ThienNhien.Net – Chưa biết tính khả thi và hiệu quả đến đâu, nhưng các tập đoàn nhà nước và một số địa phương đang làm các “siêu” dự án (DA) lọc hoá dầu với tổng vốn đăng ký lên tới cả chục tỷ USD. Thậm chí, có “siêu” DA 28 tỷ USD.
Dự án lớn nhất thế giới về làng
Không ít người đã choáng khi nghe tới số tiền đầu tư của DA nhà máy lọc hoá dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định), dự án được đánh giá là lớn nhất thế giới (với tổng vốn đăng ký 28 tỷ USD), do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) làm chủ đầu tư.
Theo đề xuất của PTT, DA sẽ được xây dựng trên diện tích 2.000ha, công suất dự kiến 660.000 thùng dầu thô/ngày (khoảng 30 triệu tấn/năm). Nguồn dầu thô của nhà máy sẽ được nhập khẩu 45% từ Trung Đông, 25% từ châu Phi và còn lại từ Nam Mỹ.
Theo công bố, khi đi vào hoạt động, nhà máy của PTT sẽ sản xuất khoảng 11 sản phẩm lọc dầu (khí hóa lỏng, xăng 92, 95, Jet A1, dầu DO…) và 10 sản phẩm hóa dầu khác (LLDPE, Poly-propylene, DEG…).
Thị trường tiêu thụ chính là Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Thời gian xây dựng cần thiết khoảng 3,5 năm. Nếu được thông qua, DA sẽ bắt đầu khởi công vào quý 1/2016, xây dựng và đi vào hoạt động năm 2019.
Ngoài ra, những năm gần đây, một loạt các DA lọc hoá dầu đã được bổ sung vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025.
“Về cơ bản, địa phương cũng chưa vội vàng mặc dù từ trước đến nay chưa có cơ hội nào để tiếp cận với những dự án lớn tầm cỡ 28 tỷ USD thế này” – Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định |
Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ngoài Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động (công suất thiết kế 6,5 triệu tấn/năm, hiện đang cung cấp 30% lượng xăng dầu tiêu thụ cả nước), cũng là chủ đầu tư của nhiều DA lọc hoá dầu lớn như Nghi Sơn (Thanh Hoá) 9 tỷ USD, tổ hợp hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) 4,5 tỷ USD.
Có thể nói, lọc hoá dầu Nghi Sơn là DA có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Theo tính toán, nếu Nghi Sơn (công suất thiết kế giai đoạn một là 10 triệu tấn/năm) đi vào hoạt động, cùng với Dung Quất, sẽ đóng góp 50% lượng tiêu thụ xăng dầu nội địa mỗi năm.
Bên cạnh PVN, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng được giao triển khai xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Nam Vân Phong (Khánh Hòa). Dự kiến, công suất thiết kế của nhà máy này khoảng 200.000 thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm). Đây là DA có số vốn dự kiến ban đầu từ 4,4-4,8 tỷ USD, sử dụng 300 ha mặt đất và 300 ha mặt biển.
Không vội vàng với siêu dự án
Nhiều chuyên gia về năng lượng cho rằng, để thẩm định một DA lọc hoá dầu không đơn giản (ví dụ DA gần 10 tỷ USD Nghi Sơn cũng cần 10 năm). Qua theo dõi việc xây dựng Nhà máy Dung Quất, cũng như quá trình xúc tiến các thủ tục đầu tư, xây dựng DA Nghi Sơn cho thấy, thời gian để một DA chính thức xây dựng thường kéo dài do vướng mắc bởi nguồn vốn đầu tư.
Có DA như lọc dầu Cần Thơ, được chấp thuận từ tháng 4/2008, nhưng sau khi phải điều chỉnh quy mô từ hơn 500 triệu USD xuống 350 triệu USD và có một đối tác rút lui. Tới nay, DN vẫn chưa biết bao giờ sẽ triển khai. DA Nhà máy lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên) cũng đang trong giai đoạn rục rịch triển khai trở lại sau một thời gian dài khó khăn.
Với “siêu” DA 28 tỷ USD tại Bình Định, mới đây, UBND tỉnh này cũng đã bày tỏ ra lo lắng về khả năng thu xếp vốn của Tập đoàn PTT. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hữu Lộc – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, để trình Thủ tướng, địa phương đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn PTT giải trình một số nội dung liên quan (đến DA). Theo ông Lộc, “siêu” DA này được PTT đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội đầu năm 2013.
“Về cơ bản, địa phương cũng chưa vội vàng, mặc dù từ trước đến nay chưa có cơ hội nào để tiếp cận với những DA lớn tầm cỡ 28 tỷ USD thế này” – ông Lộc nói.
Cũng theo ông Lộc, để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư lớn hơn nữa về lâu dài, UBND tỉnh buộc phải yêu cầu Tập đoàn PTT làm rõ các nội dung: Việc cân đối cung – cầu sản phẩm lọc hóa dầu của Việt Nam và phương án tiêu thụ sản phẩm; phương án cung cấp dầu thô dài hạn; các hạng mục công trình biển cần thiết cho DA; tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế; khả năng thu xếp vốn… “Sắp tới, đích thân tôi và đại diện các ban ngành chủ chốt của tỉnh sẽ có chuyến công tác sang Thái Lan để cùng với PTT ngồi lại thống nhất nội dung giải trình, làm cơ sở trình Chính phủ quyết định chủ trương có đầu tư DA hay không” – ông Lộc nói.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, với trữ lượng dầu được công bố, nếu không có thêm các mỏ mới, sản lượng khai thác dầu thô Việt Nam bình quân hiện nay chỉ khoảng 14-15 triệu tấn dầu/năm.
Nếu khai thác thêm được các mỏ mới ngoài khơi, con số có thể sẽ tăng lên, nhưng việc dành trữ lượng dầu thô chỉ riêng cho DA Dung Quất đã quá nhiều. Do đó cung cấp thêm cho các nhà máy lọc dầu khác sẽ không đủ.
Theo ông Ngãi, nhiều DA lọc hóa dầu đều tính tới phương án nhập khẩu dầu thô từ các nước Trung Đông, Nam Mỹ. Sản phẩm sản xuất ra cũng sẽ hướng tới xuất khẩu và có thể một phần tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, việc nhập dầu thô nước ngoài để lọc dầu trong nước rất tốn kém, sản phẩm sẽ đắt hơn so với xăng dầu nhập về từ nước ngoài. Việc xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu là cần thiết để Việt Nam tự chủ dần nguồn xăng dầu trong nước, cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho ngành dầu khí. Nhưng cần cân nhắc và tính toán kỹ về số lượng.
Một chuyên gia kinh tế khác cũng cho biết, nếu tất cả các DA lọc hóa dầu lớn hiện nay đi vào hoạt động, tổng công suất thiết kế sẽ xấp xỉ khoảng 60 triệu tấn/năm (gồm cả sản phẩm xăng, dầu diezen và khí hóa lỏng). Hiện, lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân khoảng 15 triệu tấn/năm.
Theo dự báo, giai đoạn 2011-2015, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước cũng chỉ dao động từ 15-20 triệu tấn/năm, tổng nhu cầu đến năm 2025 là 27 triệu tấn/năm. Như vậy, công suất các DA có thể sẽ gấp đôi nhu cầu tiêu thụ trong nước dẫn đến cung vượt cầu.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2011-2015, tìm kiếm, thăm dò dầu khí sẽ gia tăng trữ lượng 35-45 triệu tấn/năm; giai đoạn 2016-2025 sẽ gia tăng trữ lượng đạt 35-45 triệu tấn/năm. |