ThienNhien.Net – Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 4 công trình thủy điện lớn, gồm: A Vương, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4 và Sông Bung 4, cùng hàng chục công trình thủy điện vừa và nhỏ.
Đến nay, có hơn 2.000 hộ dân đã phải di dời nhà cửa, nhường đất xây dựng thủy điện. Tuy nhiên, 11 khu tái định cư cho dân vùng lòng hồ đang rơi vào cảnh lúng túng, vì thiếu các điều kiện cần thiết để ổn định lâu dài và phát triển bền vững…
Đua nhau xây nhà to, mua sắm từ… tiền đền bù
Từ trụ sở UBND xã Tà Pơ (huyện Nam Giang, Quảng Nam), chiếc ôtô hai cầu phải mất gần hai tiếng đồng hồ theo đường núi quanh co mới vào được khu tái định cư (TĐC) thôn 2. Dọc con đường bê tông mới làm, những ngôi nhà hai tầng, cột gỗ, tường xây kiên cố, đẹp và hiện đại hiện ra giữa núi rừng đại ngàn.
Ông Nguyễn Minh Chiến, cán bộ Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4 cho biết: Khu TĐC thôn 2 gồm 53 hộ dân vùng lòng hồ, di dời lên đây được hơn một năm.
Theo quy định, hộ dưới 5 nhân khẩu được hỗ trợ 141 triệu đồng để làm nhà, hộ có từ 5 – 7 nhân khẩu được hỗ trợ 161 triệu đồng và hộ có 8 nhân khẩu trở lên sẽ được chia tách làm 2 hộ, được hưởng hỗ trợ theo khung quy định.
Mỗi hộ được phép khai thác 10m3 gỗ tận thu để làm nhà. Kể cả tiền đền bù nhà cửa, đất vườn, hoa màu… bình quân mỗi hộ nhận đền bù 1,7 tỷ đồng. Trong đó, hộ ít nhất là 300 triệu đồng, hộ nhiều nhất xấp xỉ 3 tỷ đồng.
Rút kinh nghiệm từ các khu TĐC trước đây, trên cơ sở các mô hình đã thiết kế, người dân được lựa chọn mô hình nhà ở, được quyền yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà, hoặc dân tự làm với điều kiện cam kết về quy mô và giá trị xây dựng theo quy định. Tuy nhiên, thay vì tiết kiệm tiền hỗ trợ đền bù để đầu tư làm ăn thì hầu hết người dân nơi đây lại bỏ tiền vào xây dựng nhà cửa từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, gây nên tình trạng lãng phí rất lớn.
Ngay cả Bí thư Đảng ủy xã Tà Pơ, ông Pơ Loong Lênh cũng làm đến hai ngôi nhà 2 tầng rất lớn ngay đầu thôn. Ông Hốih Điêng, một người lớn tuổi trong thôn cũng trong trường hợp tương tự, bản thân ông cũng không nhớ mình nhận được bao nhiêu tiền đền bù, xây nhà hết bao nhiêu. Hiện tại, gia đình ông có 4 người đang sống trong một căn nhà gỗ hai tầng lớn, bề thế, số gỗ làm nhà ước chừng phải 20 – 30m3.
Mặc dù thôn 2 ở khá biệt lập, cách trung tâm xã và quốc lộ 14D gần 30km, việc vận chuyển hàng hóa, dịch vụ rất hạn chế, nhưng trong thôn có đến ba hộ gia đình sắm ôtô tải, 2 hộ có xe con.
Ông Tơ Ngôl Kía, Chủ tịch UBND xã Tà Pơ cho rằng, khi người dân nhận tiền đền bù hỗ trợ, chủ đầu tư cùng chính quyền địa phương đã tuyên truyền, tư vấn các phương thức thực hiện tiết kiệm, chi tiêu hợp lý. Tuy nhiên, do địa bàn cách trở, cộng với nếp nghĩ giản đơn “có tiền thì làm nhà to”, nên hầu hết người dân không tính đến sinh kế lâu dài, địa phương cũng không thể can thiệp quá sâu vào chi tiêu gia đình của dân.
Không chỉ 53 hộ dân TĐC ở thôn 2, mà gần 200 hộ ở 3 khu TĐC Pà Rum A, Pà Rum B và Pà Đhí, thuộc dự án thủy điện Sông Bung 4 cũng đang xảy ra tình trạng như trên…
Để xây dựng công trình Thủy điện A Vương, cuối năm 2004, Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 khẩn trương triển khai xây dựng các khu TĐC, di dời gần 1000 hộ dân của 2 huyện Đông Giang và Tây Giang (Quảng Nam). Đó là các khu TĐC Pache-Palanh và Kurt-Chrun (xã Mà Cooih, Đông Giang); Alua và K’la (xã Dang, Tây Giang).
Ngay từ khi triển khai, do thiếu sâu sát, không quan tâm đến tập tục sinh hoạt của người dân, Ban Quản lý dự án thủy điện 3 chỉ làm việc với cán bộ huyện và xã, tự chọn địa điểm TĐC, xây nhà cho dân theo khuôn mẫu định sẵn.
Xây xong, hàng trăm ngôi nhà sàn bằng bê tông, tường gạch, mái lợp tôn, giống nhau theo kiểu “nhà ống” ở đô thị, san sát từng dãy chênh vênh trên sườn núi, làm cho các khu TĐC nói trên trở nên hoàn toàn xa lạ với tập quán sinh hoạt, ăn ở, đi lại, sản xuất, chăn nuôi… của người dân tộc Cơ Tu.
Sườn núi độ dốc lớn, được san ủi trong thời gian ngắn, địa chất chưa ổn định, kè chắn chưa kịp xây, hệ thống thoát nước mưa và nước thải cũng chỉ làm tạm bợ thì nhà đã xong và đưa dân vào ở. Chỉ một trận mưa rừng kéo dài đã gây sạt lở đường sá, nhà cửa, sân trường, trụ sở…
Luẩn quẩn đói ăn và phá rừng
Thực tế các khu TĐC cho dân vùng giải tỏa để xây dựng Thủy điện A Vương, như: Pache-Palanh và Kurt-Chrun (xã Mà Cooih, Đông Giang); Alua và K’la (xã Dang, Tây Giang), sau khi bà con đến ở, chủ dự án mới san ủi những quả đồi gần đó, cày xới thành đất rẫy. Tuy nhiên, đất có độ dốc lớn, kém màu mỡ, lại không có hệ thống thủy lợi nên không thể gieo trồng được. Vì vậy, gần bảy năm nay đời sống người dân ở cả 4 khu TĐC đều khó khăn, Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 và chính quyền địa phương thường xuyên phải cấp gạo cứu đói cho dân.
Ông Briu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng: “Cái gốc của sự thiếu bền vững ở các khu TĐC thủy điện tại Tây Giang nói riêng, Quảng Nam nói chung là thiếu đất sản xuất và xây dựng sai cấu trúc văn hóa thôn bản vùng cao”.
Để ổn định lâu dài cho dân, huyện Tây Giang phải chắt bóp từ nhiều nguồn, lồng ghép các chương trình, dự án, chi hơn 40 tỷ đồng xây dựng hai khu tái định cư lần hai cho người dân ở Alua và K’la…
Nhưng, thiếu đất sản xuất không phải là vấn đề cá biệt của một số khu TĐC cho dân vùng giải tỏa để xây dựng Thủy điện A Vương, qua khảo sát tất cả các khu TĐC cho dân vùng lòng hồ thủy điện ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đều cho thấy, hầu hết đều không có đất sản xuất. Các phương án bố trí quy hoạch TĐC, giải pháp dự phòng đất thổ cư, đất sản xuất không được chủ đầu tư đề cập đến.
Do địa hình khu vực bố trí các khu TĐC phần lớn là đồi núi, độ dốc lớn, nên việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi kết hợp khai hoang ruộng nước để cấp cho dân rất hạn chế. Đất sản xuất chủ yếu là nương rẫy, nhưng diện tích bình quân chỉ bằng 1/3 so với diện tích nơi ở cũ, đa phần bạc màu, cằn cỗi, năng suất cây trồng rất thấp, sản lượng thu hoạch không đáng kể.
Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết: Cả xã có 431 hộ từ lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 lên đây TĐC từ 2007 – 2008, chia thành năm thôn mới và một số hộ ở xen ghép với bà con thôn cũ. Hiện đời sống người dân vẫn hết sức khó khăn, phần vì động đất liên tục xảy ra, làm hư hại nhà cửa, làm người dân luôn lo sợ, nhưng cái chính là không có đất sản xuất.
Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án thủy điện 3 không tổ chức khai hoang đất sản xuất cho dân, mà với sự đồng tình của chính quyền huyện, thỏa thuận chi trả tiền mặt để dân tự tìm đất, khai hoang. Vậy là, để có đất sản xuất, hàng trăm hộ dân vào rừng chặt cây, làm rẫy, khiến tình trạng phá rừng phòng hộ Sông Tranh ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Hồ Văn Chanh, 36 tuổi ở thôn 5, xã Trà Bui, bộc bạch: “Từ khi lên đây, mỗi năm mình khai hoang khoảng một ha rẫy. Biết là phá rừng, là sai, cán bộ xã cũng nhắc nhở, nhưng không làm thì biết lấy cái chi mà ăn”. Thống kê cuối năm 2012 của UBND xã Trà Bui cho thấy, người dân đã phá hơn 70ha rừng phòng hộ Sông Tranh.
Ngoài ra, một lượng lớn gỗ bị dân vào chặt trộm, phần để làm thêm nhà cửa, phần để mưu sinh. Mặt khác, các khu TĐC thủy điện sông Tranh 2 ở xã Trà Bui đều nằm sát khu vực rừng đầu nguồn.
Khi thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng 745 ha rừng để cấp cho dân sản xuất, thực chất là phá rừng, thu hẹp rừng phòng hộ, không chỉ làm nghèo tài nguyên rừng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ nước cho chính hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Tranh sau này. Nhưng để có đất sản xuất, sau nhiều lần bàn bạc, cân nhắc, tỉnh Quảng Nam đã phải ra quyết định thu hồi 745 ha đất rừng phòng hộ, chuyển đổi thành đất sản xuất để cấp cho dân gieo trồng, từng bước giải quyết đời sống ổn định, bền vững cho người dân. |