ThienNhien.Net – Chính quyền thành phố Hội An và cụm xã đảo Cù Lao Chàm đã đặt được nền tảng tuyệt vời khi trang bị cho mỗi cư dân Cù lao ý thức sâu sắc về trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn một môi trường sống đẹp đẽ, trong lành bằng nhiều việc làm thiết thực, giản dị, gương mẫu của những cán bộ hết lòng vì sự nghiệp chung.
Ngọc biếc giữa biển xanh
Thời tiết khô ráo của một buổi sáng tràn nắng tháng tư ở Hội An cho tôi cùng hàng nghìn du khách hưởng thú vui ra Cù Lao Chàm bằng ca nô cao tốc. Với tốc độ trên 60 km/giờ, những chiếc ca nô nhỏ bé băng băng cưỡi lên đầu vạn ngọn sóng, giòng xóc rầm rầm hơn cả xe đò chạy trên mặt đường lồi lõm ổ voi trong nội địa. Biển rộng tít tắp, gió quất phần phật, nước mặn tạt rào rạt vào khoang lẫn tiếng cười náo nhiệt suốt nửa tiếng đồng hồ trước khi ca nô cập bến.
Cù Lao Chàm hiện ra, hiền hòa giản dị với những nếp nhà nho nhỏ, xinh xinh nằm viền quanh mép Hòn Lao – đảo lớn nhất trong cụm 8 đảo, nơi đóng trụ sở UBND xã Tân Hiệp. Nhìn từ máy bay, Hòn Lao tựa như một chiếc nơ lục thẫm giữa đại dương biếc xanh, bờ Tây dốc đứng những sườn núi hiểm trở nên dân cư chỉ quần tụ mé bờ Đông. Nhiều người thích thú đến đây để nghỉ dưỡng, ăn hải sản, lặn biển ngắm san hô. Tôi cũng phơi nắng cả ngày, băng ruộng tham quan chùa cổ Hải Tạng có từ 255 năm trước và tịnh xá Ngọc Truyền-công trình dân sinh hoành tráng nhất đảo xây bằng 70 tỷ đồng quyên góp, lẽo đẽo hỏi chuyện những bà bán ốc lể, rượu nhàu, quả dứa dại và những khay hải sản đủ loại cá mực, sò điệp tươi sống để được tai nghe mắt thấy thành quả của cách điều hành đầy sáng tạo, độc đáo của bộ máy công quyền thành phố Hội An và xã đảo thơ mộng này.
Xã 2.700 dân có rất nhiều cái “ không” : không xây khách sạn mà năm 2012 vẫn niềm nở đón trên 100.000 du khách homestay! Không van xin chặt chém, không tệ nạn “cầm nhầm”, không bao ni lông, không tận diệt thú rừng dù 90% diện tích là rừng cấm quốc gia. Mỗi người dân Cù Lao Chàm bất kể già trẻ lớn bé đều là đại sứ du lịch với nụ cười đôn hậu. Ai cũng có thể kể vanh vách cho du khách nghe vì sao san hô đã tái sinh, nở hoa ngay dưới chân cầu cảng và nhiều rạn đá quanh đảo, thu hút cá tôm từ khơi xa lũ lượt kéo về; vì sao mỗi tấc đất ngoài biển Đông ở xã đảo tiền tiêu này đều là tài nguyên vô giá …
Cán bộ đẹp lòng dân
Dạo chơi trên bờ cát mịn màng, hít đầy ngực không khí tinh tuyền hương vị rừng xanh soi bóng biển xanh của Cù Lao Chàm hôm nay, nhiều du khách không thể ngờ được đã có một thời nơi đây bị coi như …bãi rác giữa biển !
Tháng 3/2012, Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 5 lần đầu tiên chọn một quan chức nhà nước là ông Nguyễn Sự Bí thư Thành ủy Hội An để trao giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục. Trả lời phỏng vấn báo chí, nhà văn Nguyên Ngọc – chủ tịch hội đồng khoa học Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh lý giải : “Tác phẩm” của ông Nguyễn Sự chính là toàn bộ không gian và con người Hội An ! Theo dõi sự kiện độc đáo đó, nhiều hộ dân Cù Lao Chàm tổ chức liên hoan, rồi chờ lần ra đảo kế tiếp của ông Sự để cụng ly chúc mừng ông. Hơn ai hết, cư dân xã đảo hiểu mức sống của họ mấy năm gần đây khá hẳn lên nhờ du lịch, có phần góp công rất lớn của ông Bí thư thành ủy.
Chẳng ai quên sự tận tụy và quyết liệt của ông Nguyễn Sự trong chuyện “dọn sạch Cù Lao Chàm” đằng đẵng mười bảy năm qua, từ thời ông còn là Chủ tịch thị xã Hội An đã cuốn cả guồng máy cán bộ công chức lao theo hào hứng như thế nào. Phát hiện cả xã đảo chỉ có…4 cái cầu tiêu, ông tuyên chiến với tệ nạn “ quận công bãi biển”, lấy ý kiến toàn dân để hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện các cao trào “ nói không với bao ni lông”, không chặt cây về làm củi, không dùng mìn đánh cá, không sinh con thứ ba, không đánh bắt thủy hải sản vào mùa sinh sản, không lặn vớt san hô…
Để những chủ trương này được thực thi, thị xã đã trích ngân sách và vận động để có nguồn tiền hỗ trợ cho từng hộ dân xã đảo tự xây nhà vệ sinh, cấp cả nghìn cái giỏ nhựa cho các bà nội trợ đi chợ, giao hẳn một chiếc tàu chuyên làm nhiệm vụ gom rác quanh đảo. Thấy Chủ tịch thị xã liên tục ra đảo vô bờ khi ca nô lúc tàu chợ miệng nói tay làm, bao nhiêu cán bộ khác đã thấm thía nhập cuộc. Từ đó, nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường liên tục rộ nở trên xã đảo.
Cứ mỗi mùa hè, hàng trăm học sinh từ lớp Ba đến lớp Chín lại tích cực tham gia Hội thi “Làm túi sinh thái”. Ngư dân dự các khóa học về bảo vệ nguồn lợi hải sản, chẳng cần nhắc nhau cũng thuộc mùa nào được phép đánh bắt loại gì, kích cỡ bao nhiêu. Tiểu thương ngoài chợ chỉ gói hàng bằng giấy hoặc lá, hễ thấy khách có túi nilon nào lập tức .. xin được đổi lại để cất kỹ, phòng ngừa tệ nạn nilon thành rác phất phơ bay.
Những con cua dán “ nhãn sinh thái”
Bảo tàng Cù Lao Chàm tuy nhỏ hẹp, nhưng cũng dành nguyên một mảng phòng để giới thiệu kỹ lưỡng về con cua đá, một trong những loại đặc sản của Cù lao. Tôi chưa từng thấy ở đâu, cua đá được bảo vệ, nâng niu bài bản đến như vậy. Kể từ tháng 8 năm 2009, UBND thành phố Hội An ban hành Chỉ thị 04 với nội dung “tạm thời ngừng khai thác, kinh doanh, tiêu thụ cua Đá Cù Lao Chàm để bảo vệ, khôi phục, tái tạo loài thủy sản này”
Chỉ thị phát huy hiệu quả tốt đến nỗi, tròn 3 năm rưỡi sau đó, cua Đá Cù Lao Chàm lại được phép xuất hiện ngoài … chợ, chủ yếu để phục vụ du khách, bởi cực đắt so với vật giá làng chài: 500.000 đồng/kg, với điều kiện chiều ngang mai cua không nhỏ hơn 7 cm, không mang trứng, không vượt quá số cua được phép đánh bắt được cộng đồng dân cư duyệt hàng tháng, mới được dán nhãn sinh thái lên mai.
Để bảo đảm các quy ước khai thác, bảo vệ cua đá xây dựng theo sự đồng thuận của cộng đồng được tuân thủ chặt chẽ, Tổ khai thác và bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm đã ra mắt với 18 thành viên. Từ tháng 3 đến hết tháng 7 năm 2013, tổng số cá thể cua Đá dự tính khai thác là một vạn con, phân bổ theo từng tháng khác nhau, dựa vào kết quả giám sát dán nhãn sinh thái ghi chép được trong mỗi tháng. Cua khai thác về được tập trung tại nhà tổ trưởng để kiểm tra, cân, đo và dán nhãn sinh thái mỗi sáng trước khi ra chợ. Con cua nào không đủ tiêu chuẩn sẽ được phóng thích về “ngân hàng cua Đá Cù Lao Chàm” ở Hòn Tai và Hòn Mồ . Hễ con cua đá nào không dán nhãn sinh thái xuất hiện, lập tức chủ cua sẽ bị trị tội … bán cua bất hợp pháp.
Hành trình tái sinh san hô còn kỳ công hơn. Dưới sự hướng dẫn của “chuyên gia san hô” Võ Sĩ Tuấn, Viện phó Viện Hải dương học Nha Trang, người từng được Thái Lan mời sang tư vấn phục hồi rạn san hô cho nước bạn, nhóm “hiệp sĩ san hô Cù Lao Chàm” đã lặn sâu xuống lòng biển dọn sạch rác thải vương vãi sau một số công trình xây dựng, tỉ mỉ đóng giàn, cấy hàng trăm vạt san hô các loại. Những vạt san hô đó nay đã phát triển thành những vườn hoa muôn màu cho du khách lặn biển trầm trồ. Còn ngay bến đón khách Cù Lao Chàm, nơi trước kia mặt nước vẩn đầy váng xăng dầu, rác rưởi, bây giờ du khách cũng đã có thể đứng trên cầu cảng nhìn xuyên qua làn nước trong xanh để thấy những đóa san hô non ngời óng ánh.
Bà Trần Thị Hồng Thúy – giám đốc Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm khi trò chuyện cùng tôi không giấu vẻ tự hào : Hải sản Cù Lao Chàm mấy năm trước có bán vào đất liền, xuất khẩu cả cá hố. Còn bây giờ, tôm mực, cá mú, sò điệp về nhiều hơn nhưng vẫn không đủ phục vụ cho lượng du khách đến với đảo ngày càng đông.
Cù Lao Chàm ( CLC) thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, , gồm 8 đảo nhỏ là: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. CLC từng được xem là điểm tiền tiêu, che chắn vùng Cửa Đại-Hội An và là điểm dừng trú của các loại tàu thuyền trên hành trình doanh thương khắp vùng Đông Nam Á. Năm 2009 CLC đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. CLC tương lai sẽ là thiên đường du lịch của Hội An và tỉnh Quảng Nam.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An |
Cù Lao Chàm tháng 4/2013