Công nghệ mới hữu ích cho nuôi tôm và cá tra

ThienNhien.Net  –  Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh vật tư và thuốc thú y (Vemedim) gần đây đã nghiên cứu thành công sản phẩm Zimovac giúp xử lý môi trường nước ao và phòng bệnh cho tôm nước mặn, cá tra nuôi tại Việt Nam. Công nghệ mới giúp giảm hơn 50% lượng bùn bã hữu cơ và 73% độc chất (NH3, NO2, NO3), vi khuẩn có hại (vibrio) sau 96 giờ.

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đáp ứng tiêu chuẩn hàng thủy sản xuất khẩu, việc sử dụng sản phẩm chứa các chủng vi sinh vật hữu ích (probiotics) nhằm thay thế dần các loại kháng sinh, hóa chất là xu hướng được các ngành chức năng khuyến khích người chăn nuôi sử dụng, nhất là trong xử lý môi trường nước ao nuôi tôm cá.

Sử dụng công nghệ mới giúp tăng lợi nhuận trong nuôi tôm sú đến 16,25%
Sử dụng công nghệ mới giúp tăng lợi nhuận trong nuôi tôm sú đến 16,25%

Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm chứa probiotics hiện có trong xử lý môi trường ao nuôi tôm cá cho hiệu quả chưa cao, do vi sinh vật trong chế phẩm còn kém thích nghi với môi trường ao nuôi và nhanh chóng bị ức chế bởi vi khuẩn bản địa.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, người nuôi tôm, cá vẫn sử dụng phương pháp bơm hút bùn đáy ao loại bỏ chất thải trong quá trình nuôi ra mương vườn, sông rạch. Việc hút thải chất bùn bã hữu cơ gây ô nhiễm môi trường và phát sinh ra nhiều bệnh mới ở động vật thủy sản, đặc biệt là nhiều bệnh điều trị không hiệu quả xảy ra ở tôm nước mặn (tôm sú) và cá tra nuôi quy mô công nghiệp dành cho xuất khẩu.

Nắm bắt được thực tế đó, tiến sỹ Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Vemedim, (tác giả chính) cùng các cộng sự đã bắt tay vào việc nghiên cứu nhằm tạo ra một sản phẩm probiotics mới đạt được các chỉ tiêu đề ra như: sản phẩm phải tiếp xúc trực tiếp với lớp bùn bã hữu cơ ở đáy ao để phát huy tác dụng phân hủy bùn bã hữu cơ ở tầng dưới ao nuôi, sản phẩm phải có độ tan rã tốt để phóng thích vi sinh vật có lợi vào môi trường phát huy tác dụng chuyển hóa các chất độc như NO2, NH3, H2S… hòa tan trong môi trường nước ao nuôi tôm cá. Đặc biệt, các chủng vi sinh vật hữu ích trong sản phẩm phải thích nghi và phát triển tốt sau khi cho vào môi trường ao nuôi để tạo sự cạnh tranh hữu hiệu với vi sinh vật gây hại.

Tiến sỹ Hiền và các cộng sự đã sử dụng công nghệ sinh học để phân lập, định danh tuyển chọn các chủng vi sinh vật hữu ích có khả năng phân hủy bùn bã hữu cơ tại các ao nuôi tôm cá, nghiên cứu quy trình lên men các chủng vi sinh vật trong hệ thống fermenter để bảo đảm không nhiễm tạp khuẩn và thu sinh khối đạt hàm lượng nguyên liệu ngoại nhập, xây dựng các tổ hợp công thức vi sinh vật, nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất sản phẩm ở dạng viên, quy mô công nghiệp đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Qua thời gian nghiên cứu, đầu tư nhà xưởng, thiết bị phù hợp với quy trình sản xuất sản phẩm probiotics, từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2012, nhóm nghiên cứu đã thu được những kết quả rất khả quan để đưa vào thử nghiệm trong thực tế. Trong đó quan trọng nhất là đã phân lập tuyển chọn và lên men sinh khối quy mô công nghiệp được 4 dòng vi sinh vật hữu ích có các tính năng như mong muốn, bao gồm lactobacillus aci-dophilus, bacillus spp (b.subtilis, b.megaterium, b.licheniformic, b.pumilus), nitrosomonas sp, nitrobacter sp.

Công nghệ giúp làm giảm hơn 50% lượng bùn bã hữu cơ và 73% độc chất (NH3, NO2, NO3, H2S), vi khuẩn có hại (vibrio) sau 96 giờ. Việc cải thiện chất lượng nước ao nuôi giúp giảm đáng kể các chi phí khác trong nuôi tôm, cá như 60% chi phí kháng sinh điều trị bệnh đối với cá tra, 37% chi phí kháng sinh điều trị bệnh đối với tôm sú. Thống kê sau vụ nuôi tôm cho thấy lợi nhuận trong nuôi tôm sú tăng đến 16,25% và tăng 14,75% ở ao nuôi cá tra có sử dụng sản phẩm so với ao sử dụng phương pháp thông thường. Hiện sản phẩm đã được cấp giấy đăng ký lưu hành với tên thương mại là Zimovac.

Như vậy, đây là lần đầu tiên, một công ty sản xuất thuốc thú y trong nước đã chủ động phân lập nguồn vi sinh vật hữu ích và nghiên cứu thành công quy trình lên men sinh khối, quy trình bảo quản, giám định vi khuẩn gốc, từ đó chủ động được nguồn nguyên liệu trong sản xuất và tạo được sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm Zimovac được sản xuất với công nghệ tiên tiến, đạt trình độ của châu Á và tiếp cận thế giới, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Pratice, GSP (Good Storage Practices), GLP (Good Laboratory Practice) do Cục Thú y Việt Nam chứng nhận năm 2012.

Mới đưa ra thị trường, nhưng sản phẩm Zimovac rất được người chăn nuôi hào hứng đón nhận do những ưu điểm giá thành rẻ hơn các sản phẩm ngoại nhập cùng loại mà hiệu quả mang lại rất rõ ràng. Theo tính toán, cả nước có khoảng hơn 600.000ha diện tích ao nuôi tôm nước mặn (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) và nuôi cá tra xuất khẩu cần xử lý môi trường, nếu áp dụng theo quy trình hướng dẫn thì nhu cầu sản phẩm là 13.200 tấn cho một vụ nuôi, trong khi tiêu thụ của sản phẩm Zimovac hiện mới chỉ đạt 50 tấn/năm, có thể thấy tiềm năng của sản phẩm cung cấp cho thị trường rất lớn trong những năm về sau…