ThienNhien.Net – Những ngày qua, dư luận trong nước lại tiếp tục lên tiếng phản đối việc triển khai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A nằm trên sông Đồng Nai, vì hệ lụy của nó gây ra đối với môi trường và cuộc sống của hàng triệu người dân phía hạ du. Thế nhưng, chủ đầu tư dự án, Công ty CP Tập đoàn Đức Long (Tập đoàn Đức Long), vẫn có những “vận động hành lang” bằng nhiều biện minh đưa ra với quyết tâm thực hiện dự án cho bằng được.
Trong một văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Tập đoàn Đức Long đã đưa ra các số liệu đánh giá mới từ bản báo cáo đánh giá tác động môi trường và khẳng định lợi ích mà dự án mang lại lớn hơn nhiều so với những thiệt hại về xã hội và môi trường. Cụ thể, về môi trường, 2 dự án chỉ sử dụng hơn 300ha đất rừng trong tổng diện tích 71.350ha của Vườn Quốc gia Cát Tiên, nhưng mỗi năm cho ra sản lượng điện gần 1 tỷ kWh, cung cấp đủ lượng điện tiêu thụ cho 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước.
Trong hơn 300ha đất sử dụng cho 2 nhà máy, chiếm hơn 95% diện tích là rừng nghèo, lồ ô, đất trống, tuy có ảnh hường đến tài nguyên rừng, hoạt động bảo vệ rừng, nhưng không đến mức làm thay đổi tiêu chí, mục tiêu, nội dung xác lập Vườn Quốc gia Cát Tiên, nhất là khu vực ngập nước Bàu Sấu và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Động, thực vật có ở khu vực 2 dự án không phải là loài đặc hữu mà có phổ biến ở toàn bộ Vườn Quốc gia Cát Tiên, cũng như các khu vực khác trên phạm vi cả nước. Sự tác động của dự án có thể mất một số cá thể động, thực vật nhưng không phải làm mất hẳn một số loài hay suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học. Những tác động trên theo chủ đầu tư là không lớn đến môi trường và đặc biệt không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân sinh sống ở hạ du, trong đó có tỉnh Đồng Nai và TPHCM.
Một ưu điểm khác khi triển khai 2 dự án này được Tập đoàn Đức Long đưa ra, đó là chỉ phải đền bù nhà cửa, đất nông nghiệp, hoa màu cho 2,9ha thuộc khu vực đất người dân xâm canh. Ngoài ra, các dự án không phải di dân, tái định cư, do đó không làm xáo trộn đến cuộc sống, văn hóa của người dân…
Những lập luận và biện minh trên của chủ đầu tư ngay lập tức đã bị các nhà khoa học và dư luận trong nước phản ứng quyết liệt và khẳng định không có cơ sở khoa học vì các số liệu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được cơ quan thẩm quyền thẩm định. Theo TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, qua các chuyến khảo sát thực địa mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện khá nhiều động, thực vật quý hiếm thuộc loại đặc hữu ở khu vực 2 Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A như: voọc chà vá chân đen, vượn đen má vàng, gà hung cổ so, gà tiền… Đặc biệt, loài trà là chỉ có ở khu vực này và một họ gừng chưa rõ tên.
Một trong những tác động tiêu cực khác được các nhà khoa học đưa ra là vào mùa khô, việc điều hành hồ điều tiết làm biến động dòng chảy, có thể gây ra những đoạn sông chết. Mặt khác, theo TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước thích ứng với biến đổi khí hậu, hồ chứa nước của 2 dự án là hồ nhỏ, nước đến bao nhiêu xả phát điện bấy nhiêu thì không thể có tác dụng giảm lũ, cắt lũ cho hạ lưu.
Về pháp lý, chủ đầu tư cho rằng Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) là đúng quy định. Thế nhưng, theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, do những tác động tiêu cực của một số dự án thủy điện đã và đang triển khai, nên thời gian qua nhiều địa phương ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã kiến nghị điều chỉnh Quy hoạch điện VII và đã được các bộ ngành trung ương chấp thuận. Mặt khác, Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A còn chịu sự chi phối và điều chỉnh bởi Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội Khóa XII (Nghị quyết 49) về dự án, công trình quan trọng cấp quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Nghị quyết 49 nêu rõ: “Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50ha trở lên… phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư”. Trong khi đó, tổng diện tích của 2 dự án trên là gần 400ha và toàn bộ đều nằm trong khu vực quản lý của Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên. Chưa kể, Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A còn thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 7, Luật Đa dạng sinh học; Luật Tài nguyên nước và Luật Di sản văn hóa và nhiều quy định khác của Chính phủ, các bộ ngành. Do vậy, việc triển khai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A rất cần được các cơ quan có trách nhiệm, các bộ ngành Trung ương và Quốc hội xem xét một cách toàn diện và đúng pháp lý khi quyết định thực hiện.