kinh nghiệm hơn.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng các bác sĩ ở các tỉnh có nhiều trang trại gấu sử dụng mật gấu cao hơn so với số lượng bác sĩ ở các tỉnh có ít trang trại nuôi gấu.
Điều này chứng tỏ do tình trạng dễ tiếp cận hơn là do hiệu quả sử dụng nên các bác sĩ đã chọn mật gấu đồng thời cũng cho thấy rằng các bác sĩ đông y hoàn toàn có phương án thay thế cho phương thuốc mật gấu.