ThienNhien.Net – Quá trình thi công đê bao bờ hữu sông Sài Gòn còn nhiều sơ sót khiến cuộc sống người dân trong khu vực khổ sở.
Công trình đê bao bờ hữu sông Sài Gòn được triển khai từ năm 2003, mục đích nhằm ngăn triều cường, tránh ngập úng cho các quận, huyện 12, Thủ Đức, Hóc Môn… Tuy nhiên, quá trình thi công đã xảy ra nhiều sơ sót làm ảnh hưởng tới cuộc sống hàng trăm hộ dân.
Thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Đi trên tuyến đê bao sông Bà Hồng thuộc dự án bờ hữu, chúng tôi thấy rất nhiều khoảnh ruộng bị bỏ hoang, đất đai cằn cỗi, nứt nẻ vì thiếu nước. Lão nông K. (ấp 2, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) bức xúc: “Gần 10 năm nay gia đình tôi phải bỏ hoang 1 ha đất vì không có hệ thống dẫn và tiêu thoát nước. Nghịch lý ở chỗ phía ngoài bờ đê thì nước tràn đầy còn bên trong này lại khô hạn. Cơ quan chức năng đã hứa hẹn đặt cống nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu”.
Ông K. cho biết gia đình ông và nhiều người dân ở đây sống bằng nghề trồng mía. Mỗi vụ mía kéo dài tám tháng, cứ 1 ha bán cho thương lái được 40 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, chủ đất lời khoảng 20 triệu đồng. “10 năm tương đương với 15 vụ mía. Chỉ cần tính sơ các anh đã thấy gia đình tôi bị tổn thất bao nhiêu tiền do 1 ha đất bị bỏ hoang rồi. Nhiều hộ còn thiệt hại nặng hơn” – ông K. buồn bã nói.
Đào rạch xong rồi bỏ đó
Khi lắp đặt hệ thống van ngăn triều, các nhà thầu đã đào rất nhiều rạch để dẫn dòng trên đất của người dân. Nhưng khi thi công xong, họ lẳng lặng rút đi mà không san lấp, hoàn trả hiện trạng ban đầu. “Trước khi đào rạch dẫn dòng trên đất của tôi, người ta hứa lúc lắp đặt van xong sẽ san lấp bằng phẳng như cũ. Vậy mà đã mấy năm trôi qua, chẳng thấy ai xuống lấp lại mấy rãnh sâu hoắm đó. Đất đai nhấp nhô thì ai làm ăn gì được? Nếu chẳng may con nít sẩy chân rớt xuống thì hậu quả ra sao?” – bà Nguyễn Thị Thơm, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, than thở.
Tương tự, các nhà thầu còn làm không ít đê quây ngăn nước để phục vụ thi công van ngăn triều. Theo thiết kế, các đê quây này phải được dỡ bỏ ngay sau khi lắp đặt xong van. Tuy nhiên, nhiều đê quây được phá một cách sơ sài, cẩu thả làm rác rưởi, lục bình vướng lại, cản trở hiệu quả của việc thoát nước ra sông khi mưa to.
Lắp ngay cống để có nước cho dân
Những khiếm khuyết trên đã nhiều lần được người dân cùng chính quyền địa phương phản ánh với cơ quan liên quan. Cụ thể, tháng 5/2012, UBND xã Nhị Bình có công văn đề nghị Sở NN&PTNT (chủ đầu tư) cho lắp đặt thêm 18 tuyến cống tiêu thoát nước, san lấp các rạch dẫn dòng, phá dỡ đê quây trên địa bàn xã. Sở đã đi kiểm tra và đề nghị xã Nhị Bình cung cấp các địa điểm cần phá đê quây, san lấp rạch dẫn dòng, vị trí các tuyến cống tiêu thoát nước để xử lý.
Đến tháng 7/2012, Sở NN&PTNT có văn bản yêu cầu Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình (quản lý chung các gói thầu – gọi tắt là ban quản lý) lắp đặt 18 cống tiêu thoát nước bằng bê tông cốt thép, xử lý rạch dẫn dòng và phá đê quây. Thời hạn hoàn thành là trước ngày 30/9/2012. Nhưng đến nay ban quản lý vẫn chưa làm xong. Sau đó, Sở NN&PTNT chuyển giao công trình tuyến đê bao bờ hữu cho Trung tâm Chống ngập TP.HCM quản lý.
“Trung tâm đang rà soát, xác định lại vị trí các đê quây chưa được phá bỏ, rạch dẫn dòng chưa được san lấp,… để xử lý trong thời gian tới. Riêng việc lắp đặt cống tiêu thoát nước, trung tâm đã yêu cầu ban quản lý thi công ngay để người dân có nước canh tác” – ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập, khẳng định với Pháp Luật TP.HCM trong ngày 22/4.
Yêu cầu giải trình về thi công gói thầu 1D
Ngày 15/4, Sở NN&PTNT có văn bản thông báo nội dung cuộc họp về những vấn đề liên quan đến thiết kế gói thầu 1D, dự án bờ hữu sông Sài Gòn (đoạn từ tỉnh lộ 8 đến rạch Tra, thuộc địa bàn huyện Củ Chi). Theo đó, Công ty TNHH Nhà Tuyết Anh phải giải trình về việc không thực hiện đúng thiết kế đã được phê duyệt và kéo dài thời gian thi công gói thầu này. Khang Bách |