ThienNhien.Net – Năm 2012, không biết bằng cách nào một số cai vàng người Thái Nguyên… phát hiện dưới lòng đất của đồi Khe Hạng trong đại ngàn Pù Huống, thuộc bản Huổi Máy, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An có trữ lượng vàng lớn.
Họ lập tức cấu kết với một số dân địa phương tổ chức khai thác trái phép. Người dân cho biết: Lúc cao điểm, ngọn đồi này có từ 700-1.000 phu vàng, biến nơi đây thành một “công trường” tấp nập suốt ngày đêm.
Cận cảnh đồi khe hạng
Đồi Khe Hạng thuộc khoảnh 3, tiểu khu 144, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, nằm cách bản Huổi Máy khoảng 8km. Từ trung tâm xã Cắm Muộn, chúng tôi luồn rừng, lội suối cuốc bộ mất gần 8 tiếng đồng hồ mới vào đến đồi Khe Hạng.
Bà con dân tộc Thái ở đây cho biết: Vàng sa khoáng rải rác khắp nơi, ngay dưới con đường chúng tôi đi và dưới các khe suối đều có vàng. Bởi thế, từ hàng chục năm qua đồng bào nhà nào cũng có các dụng cụ khai thác thủ công. Do mạnh ai nấy làm nên chỗ nào họ cũng đào đãi, được ít thì bỏ, chỗ nào đãi được nhiều lại xúm lại khoét rộng ra xung quanh khiến con đường vốn đã nhỏ lại nham nhở, khó đi.
Hầm vàng mọc san sát, chỉ được chống đỡ sơ sài
Do vàng sa khoáng có mặt khắp nơi nên khi khe suối cạn kiệt hoặc đã có chủ bà con quay sang đào bới, xới tung cả ruộng lúa nước, khu dân cư của bản, thậm chí khoét cả khu vực quanh nhà mình đang ở để tìm vàng…
Để tìm vàng sa khoáng dọc các khe suối nhanh và hiệu quả hơn, một số cai vàng đem theo các thiết bị máy móc và thuê phu vàng về khai thác một cách ồ ạt. Khi họ rút quân về, bỏ lại trên mặt đất và các khe suối chi chít hố lớn, nhỏ trông như một bãi chiến trường. Không hoàn thổ, các ụ đất đá ngày một chất cao như núi, cản trở dòng chảy khiến nước lũ xói lở khắp nơi. Môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Mùa này nước dưới lòng suối chảy qua xã Cắm Muộn nhuộm một màu bùn đỏ, đặc quánh.
Nằm cách trung tâm xã và các bản làng hàng chục km đường rừng, từ lâu đồi Khe Hạng bị lọt thỏm giữa đại ngàn với bốn bề điệp trùng cây cao, bóng cổ, chả mấy ai chú ý. Từ khi phát hiện đồi Khe Hạng có nhiều vàng, nhiều đối tượng người ngoại tỉnh mò vào đây khai thác đã khiến nơi đây bị đảo lộn…
Ông Lô Văn Nhuệ, một phu đào đãi vàng, người bản Cắm, xã Cắm Muộn nói với chúng tôi: “Đồi Khe Hạng đã bị một số cai vàng người Thái Nguyên thuê người vào đây khai thác đã được 1 năm nay. Họ đào được nhiều lắm! Cho tới tận mồng 6 Tết Quý Tỵ thì dân bản mới biết người ta đào vàng trong đấy. Thấy họ được nhiều, ta cũng liều bán một con trâu, mua cái máy đưa vào đây để đào…”.
Ông Nhuệ cho biết thêm: “Dân các bản đi làm thuê cho đám cai vàng Thái Nguyên được trả 150 nghìn đồng/ngày. Họ dựng lán giữa rừng, chặt gỗ rừng cưa lấy ván lót nền để ăn ở qua đêm. Ai nấy hì hục đào từ sáng tinh mơ đến sẩm tối. Những ngày nắng ráo người ta còn nổ máy lấy điện để đào đãi tận khuya”.
Cỗ máy khai thác vàng bị bỏ lại bên bờ suối
Ông Lô Văn Toại, một phu đào vàng người bản Pà Pản mặc bộ quần áo lao động lấm lem đất đỏ, cho biết: “Bản ta có nhiều người đi đào vàng thuê lắm. Đi làm bữa nào, người ta trả tiền bữa đó, cứ đến cuối buổi chiều là có người đến đưa tiền công. Còn người đó tên gì, người ở đâu thì ta cũng không biết”.
Đám chị em phụ nữ trong các bản không thể “xuyên” mình vào lòng đất để đào vàng như cánh mày râu thì hàng ngày đua nhau “cõng” lương thực, thực phẩm, xăng dầu… từ trung tâm xã vào tận đỉnh Khe Hạng cho đám cai vàng để lấy tiền công. Mỗi ngày, họ gùi trên lưng được một chuyến khoảng 40-50 kg và được nhận một khoản tiền công kha khá trên dưới 400 nghìn đồng.
Có khi một bữa làm, hai ba bữa nghỉ, vất vả cực nhọc, nhưng để có đồng thu nhập đã khiến hầu hết bà con bản Cắm, bản Pà Pản và các bản lân cận bỏ nương rẫy, đàn ông khỏe mạnh làm phu đào vàng, phụ nữ sung vào đội quân vận chuyển nhu yếu phẩm cho các cai vàng.
Đứng từ trên cao nhìn xuống, đồi Khe Hạng chi chít như những hố bom, ngổn ngang đất đá, cành cây, những căn lều được dựng lên tạm bợ, nhếch nhác hệt một bãi chiến trường sau những trận bom. Các hầm được bố trí san sát, ăn xuyên ra cả rìa ngọn đồi, tất cả đều được khoét hàm ếch sâu vào lòng đất. Chúng tôi đếm thử số hầm hào lớn nhỏ ngót nghét trên 100 hố.
Đan xen giữa các điểm đãi vàng là hệ thống quán dịch vụ ăn theo, cung cấp đủ các nhu yếu phẩm như nước giải khát, rượu, bia, mì ăn liền, thuốc lá, xăng, dầu diezen… cho đám phu vàng. Đám phu vàng từ đàn ông đến đàn bà, cả trẻ em, khi đã chấp nhận vào đây đều liều mình như chẳng có, bất chấp mọi hiểm nguy rình rập. |
Quan sát kỹ hiện trường tôi bỗng rùng mình khi chứng kiến những chiếc hầm sâu từ 3 đến 8 mét ăn sâu vào lòng đất rồi khoét rộng ra xung quanh. Thế nhưng phía ngoài chỉ có vài ba khúc gỗ ngọn chống đỡ yếu ớt và chiếu lệ. Phía trên phần đất đá lộ thiên đã có nhiều đường nứt nẻ một cách đáng sợ. Chỉ cần sơ suất một tý là có thể độ ập xuống đầu số phu đào vàng đã khoét đất ở phía dưới lòng đất bất cứ lúc nào.
Từ trên mặt đất chúng tôi liều nhảy xuống một cái hầm “dế”, căng mắt ra nhìn vẫn không thấu đáy, bóng tối từ lòng đất gợi lên một cảm giác rùng mình, ghê rợn. Chỉ cần một vài trận mưa, cả khu đồi này sẽ biến thành bãi đất trống, nhão nhoét vùi lấp tất cả những gì hiện đang tồn tại trên mặt đất và dưới lòng đất sâu.
Đan xen vào những đám đất trống phía dưới đã có một số chỗ đã bị khoét rỗng là các bể nước được che chắn bằng bạt dùng để dự trữ nước sinh hoạt và để đãi vàng, nước chảy lênh láng ra xung quanh, mùi hôi thối ở đâu đó bốc lên nồng nặc…
Một phu vàng nói với chúng tôi: Nguồn nước dùng để đãi vàng được dẫn từ một ngọn núi cách khu vực đào vàng khoảng 2 km bằng hệ thống ống dẫn nước kiên cố. Nghe nói để có nước đãi vàng, mỗi “cai” vàng phải trả cho “cai” nước không dưới 1 triệu đồng/ngày. Vì tranh dành nguồn nước đã có không ít cuộc ẩu đả xảy ra.
(Còn nữa)