ThienNhien.Net – Công ty Lilama EME xử lý chất thải công nghiệp đưa vào sản xuất gạch không nung phục vụ xây dựng.
Quy hoạch đúng, xây dựng chưa đồng bộ
Khu xử lý chất thải rắn của Khu kinh tế Dung Quất được Chính phủ quy hoạch và phê duyệt có tổng diện tích 19,28 ha tại địa điểm xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Dự án xây dựng trong giai đoạn một gần khu dân cư xã Bình Chánh, diện tích gần 13 ha do Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 30 tỷ đồng. Công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp thông thường; xử lý nước rỉ rác thải theo công nghệ sinh-hóa-lý kết hợp, công suất 24 m3/giờ; tiêu chuẩn nước thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Chất thải nguy hại được xử lý bằng lò đốt hai cấp, nhiệt độ 1.100 độ C. Công trình được thiết kế xử lý từ 50 đến 100 tấn/ngày đối với rác thải sinh hoạt; 25 nghìn tấn/năm đối với chất thải công nghiệp và 30 nghìn tấn/năm đối với chất thải nguy hại.
Tháng 4/2007, hệ thống xử lý chất thải rắn giai đoạn một đã hoàn thành đưa vào vận hành và sau đó tỉnh Quảng Ngãi đã giao Công ty Lilama EME tiếp nhận toàn bộ công trình và thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cho các hộ dân ở huyện Bình Sơn (chủ yếu các xã Bình Chánh, Bình Thạnh, Bình Ðông, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải, Bình Nguyên, thị trấn Châu Ổ) và hợp đồng vận chuyển, xử lý rác thải công nghiệp, nguy hại cho hơn 60 doanh nghiệp tại Khu kinh tế Dung Quất. Hoạt động của công ty là bảo đảm xử lý môi trường trên Khu kinh tế Dung Quất.
Tuy nhiên, hiện nay do giai đoạn hai của dự án chưa được triển khai, cho nên hạ tầng khu xử lý chất thải rắn ở Bình Nguyên xây dựng chưa đồng bộ. Ngay khu chôn lấp chất thải công nghiệp, nguy hại cũng chưa ổn định, còn làm tạm kho chứa gần nơi sản xuất gạch không nung. Riêng chất thải, nước thải sau khi xử lý đạt chuẩn môi trường Việt Nam (loại B) dự kiến sẽ cho ra hồ Hàm Rồng, nhưng bị người dân ở đây phản ứng, cho nên tỉnh đã yêu cầu xử lý tuần hoàn trong nội bộ để tưới cây, nuôi cá; đồng thời phải làm mái che không cho nước mưa thẩm thấu qua bãi rác thải sinh hoạt tràn ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường.
Phó Giám đốc Công ty Lilama EME Huỳnh Vĩnh Phúc cho biết: Hiện nay, đối với rác thải sinh hoạt, công ty thu gom về đổ lộ thiên, phun thuốc xử lý và đốt. Còn rác thải công nghiệp thì được chôn, phía trên phủ một lớp bạt. Trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 32 tấn rác thải sinh hoạt, hai tấn chất thải nguy hại và 20 m3 rác thải công nghiệp. Công ty thường xuyên thực hiện công tác đo kiểm, báo cáo tác động môi trường theo quy định và quan trắc môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, nước thải, môi trường đất ba tháng/lần. Công ty hoạt động đúng theo giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp với chất thải, nước thải qua xử lý đạt tiêu chuẩn theo đề án được duyệt, bảo đảm kiểm soát các yếu tố về môi trường, nhưng hiện tại, người dân ở đây vẫn chưa đồng tình.
Thôn trưởng thôn Ðông Bình Phan Văn Ðào cho biết: Chính quyền địa phương rất ủng hộ hoạt động của công ty. Việc các hộ dân ở đây ra rào đường, chặn xe vận chuyển rác vào khu xử lý là không nên. Chúng tôi đã tổ chức họp dân để vận động, giải thích không nên có hành vi quá khích. Về lâu dài, thay mặt nhân dân, chúng tôi kiến nghị những bức xúc của bà con ở đây lên các cấp, các ngành liên quan sớm giải quyết việc di dời khu chôn lấp chất thải nguy hại ra xa khu dân cư và không nên xả nước thải ra hồ Hàm Rồng…
Vì sao dân ngăn cản xe vận chuyển chất thải ?
Mặc dù hiện nay Công ty Lilama EME bảo đảm thực hiện xử lý rác thải đúng quy trình, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường, nhưng người dân ở đây vẫn chưa đồng tình, ủng hộ. Chính quyền xã, huyện và công ty đã nhiều lần tổ chức đối thoại, giải thích và thực hiện các yêu cầu của người dân đưa ra, nhưng nhiều hộ dân ở thôn Ðông Bình, xã Bình Chánh vẫn cản trở không cho xe thu gom, vận chuyển rác về khu xử lý chất thải rắn Bình Nguyên.
Chủ tịch UBND xã Bình Chánh Trần Quang Tâm cho rằng: Người dân chặn xe vận chuyển rác, cản trở hoạt động của Công ty Lilama EME là do bức xúc về môi trường, lo ngại ảnh hưởng sức khỏe sau này. Khi tiến hành quy hoạch, xây dựng khu xử lý chất thải rắn tại xã Bình Nguyên thì dân xã Bình Chánh hầu hết sống gần khu bãi rác nhưng không được tham gia góp ý kiến. Thực tế, hằng ngày, khoảng 150 hộ dân ở thôn Ðông Bình phải hứng chịu lượng xe vận chuyển rác đi qua khu dân cư gây bụi, tiếng ồn và có làm rơi vãi chất thải, gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con. Ðiều mà người dân kiến nghị là phải chuyển hố chôn chất thải công nghiệp, nguy hại ra xa khu dân cư khoảng ba km và sau khi xử lý chất thải dù có đạt tiêu chuẩn môi trường loại B thì tuyệt đối cũng không xả ra hồ Hàm Rồng, vì người dân sợ sẽ ảnh hưởng sức khỏe sau này và tác động xấu đến chăn nuôi và tưới tiêu cho hàng trăm ha ruộng lúa ở xứ đồng Ðông Bình này.
Do khu vực này đã mở đường, cho nên nhiều hộ dân từ trong làng đã ra làm nhà nơi đây ngày một nhiều. Cụ Võ Văn Hồng, cán bộ hưu trí ở thôn Ðông Bình, xã Bình Chánh cho biết: Công ty đã có nhiều cố gắng trong việc xử lý rác thải, hạn chế mùi hôi thối. Tuy nhiên, phương án dùng bạt chống thấm của công ty người dân tạm chấp nhận, nhưng cần phải tính toán thật kỹ để tránh tình trạng nước từ khu xử lý rò rỉ, thẩm thấu ra môi trường. Lo ngại lâu dài của bà con là nơi đây không chỉ xử lý rác thải sinh hoạt mà còn xử lý cả chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại. Trong khi đó, quy trình xử lý chất thải, người dân ở chung quanh bãi rác không được biết để thực hiện quyền giám sát. Ðây cũng là một trong những lý do dẫn đến người dân có hành vi ngăn cản xe vận chuyển chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại vào khu xử lý.
Sớm giải quyết kiến nghị của dân
Khu xử lý chất thải rắn Bình Nguyên của Công ty Lilama EME nhiều ngày qua cũng chưa thể hoạt động trở lại do hành vi quá khích của một số hộ dân ở đây. Công ty phải dừng hoạt động, không xử lý được rác thải làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất. Giám đốc phòng truyền thông Công ty Doosan Vina Ð.Giơ-xtên-xla cho rằng, việc Công ty Lilama EME tạm dừng thu gom, vận chuyển chất thải công nghiệp trong mấy ngày vừa qua đã gây khó khăn cho sản xuất. Nhiều lần công ty đề nghị giải quyết lượng rác thải chậm thu gom nhưng hiện nay vẫn chưa được thực hiện. Còn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi Lê Mỹ Liên cho biết, qua kiểm tra, việc xử lý chất thải của công ty mới đây là triệt để, thực hiện đúng yêu cầu chỉ đạo của UBND tỉnh là đầu tư trang thiết bị hiện đại để xử lý rác thải một cách tốt nhất, bảo đảm theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân chung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Như Sô khẳng định: Tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức kiểm tra, giải quyết triệt để kịp thời những bức xúc và quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực. Những vấn đề người dân thôn Ðông Bình, xã Bình Chánh kiến nghị tỉnh sẽ xem xét giải quyết nhanh chóng.
Về lâu dài, UBND tỉnh Quảng Ngãi bố trí vốn khẩn trương triển khai đầu tư giai đoạn hai của dự án, bảo đảm để công ty sớm di dời khu xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại ra xa khu dân cư khoảng ba km (so với bãi rác cũ hiện nay). Ðể bảo đảm lộ trình đến năm 2015, Công ty Lilama EME hoàn thành toàn bộ dự án thì phải tiến hành khảo sát, chọn địa điểm và lập dự án đầu tư hơn 45 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh đầu tư khoảng 20 tỷ đồng) để làm ba km đường giao thông, đền bù, giải phóng mặt bằng năm ha đất lâm nghiệp của dân và xây dựng hệ thống xử lý rác thải.
Trước mắt, đơn vị thường xuyên kiểm tra phương tiện vận chuyển rác, hạn chế bụi, tiếng ồn chất thải rơi rớt trên đường và triển khai phương án xử lý tuần hoàn và tái sử dụng nước thải, chất thải trong khu vực. Có như vậy, người dân sẽ yên tâm không cản trở, công ty nhanh chóng hoạt động trở lại và thực hiện thu gom, xử lý rác thải kịp thời, góp phần giúp các doanh nghiệp yên tâm sản xuất.