Gỗ lậu tấp nập về xuôi
ThienNhien.Net – Lâm tặc khẳng định: Muốn gỗ gì, bao nhiêu cũng có và bao luôn việc giao gỗ đến tận nhà.
LTS: Sau nhiều ngày theo chân lâm tặc giẫm nát nhiều cánh rừng, chúng tôi không khỏi xót xa với cảnh rừng bị tàn phá tan hoang. Hàng chục ngàn hecta rừng tự nhiên, trong đó có rừng phòng hộ xung yếu thuộc hai huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh bị tàn phá vô tội vạ. Cánh rừng bọc vùng lõi của rừng quốc gia Cát Tiên giờ không còn dấu tích vì cả gốc, rễ cây rừng cũng bị đào đem bán.
Có tầng tầng lớp lớp chốt, trạm kiểm lâm nhưng lâm tặc vẫn ngày đêm chở gỗ về xuôi như chốn không người…
Sau gần hai tháng tìm hiểu, được một lâm tặc mách nước, đầu tháng 3/2013 chúng tôi đến trụ sở của Đội Kiểm lâm cơ động số 2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng tìm hiểu cách lâm tặc đưa gỗ qua cửa ngõ này, chuyển về xuôi.
Theo điều tra của chúng tôi, để đưa được gỗ lậu ra khỏi địa bàn tỉnh Lâm Đồng, các “đầu nậu” mua gỗ buộc phải hợp tác với các “tập đoàn” chuyên vận chuyển gỗ lậu thuê. Mỗi mét khối gỗ vận chuyển thành công, “người vận chuyển” hưởng từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Nếu để mất gỗ (bị kiểm lâm, công an bắt) thì cả hai cùng chịu.
Canh đường cho gỗ lậu về xuôi
Khoảng 22 giờ, chúng tôi có mặt trước trụ sở của Đội Kiểm lâm cơ động số 2. Bên đường là chốt kiểm soát giao thông Madagui (PC67, Công an tỉnh Lâm Đồng) và Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai. Tại đây có khoảng chục thanh niên đang tụ tập.
Do đã biết mặt nên tôi tìm cách ngồi cạnh người tên Thắng “Tư bầu”. Chưa kịp chào, Thắng “Tư bầu” hỏi ngay: “Chú làm gì ở đây?”. Tôi trả lời: “Em đi canh đội kiểm tra liên ngành cho xe cà phê chạy, mấy anh có thấy đội kiểm tra liên ngành còn làm việc không?”. Thắng trả lời: “Trên B. Sa (tức chân đèo Bảo Lộc – PV) ấy”. Tôi hỏi Thắng: “Anh cũng đi canh cà phê à?”. Thắng nhếch mép cười: “Bọn anh là lâm tặc, đi canh kiểm lâm”.
Thấy tôi tỏ vẻ lạ lùng, Thắng giải thích: “Bọn anh chở gỗ lậu, đi áp tải cho xe gỗ qua hạt kiểm lâm”. Tôi thắc mắc: “Xe anh chở gỗ lậu thì áp tải kiểu gì?”. Thắng cười lớn: “Xe chở gỗ của bọn anh không cần mang biển số và chẳng có cái xe nào có giấy tờ cả. Bọn anh áp tải là không cho xe gỗ lậu dừng khi bị kiểm lâm chặn lại!”.
Sau một hồi trò chuyện, Thắng không giấu giếm: Ở vùng đất Madagui này, anh có hơn 150 đàn em, hầu hết đã từng “bóc lịch” và sẵn sàng “dùng mọi cách” để xe chở gỗ vận chuyển trót lọt. Để tôi tin hơn, Thắng chỉ tay vào một đàn em tên Kha ngồi bên cạnh nói: “Thằng đó mới đi hai khóa (đi tù hai năm), giờ về đầu quân cho anh”. Theo Thắng, “dùng mọi cách” là dùng xe máy ép đứng xe của kiểm lâm, thậm chí lao thẳng xe gỗ vào “Đứa nào dám thổi còi”!
Đang trò chuyện, một chiếc xe tải lao vút ngang qua chốt kiểm lâm, Thắng nói: “Đó là xe chở gỗ lậu. Tất cả xe chở gỗ lậu đều là xe không hợp pháp. Trong trường hợp chống không lại kiểm lâm, bọn anh bỏ xe rồi mua lại khi họ thanh lý”.
Gần 30 phút sau xe gỗ đầu tiên, một xe tải chở gỗ tiếp theo chạy ngang qua trạm. Lần này có hai xe máy chạy trước và sau xe tải áp tải xe gỗ lậu. Khi xe tải chở gỗ qua trạm kiểm lâm an toàn, hai chiếc xe máy quay lại chờ chuyến hàng tiếp theo. Thắng cười với tôi: “Chú thấy chưa, xe của bọn anh chẳng cần giấy tờ gì mà cứ như xe ưu tiên vậy!”.
Mua gỗ lậu, bao vận chuyển
Sau lần canh đường, chúng tôi bày tỏ ý định mua một ít gỗ sử dụng, Thắng nói ngay: “Chú cần bất kỳ loại gỗ nào, bao nhiêu anh cũng đáp ứng. Sau khi xem gỗ và thống nhất giá cả, anh sẽ chở ra khỏi địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho chú”.
Liên tiếp hai ngày sau đó, Thắng dẫn chúng tôi vào các thôn của xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai để xem gỗ. Khi chúng tôi bày tỏ lo lắng vì gỗ không có giấy tờ, sợ khi vận chuyển sẽ bị kiểm lâm bắt giữ thì Thắng trả lời thẳng thừng: Ở đây mua gỗ lậu thì dễ chứ gỗ có giấy tờ thì không đào ở đâu ra được. Sau khi xem hàng loạt các điểm tập kết gỗ di động mà Thắng dẫn đi, chúng tôi lấy cớ về suy nghĩ lại rồi rút lui.
Đến ngày 7/3, chúng tôi theo chân một đại gia tên Mạnh ở TP Biên Hòa đi mua bộ ngựa (phản gỗ) do Thắng giới thiệu. Đúng hẹn, Thắng dẫn chúng tôi vào làng của đồng bào ở xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai. Xe ô tô dừng lại đầu cầu treo, Thắng gọi điện thoại cho một người đàn em chạy xe máy ra đón. Lần này, Thắng yêu cầu chỉ ai là người quyết định việc mua bán thì theo Thắng, những người còn lại ở ngoài chỗ đậu xe. Chúng tôi đành ở lại, chỉ một mình người mua gỗ theo Thắng vào làng.
Sau khi dẫn anh Mạnh đến hàng loạt gia đình lâm tặc để xem gỗ, anh Mạnh đồng ý mua ba bộ ngựa bằng gỗ cẩm thị (nhóm 1) loại ngựa đôi rộng gần 2 m, dài 3,2 m, dày 20 cm. Anh Mạnh cho biết: Ba bộ ngựa này có giá 135 triệu đồng là quá rẻ. Trên thị trường hiện tại, kiếm được bộ ngựa kích cỡ này gần như không thể. Cũng theo anh Mạnh, sau khi thống nhất sẽ mua ba bộ ngựa trên, phương án vận chuyển về TP Biên Hòa được Thắng vạch ra là dùng xe thư báo mà Thắng cho là mối làm ăn của Thắng. Chi phí vận chuyển là 10 triệu đồng và hẹn anh Mạnh “giao gỗ tận nhà mới lấy tiền và gỗ sẽ đến nhà trong đêm 8-3”.
Thắng “Tư bầu” chỉ là một trong nhiều mắt xích của đường dây vận chuyển gỗ lậu về xuôi.
Đưa cả xe quân đội vào chở gỗ lậu
Sau khi thỏa thuận, ngày 8/3, Thắng lại điện thoại, hẹn 22 giờ hôm sau giao gỗ. Tuy nhiên, chỉ mới 16 giờ, Thắng bất ngờ gọi cho Mạnh, bảo ra ngã ba Hố Nai đón xe chở gỗ. Đến nơi, chúng tôi thấy Thắng và hai đàn em đi trên một ô tô con áp tải chiếc xe tải chở ba bộ ngựa. Khi thấy xe tải chở gỗ chứ không phải xe thư báo như Thắng nói, Thắng giải thích phải bí mật thời gian, loại xe chở gỗ để phòng rủi ro. Sau lần giao dịch ba bộ ngựa cẩm thị, Thắng bán tiếp cho một người tên M. ở TP Biên Hòa 10 gốc cây xá xị loại to với giá 80 triệu đồng gồm cả công vận chuyển. Thắng cũng cam kết giao hàng tận nơi rồi mới lấy tiền. Ngày 25/3, Thắng dùng xe tải biển số đỏ TH 50-92 chở 10 gốc xá xị trên giao cho anh M. Khi chuyển gỗ từ xe tải đến điểm tập kết cho anh M., chúng tôi thấy một người mặc quân phục mang lon đại úy trực tiếp chỉ huy cho xe cẩu gỗ xuống đất… |
Kỳ sau: Những đội quân trộm gỗ. Rừng ở Lâm Đồng và Vườn quốc gia Cát Tiên đang nghèo kiệt vì những “đội quân” tấp nập vào rừng hạ gỗ cùng với cảnh nhộn nhịp của đội quân xe máy chở gỗ lậu ra khỏi rừng.