Qua bên kia sông, bùn biến mất !?
ThienNhien.Net – Sà lan và pôn tông chất đầy bùn thải, thân chìm hẳn dưới nước nhưng khi di chuyển qua bên kia sông thì tích tắc nổi trên mặt nước rồi quay đầu về nơi nạo vét để tiếp tục nhận bùn thải.
Sau khi nắm rõ cách thức hoạt động của những công ty thi công nạo vét ở khu vực cảng Posco, PV đóng vai người đánh cá, người thu mua cá tôm của làng chài trên sông Thị Vải để tìm hiểu kỹ hơn. PV lên ghe của người dân đánh cá từ một kênh nhỏ dẫn ra sông Thị Vải, đoạn gần với cảng Công ty Vedan (H.Long Thành, Đồng Nai), sau đó chạy hàng giờ đường sông mới ra đến khu cảng Posco, rồi chọn điểm thuận tiện nhất cho việc thu thập chứng cứ.
Như vậy là xả trộm, bởi thời gian xả trộm rất nhanh – Ông Nguyễn Văn Cẩm – Phó giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu |
Do sà lan, pôn tông và tàu chuột chuyên dùng để vận chuyển bùn thải được thiết kế đặc thù, hoàn toàn không có đáy. Đáy đóng lại lúc vận chuyển đầy bùn thải và khi muốn xả ở đâu, thợ máy chỉ cần mở chốt là toàn bộ bùn lọt hết xuống sông. Trong suốt thời gian dài ăn, ngủ trên sông, PV đã ghi hình được nhiều cảnh các xáng cạp lặn ngụp múc từng cạp bùn thải đổ vào khoang chứa của sà lan, pôn tông, tàu chuột (tàu biển loại nhỏ – PV). Đến lúc đầy thì chúng chìm nghỉm dưới nước rồi di chuyển rất chậm sang bên kia sông, khi vừa qua hết luồng thì bỗng nhiên từ từ nổi phềnh trên mặt nước. Sau đó, chúng quay đầu về chỗ cũ để tiếp tục nhận từng cạp bùn vào khoang chứa…
Qua lại bờ sông liên tục trong đêm
Cụ thể, nhiều đêm liền, từ 19 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, camera của PV liên tục ghi hình quy trình: các xáng cạp múc bùn từ dưới lòng sông vào đầy khoang chứa của sà lan, pôn tông nên thân chìm nghỉm dưới nước. Lúc này sà lan, pôn tông bắt đầu di chuyển rất chậm sang bên kia bờ sông, cho đến khi sà lan, pôn tông nổi phềnh trên mặt nước thì bất ngờ quay đầu về chỗ xuất phát để nhận từng xáng cạp bùn thải múc bùn vào khoang; thời gian đi và về một chuyến lâu nhất là 20 phút.
Khu vực thường được chọn để cho “nổi” sà lan, pôn tông, tàu chuột là đoạn bên ngoài luồng, phía trên phao đỏ 40, dưới phao đỏ 42; còn bên này sông thì phía dưới phao xanh 33, cách nơi nạo vét từ 300 – 500 m.
Trong 2 tháng điều tra việc xả trộm bùn thải trên sông Thị Vải, PV thấy nhộn nhịp nhất là đêm 13 rạng sáng 14.4, trung bình mỗi sà lan và pôn tông vận chuyển 2 chuyến sang bên kia sông để xả trộm. Cụ thể, 18 giờ có 3 pôn tông đầy bùn được lai dắt qua bên kia sông đậu chờ trời tối, còn lại 2 pôn tông khác đầy bùn nhưng vẫn đậu ở bên này sông. 19 giờ, một tàu lai dắt chở công nhân sang chỗ 3 pôn tông trên, 5 phút sau, 1 pôn tông… “nổi” phềnh. Tiếp đó, 2 pôn tông khác đầy bùn đang đậu ở khu nạo vét, thân chìm dưới nước cũng được lai dắt kéo qua bên kia sông, khi vừa qua hết luồng thì “nổi” phềnh. Tàu lai dắt kéo pôn tông quay trở lại nơi xuất phát để xáng cạp múc bùn vào khoang. Tới 20 giờ 30, có 2 xáng cạp hoạt động; 21 giờ 30, tàu chuột bắt đầu di chuyển vào chỗ xáng cạp để nhận bùn thải… Tới 5 giờ sáng 14.4, camera của PV ghi được 9 chuyến gồm sà lan, pôn tông (mỗi chuyến trọng tải trung bình 1.000 tấn) ở khu nạo vét thì chìm dưới nước, nhưng khi qua khỏi luồng bên kia sông thì nổi phềnh lên mặt nước và quay đầu về chỗ nạo vét để nhận bùn thải vào khoang…
Hiếm hoi lắm nếu không muốn nói là trường hợp duy nhất, vào đêm 3.4, PV Thanh Niên mới chứng kiến một tàu chuột chở đầy bùn thải, chìm dưới nước và chạy ra hướng biển. (Còn tiếp)
Tạm đình chỉ công trình nạo vét cảng Posco
Sau khi Thanh Niên ra ngày 22.4 đăng bài Nạo vét sông Thị Vải: Sự mờ ám kinh tởm, ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu, cùng một cán bộ đã đến làm việc với Báo Thanh Niên. Ông Cẩm cho biết ngay sáng 22.4, Cảng vụ Vũng Tàu đã họp khẩn để xử lý vụ việc, sau đó cử đoàn công tác làm việc với Công ty TNHH Posco Việt Nam và doanh nghiệp thi công nạo vét cảng Posco. Trước mắt, Cảng vụ Vũng Tàu tạm đình chỉ thi công công trình nạo vét cảng Posco để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.Tại buổi làm việc, PV hỏi việc các xà lan, pôn tông lúc bùn đầy thì chìm dưới nước, còn khi qua bên kia sông chỉ trong tích tắc nổi phềnh trên mặt nước có phải là hành vi xả trộm, ông Cẩm thừa nhận: “Như vậy là xả trộm, bởi thời gian xả trộm rất nhanh”. Ông thừa nhận việc giám sát các phương tiện xả trộm bùn thải xuống sông rất khó khăn, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, nhưng khó bắt quả tang. “Mỗi khi đoàn liên ngành gồm bộ đội biên phòng, cảng vụ, CSGT đường thủy, UBND tỉnh đi kiểm tra, đối tượng vi phạm đã biết từ xa nên rất cảnh giác. Thậm chí, khi đoàn kiểm tra bắt đầu đi, đi bằng tàu nào… họ đã biết rồi. Chủ các phương tiện cũng rất manh động, nếu đoàn kiểm tra tiếp cận phương tiện vi phạm thì phải có đủ ban ngành, nếu không họ tìm đủ mọi cách ngăn cản, thậm chí đẩy cán bộ ngã xuống sông. Việc xả trộm bùn thải đã xảy ra nhưng chỉ ban ngày, còn ban đêm mới xuất hiện gần đây”, một vị cán bộ của Cảng vụ Vũng Tàu nói. |