ThienNhien.Net – Vì nguồn lợi trước mắt, hàng trăm hộ dân ở xã Dân Thành, huyện Duyên Hải – Trà Vinh đã ồ ạt đào ao nuôi trồng thủy sản để tận thu cát bán cho doanh nghiệp.
Đứng trước ao nuôi tôm la liệt phương tiện bơm hút cát ở ấp Cồn Ông, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải – Trà Vinh, ông Võ Quốc Công hào hứng khoe sau 10 năm nuôi tôm thua lỗ, nợ nần chồng chất, ông đã đào 2 ha ao nuôi tôm để lấy cát bán, thu được gần 600 triệu đồng.
Nguồn lợi khổng lồ
Tương tự ông Công, hộ ông Cao Văn Hết (ấp Láng Cháo), ông Dương Thanh Tràng, ông Dương Văn Đủ (cùng ngụ ấp Mù U)… đã tận thu cát trên diện tích từ 1-2 ha với giá 12.000 đồng/m3, mang về nguồn thu vài trăm triệu đồng. Một nông dân tại ấp Láng Cháo kể: Ông được cấp phép cải tạo 3,5 ha nuôi tôm dưới độ sâu 2 m.
Ước tính khối lượng cát lấy dưới đáy ao khoảng 70.000 m³, với giá bán hiện nay là 14.000 đồng /m³ thì ông thu được gần 1 tỉ đồng, cao hơn cả số tiền bán hết đất đai. Việc “tận thu” nguồn cát trong ao nuôi thủy sản đến nay không chỉ diễn ra tại các ấp thuộc xã Dân Thành mà đã lan sang các ấp lân cận của xã Trường Long Hòa (huyện Duyên Hải).
Ông Võ Văn Dội, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Thành, cho biết sau khi UBND tỉnh Trà Vinh có văn bản cho phép người dân xã Dân Thành được tận thu cát trong cải tạo ao hồ nhằm phục vụ cho san lấp mặt bằng Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải, tính đến hết tháng 3-2013, UBND huyện Duyên Hải đã cho phép gần 100 hộ dân tại 5 ấp của xã Dân Thành được “tận thu” cát, tập trung ở các ấp: Láng Cháo, Mù U và Cồn Ông… với tổng diện tích gần 1.200 ha, tương ứng gần 2 triệu m3 cát.
Quản không chặt
Trên địa bàn xã Dân Thành hiện có 11 doanh nghiệp (DN) chuyên thu mua cát từ các hộ nuôi trồng thủy sản với giá thu mua tăng lên từng ngày, từ 10.000 – 14.000 đồng/m3. Một nông dân ngụ ấp Cồn Cù cho biết do nhu cầu thu gom cát để cung ứng cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải rất lớn nên các DN có hẳn đội ngũ nhân viên thu mua đến tận nhà để gợi ý.
Khi các hộ dân đồng ý bán cát và đạt thỏa thuận về giá, DN sẽ đứng ra bao luôn thủ tục xin cải tạo ao. Nếu chính quyền địa phương chấp thuận, họ sẽ đem phương tiện đến phá các bờ bao để nạo vét lớp bùn dưới ao bỏ lên bờ, rồi dùng máy hút lớp cát mịn nằm dưới đáy ao chở đi, sau đó lấy lớp đất bùn trả lại vị trí cũ. Do vậy, các ao nuôi thủy sản sau khi cải tạo đều trở thành hồ nước lớn.
Theo quy định, người dân chỉ được phép đào ao lấy cát với độ sâu từ 1-2 m và phải cam kết với chính quyền địa phương trong việc bảo vệ môi trường, khai thác đúng độ sâu đã quy định, giữ và trả lại lớp đất mặt cho ao tôm sau khi hoàn thành hợp đồng…
Thế nhưng, nhiều hộ dân vẫn đào sâu hơn để lấy cát bán. Ngoài ra, việc hộ dân tận thu cát sẽ phải đóng thuế cho địa phương, khai thác 1 m3 cát sẽ phải nộp các khoản phí và thuế tài nguyên 5.000 đồng. Trên thực tế, các DN và hộ gia đình đã tự thỏa thuận mua bán cát với diện tích và khối lượng vượt rất nhiều lần so với giấy phép.
Ông Phạm Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Thành, phân tích: Việc tận thu cát trong ao hồ sẽ có hiệu quả cho việc nuôi tôm quảng canh. Ngoài ra, người dân cải tạo ao hồ, lấy cát bán sẽ có kinh phí để tái sản xuất cũng như thanh toán nợ nần. “Tuy nhiên, với việc thay đổi đột ngột về diện tích mặt nước, độ sâu như thế chắc sẽ không tránh khỏi sự tác động đến môi trường.
Vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng đánh giá chính xác về việc tận thu cát” – ông Bình kiến nghị. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Tôi cũng vừa nghe báo chí phản ánh mới biết việc này và sẽ cho kiểm tra, đánh giá xem việc tận thu cát như thế có ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản hay không”.