ThienNhien.Net – Định hướng sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường trong thời gian tới là đổi mới căn bản về nội dung, mô hình tổ chức sản xuất, quản lý sản phẩm và cơ chế chính sách để đất đai, tài nguyên rừng phải thực sự có chủ quản lý.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Thông báo số 164/TB-VPCP về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TW của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh. Theo Phó Thủ tướng, quan điểm chỉ đạo, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường phải được đổi mới với tư duy, nhận thức mới.
Phải làm rõ được trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của người chủ được giao quản lý, sử dụng đất, giải quyết hài hoà lợi ích của Nhà nước-doanh nghiệp-người lao động và phải gắn với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, đối với mô hình tổ chức quản lý các công ty nông, lâm nghiệp cần đưa ra nhiều loại hình cụ thể phù hợp với từng đối tượng sắp xếp, từng địa bàn, để các địa phương dễ áp dụng. Đối với các mô hình đã làm thí điểm, hoặc mô hình mới phát sinh trong thực tiễn cần tổng kết đánh giá, nếu tốt thì triển khai, nhân rộng.
Việc thực hiện cổ phần hoá (công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp), thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên phải đảm bảo nguyên tắc: Đất đai quản lý, sử dụng theo quy hoạch của địa phương, thực hiện thuê đất của Nhà nước, bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động (quyền lợi nghĩa vụ người lao động còn làm việc tại doanh nghiệp).
Về cơ chế chính sách, cần rà soát, bổ sung hoàn thiện hoặc ban hành mới các cơ chế chính sách, tập trung vào các nhóm đất đai; tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp; tài chính, tín dụng. Trong đó, đối với đất đai phải chú trọng cơ chế chính sách để sớm hoàn thành việc rà soát, cắm mốc trên thực địa, lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện thuê đất đối với đất dùng vào mục đích sản xuất kinh doanh…
Về tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp, cần làm rõ cơ chế quản lý, bảo vệ, phát triển đối với rừng nghèo kiệt được chuyển đổi rừng trồng cây nguyên liệu, trồng cao su, nội dung quản lý rừng bền vững cụ thể để bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn, tăng độ che phủ; cơ chế chính sách hỗ trợ việc chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (mức hỗ trợ cụ thể/1 ha rừng chăm sóc bảo vệ) để gắn người được giao chăm sóc bảo vệ với rừng…
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị đến nay, các nông, lâm trường đã chuyển đổi thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoặc chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hoặc giải thể.
Một số công ty nông, lâm nghiệp đã chuyển từ sản xuất chuyên canh, độc canh sang kinh doanh tổng hợp (nông lâm, lâm nông kết hợp) đổi mới cơ chế quản lý quản trị doanh nghiệp, gắn vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm, sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn.
Sau khi sắp xếp, có nhiều công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, duy trì và phát triển vùng sản xuất hàng hoá, hiệu quả sử dụng đất cao hơn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tiếp tục phát huy tốt vai trò doanh nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém. Việc sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường chủ yếu mới là hình thức, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp, nhiều công ty lâm nghiệp lúng túng, khó khăn khi chuyển sang hạch toán, sản xuất kinh doanh theo Luật doanh nghiệp…