ThienNhien.Net – Hai tình huống khá cực đoan, cơn bão số 9 Ketsana năm 2009 và đợt hạn hán năm 2013 đã bóc trần những bất cập yếu kém trong việc khai thác các dòng sông ở miền Trung, nơi mà hầu hết các lưu vực sông rất dốc và nằm gọn trong lãnh thổ quốc gia. Sự phát triển bền vững của vùng đất này đòi hỏi một nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của một dòng sông, một phương thức quản lý lưu vực sông mang tính cộng đồng trách nhiệm và quyền lợi, và một quy hoạch phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, an cư lạc nghiệp của người dân và bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường.
Dòng sông một yếu tố động lực hàng đầu của phát triển
Năm yếu tố cơ bản của cuộc sống là nước, năng lượng, nông nghiệp, sức khỏe và đa dạng sinh học đều gắn chặt với dòng sông.
Dòng sông tích và chuyển nước cùng với phù sa, nhiều loài thủy sản và mang theo đó một nguồn năng lượng, thế và động năng, quý báu cho sự phát triển. Nếu dòng sông đổ ra biển, nó truyền tải vào năng lượng triều và tạo ra một vùng sinh thái nước lợ, đệm giữa vùng ngọt và vùng mặn.
Dọc theo sông và các phụ lưu, các kênh rạch của nó là địa bàn sinh sống của người dân với nhiều ngành nghề khác nhau, là nơi xây dựng các khu công nghiệp, tất cả đều phụ thuộc vào dòng sông.
Vì các lẽ trên đây mà dòng sông luôn là khởi điểm, là yếu tố động lực cho mọi dự án phát triển vùng và tiểu vùng, cũng như cho các dự án phát triển ngành (nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch…) trong vùng lãnh thổ đó.
Do vậy, một vùng lãnh thổ có được một dòng sông chảy qua là một điều may mắn cho vùng, cho người dân sinh sống ở nơi đó. Nhận thức này cần được nhấn mạnh để biết quý trọng dòng sông, khai thác nó đúng quy luật để nó đóng góp vào sự phát triển bền vững của vùng lãnh thổ.
Vấn đề đặt ra là phải bảo đảm giữa dự án phát triển vùng và những dự án phát triển ngành của vùng, giữa vùng và các vùng lân cận, có được sự hài hòa cần thiết để dòng sông không bị hủy hoại, để vùng không bị tai ương, để dòng sông “sống” với vùng, với con người và phục vụ con người.
Làm sao đạt được sự hài hòa này? Khai thác dòng sông để phát triển, đâu là những cột mốc cảnh báo giới hạn không được vượt qua?
Cân nhắc toàn diện những được và mất khi khai thác dòng sông
Dòng sông là một thành tố quan trọng của môi trường. Nó có cuộc sống của nó, trao đổi với môi trường với nhịp điệu của nó.
Khai thác dòng sông là tác động lên nó, từ đó sẽ phát sinh những mặt được và mất cần được cân nhắc, không phải chỉ trong một mùa, mà trong cả năm và trong nhiều năm; không phải chỉ trong điều kiện khí tượng thủy văn bình thường mà còn trong những trường hợp cực đoan.
+ Dòng sông sẽ chết nếu không có đủ nước. Chuyển nước của một dòng sông ra khỏi lưu vực của nó là một tác động có thể được ví như trích máu ra khỏi cơ thể của một con người.
Những dự án chuyển nước vì vậy cần phải được tính toán, thuyết minh rõ ràng các lợi ích mang lại và các thiệt hại cho dòng sông, cho hạ du, và cho các vùng có liên quan, những giới hạn khi chuyển nước và những nghĩa vụ tương ứng.
+ Mất rừng là mất nước. Mất rừng kéo theo hạ mức thủy cấp trong lưu vực, xói mòn, rửa trôi, lũ quét, thay đổi địa mạo của vùng, của lòng sông và chế độ thủy văn. Rừng đầu nguồn bị tàn phá là một mối đe dọa nặng nề đối với một dòng sông, nhất là ở các vùng nhiệt đới.
Nạn phá rừng đang là một tai họa đối với đất nước. Các tỉnh duyên hải miền Trung nằm trên một dải đất hẹp, độ cao từ núi tới biển chênh nhau từ vài trăm đến cả ngàn mét, giảm rất nhanh trong khoảng cách vài chục cây số theo đường chim bay. Ở dải đất này, những hậu quả của mất rừng khốc liệt hơn ở bất cứ địa bàn nào khác. Khả năng lưu vực bị sa mạc hóa là hiện thực.
Giữ rừng, nhất là ở những lưu vực có độ dốc cao là yếu tố quan trọng hàng đầu cho sự tồn vong của dòng sông và cho sự phát triển bền vững trong lưu vực.
+ Mỗi dòng sông, mỗi đoạn sông có một khả năng tự làm sạch khỏi những ô nhiễm thải vào nó. Khả năng này tùy thuộc vào nhiều thông số nhưng không phải là vô hạn. Nói một cách khác, mỗi dòng sông có một sức chịu tải về ô nhiễm. Đổ chất thải và nước thải sinh hoạt và công nghiệp không qua xử lý ra sông là đầu độc dòng sông mà cũng là đầu độc sự đa dạng sinh học trong đó có người dân.
+ Lợi dụng địa hình để khai thác thế năng dọc một dòng sông là việc làm đã có từ lâu đời trên thế giới. Tuy nhiên cần nhận thức đầy đủ hệ quả của việc xây dựng các đập thủy điện.
Nếu thu được thủy điện từ đập thì ở hạ du sẽ mất đi lượng động năng của dòng chảy trọng lực liên tục, thành tố của môi trường từ bao đời nay. Nhịp đập thủy văn – sinh thái ở nơi này, mực nước sông và các dao động của nó sẽ không còn theo mùa nữa mà tùy thuộc chủ yếu vào sự vận hành của các đập.
Do bị lắng đọng lại ở phía trước các hồ đập, hàm lượng các vật liệu trầm tích, phù sa và các chất dinh dưỡng trong nước ở phía sau đập giảm sút nhiều, dẫn đến một chuỗi các hậu quả về phía hạ lưu của các đập: sự suy giảm của lượng trầm tích, sự sụt lún của mặt đất canh tác không được bù đắp bằng phù sa nhận được, sự thay đổi về hình thái của lòng dẫn, ở vùng cửa sông, sự xói lở và sự sụt giảm lượng trầm tích lắng đọng dọc bờ biển của châu thổ.
Sự sụt giảm phù sa, các chất dinh dưỡng và các chủng loại thủy sản sẽ tác hại lên sự đa dạng sinh học, đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở hạ du, và cả đánh bắt thủy hải sản.
Sự xói lở và sự mất ổn định của đường bờ còn ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống giao thông thủy, bộ và địa bàn định cư của người dân.
Nếu xây dựng dọc một con sông nhiều đập thủy điện, tác hại không phải theo cấp số cộng. Dòng chảy liên tục theo triền sẽ bị thay thế bằng một chuỗi đập. Các tác hại liệt kê trên đây sẽ lớn hơn rất nhiều, cộng thêm nguy cơ vỡ đập dây chuyền. Nhưng quan trọng hơn cả là cái lợi là trước mắt, có thời hạn, trong khi những cái mất sẽ là vĩnh viễn không phục hồi được.
+ Các mặt lợi khi xây dựng cống ở vùng cửa sông để chống ngập triều và xâm nhập mặn, kết hợp với trữ nước ngọt phải được đối chiếu với những mặt tiêu cực mà trước tiên là hạn chế trong giao thông thủy, nạn ô nhiễm nguồn nước tích lũy trước đập, những tổn thất về đa dạng sinh học ở vùng lợ mặn cửa sông, sự xói lở đường bờ và khả năng thoát nước khi có lũ lớn trên thượng nguồn.
Từ nhận thức đến hành động. Một số kiến nghị.
1. Vai trò của dòng sông và hậu quả của việc khai thác nó như trên đã thấy, cần được nhận thức đầy đủ trong các cấp chính quyền và trong cả hệ thống chính trị. Đây là yếu tố cần thiết cho sự đồng thuận giữa các ngành, các cấp, các địa phương trong quy hoạch khai thác dòng sông và lưu vực của nó, không để cái lời trước mắt, cục bộ triệt tiêu cái lợi lâu dài.
2. Trên những lưu vực có triền dốc cao, như trường hợp ở miền Trung, công tác quy hoạch thủy lợi, thủy điện càng phải được tính toán thật kỹ và tổng hợp về các yếu tố địa chất, thủy văn, thủy lực, với tần suất đảm bảo an toàn cao. Quy trình tích nước và điều tiết nước được tính toán không chỉ vì lợi nhuận kinh tế mà phải thỏa mãn ba yêu cầu: tăng trưởng kinh tế, an cư lạc nghiệp của người dân, và bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường trong lưu vực. Nếu một đập thủy điện không thể đáp ứng được ba yêu cầu trên thì gạt ra khỏi quy hoạch. Báo cáo tác động môi trường phải thực sự có chất lượng và phải được phê duyệt đúng với quy định của pháp luật.
3. Quản lý một dòng sông theo lưu vực đã được đề cập từ nhiều năm nay. Vấn đề là phải triển khai và xác định chức năng, nhiệm vụ và thành phần của Ban quản lý lưu vực sông. Mọi quyết định về quy hoạch trong lưu vực phải có sự đồng thuận của Ban này. Điều cốt tử là phải có tiếng nói của người dân sinh sống trong lưu vực, của các nhà khoa học trong Ban quản lý, và Ban này làm việc với tinh thần cộng đồng về trách nhiệm và quyền lợi.
4. Những công trình được xây dựng trong các quy hoạch phải đứng vững và hoạt động tốt trong nhiều thập kỷ nếu không phải là lâu hơn nữa. Như vậy, không thể không đặt dòng sông và vùng lãnh thổ, cũng như các quy hoạch phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học, vào bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra, điều mà tới nay hầu như chưa được thực sự triển khai (1).
5. Cách quản lý và khai thác các dòng sông thể hiện quan điểm và cách tiếp cận của Nhà nước Việt Nam trong việc khai thác tối ưu một dòng sông vì sự phát triển bền vững.
Lưu vực của các con sông ở miền Trung là hình ảnh thu nhỏ của lưu vực sông Mêkong. Khác biệt chính yếu là lưu vực của chúng nằm gọn trong lãnh thổ quốc gia. Hãy quản lý và khai thác tốt các lưu vực sông nơi đây. Những kinh nghiệm và bài học thu được là cơ sở vững chắc để đàm phán với các nước trong lưu vực sông Mêkong nhằm mục đích cùng phát triển một cách bền vững.
1. Điều này trùng hợp với quan điểm của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. (Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02.12.2008).