ThienNhien.Net – Càng sản xuất càng lỗ là thực trạng khi nhà máy Tân Rai đi vào sản xuất. Thực tế này đã được các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế cảnh báo. Theo tính toán của giới chuyên gia, với tổng mức đầu tư khoảng 900 triệu USD cho những dự án nhà máy alumin ở Tây Nguyên, tính ra mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh khoảng 10 USD nợ.
Với công suất 650.000 tấn alumin/năm, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang vô cùng kỳ vọng vào hai nhà máy alumin (trong đó nhà máy Tân Rai đã đi vào sản xuất, còn nhà máy Nhân Cơ đang trong giai đoạn “rục rịch”) sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế lớn cũng như giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng không nhỏ người lao động. Vậy nhưng, thực tế hiện nay ra sao? Thua lỗ và tồn kho – khác hẳn với bức tranh tương lai tươi sáng mà Vinacomin vẽ ra. Sự thật này đã hiển hiện khi nhà máy Tân Rai sản xuất ra những mẻ alumin đầu tiên và phải chấp nhận bán dưới giá thành sản xuất.
Theo Bộ Công thương, giá thành sản xuất alumin tháng 12/2012 là 333 USD/tấn trong khi giá bán chỉ khoảng 326,5 USD/tấn. Lỗ đã rõ, nhưng đáng quan ngại hơn, alumin sản xuất ra còn không bán được, tồn kho đến hàng chục ngàn tấn. Đây là thực trạng đang diễn ra tại nhà máy Tân Rai. Được biết, hiện tại, kho của nhà máy tuyển quặng đang tồn 40.000 tấn quặng tinh, nhà máy alumin tồn kho 20.000 tấn do chưa bán được. Tồn kho lớn như vậy nhưng nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động, mỗi ngày sản xuất khoảng 1.000 tấn. Và trên thực tế, nhà máy này còn chưa có được một hợp đồng xuất khẩu nào với các đối tác nước ngoài, sản xuất ra chủ yếu chỉ tiêu thụ trong nước với số lượng ít ỏi.
Lỗ, tồn kho, hàng ngàn công nhân của nhà máy Tân Rai đang trong tình trạng thấp thỏm vì “người thừa, việc thiếu”…, điều này đồng nghĩa với những viễn cảnh mà Vinacomin vẽ ra đang tắt lụi dần. Thực trạng này liệu có thức tỉnh được các nhà làm quản lý qua khỏi “cơn mê”? Bởi cách đây chưa lâu, nói về thực trạng nhà máy Tân Rai càng sản xuất càng lỗ, bán dưới giá thành, đại diện Bộ Công thương, vị Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, ông Nguyễn Mạnh Quân vẫn còn rất kỳ vọng vào sự khởi sắc của Tân Rai rằng, giá alumin sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế hồi phục. Tuy nhiên, chưa bàn đến chuyện tương lai giá alumin có tăng trở lại hay không, chỉ nhìn qua “cái cốt” của vấn đề, cũng thấy, các dự án bauxite đã lỗ ngay từ khi còn là ý tưởng.
Chỉ nói riêng về việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đường vận chuyển phục vụ cho hai dự án này cũng đã thấy những đánh đổi là quá chênh lệch. Một chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, kinh nghiệm của các nhà khai khoáng trên thế giới cho thấy, không một quốc gia nào thực hiện vận chuyển khoáng sản bằng ô tô trên một quãng đường dài hàng trăm cây số như ở ta. Chắc chắn, bản thân Vinacomin cũng hiểu rõ rằng, để phục vụ cho các dự án bauxite này, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng phải vô cùng lớn. Nó đòi hỏi phải xây dựng cảng biển khổng lồ với số vốn đầu tư cũng không hề nhỏ. Trong khi ai cũng biết, với điều kiện kinh tế hiện nay ở nước ta, lấy đâu ra vốn và đất đai xây dựng một hệ thống đường sắt khổng lồ hay đường bộ chuyên dụng như vậy chỉ để phục vụ cho một mục đích duy nhất: Đào bauxite để chưng tách thành quặng sơ chế alumina rồi xuất cho nước ngoài (?)
Còn nếu chi tiết hơn, cái lỗ thực tế mà các nhà máy sản xuất alumin đang gánh chịu không chỉ là chuyện giá bán, không chỉ là chuyện tồn kho, chưa có hợp đồng xuất khẩu (trong khi mục tiêu là sản xuất để xuất khẩu – PV), còn là do đang sử dụng công nghệ Trung Quốc nên tỉ lệ thu hồi alumin trên quặng chỉ khoảng 85%. Bên cạnh đó, việc chậm tiến độ, tăng chi phí cũng là nguyên nhân khiến tăng giá thành, giảm hiệu quả dự án.
Một loạt những “thảm cảnh” của “dự án con cưng” đã được phơi bày. Vậy nhưng những mục tiêu được đặt ra cho các dự án alumin đã và đang tiếp tục được thực hiện. Thực hiện kể cả khi những thiệt hại về kinh tế đã hiển hiện ra trước mắt, đó còn chưa kể đến những nguy cơ ô nhiễm môi trường mà các dự án bauxite sẽ gây ra.
PGS.TS Hoàng Chung Thẩm – chuyên gia lĩnh vực độc học môi trường, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Loyola, Chicago (Mỹ) khi trao đổi với Đại Đoàn Kết về những dự án bauxite Tây Nguyên đã đặt câu hỏi: Khi những dự án bauxite xây dựng mà phải đánh đổi bằng môi trường sống và sức khỏe người dân, trong khi không mang lại hiệu quả kinh tế, thì lý do gì chúng ta lại vẫn tiếp tục thực hiện nó?