ThienNhien.Net – Những ngày qua, Trung Quốc đã trở thành tâm điểm thế giới về vấn đề môi trường khi mà các báo cáo lần lượt cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí của nước này đang ở mức báo động. Tuy nhiên, đây không phải quốc gia châu Á duy nhất đang lao đao vì tình trạng ô nhiễm không khí, rất nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Việt Nam hay Iran cũng đang phải vật lộn với cuộc chiến vì một bầu trời sạch hơn.
Không khí Ấn Độ còn ô nhiễm hơn Trung Quốc
Tại một bệnh viện công ở New Delhi (Ấn Độ), rất nhiều bà mẹ và trẻ em đang nhẫn nại xếp hàng để được điều trị ngoại trú vì căn bệnh hen suyễn, trong số đó có cậu bé Harsh Dani 7 tuổi.
Bốn năm trước, cậu bé bị chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn sau khi trải qua những cơn khó thở kéo dài. Cho tới giờ, cậu bé vẫn phải thường xuyên đến viện tái khám và dùng thuốc. Mẹ của Harsh Dani, cô Mamta 27 tuổi, tin rằng căn bệnh này bắt nguồn từ ô nhiễm không khí.
Theo một nghiên cứu năm 2008 của Chính phủ Ấn Độ, 43,5% trẻ em ở New Delhi có vấn đề về chức năng của phổi, trong khi ở nông thôn, con số này chỉ chiếm 25,7%.
Chính vì vậy, cũng không có gì lạ khi ô nhiễm không khí bị coi là thủ phạm của tình trạng này.
Ngoài những bằng chứng thực tế, nhìn vào bảng xếp hạng chất lượng không khí năm 2012 của 132 quốc gia theo Chỉ số Hiệu suất Môi trường (EPI) do nhóm nghiên cứu của trường Đại học Yale và Đại học Columbia (Mỹ) đưa ra, cũng có thể thấy chất lượng không khí ở Ấn Độ đang đi xuống trầm trọng khi nước này bị đứng hạng chót về chỉ số EPI, sau cả Trung Quốc – nước xếp ở vị trí thứ 128.
Theo thống kê, mức độ trung bình các vật chất dạng hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5µm (mi-crô-mét) trong không khí của New Delhi năm 2012 là 143µg (mi-crô-gam), gấp 2,4 lần tiêu chuẩn quốc gia.
Đặc biệt, báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương còn cho biết khí thải từ phương tiện giao thông chiếm tới 65% mức độ ô nhiễm không khí tại đây.
Rõ ràng, ô nhiễm không khí ở Ấn Độ đang lan rộng cùng với sự tăng nhanh của các phương tiện giao thông và việc sử dụng máy phát điện để ứng phó với tình trạng mất điện thường xuyên như hiện nay.
Ô nhiễm cũng không “chừa” Việt Nam và Iran
Giống như Ấn Độ, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam cũng để lại nhiều hệ lụy đối với môi trường, trong đó phải kể đến bầu khí quyển.
Vài năm trở lại đây, không khí của thủ đô Hà Nội đã không còn trong lành như xưa nữa mà ngập đầy khói, bụi và khí thải, đặc biệt vào những giờ cao điểm buổi sáng và buổi tối, khi mà xe cộ nườm nượp đổ ra đường.
Mặc dù các phương tiện truyền thông đã cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí ở các đô thị hay xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông như Hà Nội thường gấp 2 – 3 lần so với tiêu chuẩn, song Chính phủ vẫn chưa công bố được con số chính xác.
Lý giải nguyên nhân của sự chậm trễ này, PGS.TS. Hoàng Xuân Cơ, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cho rằng khó khăn chính là ở việc thiếu dữ liệu.
Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã lắp đặt các thiết bị đo tại 7 địa điểm trong nội thành Hà Nội nhưng chỉ 2 trong số đó là đáng tin cậy.
Cũng theo ông Cơ thì “chúng ta cần phải thu thập các dữ liệu chính xác và triển khai các giải pháp thực sự hiệu quả để giải quyết vấn đề ô nhiễm trước khi tình hình trở nên nghiêm trọng như ở Trung Quốc”.
Ông Takeshi Kasai, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhìn nhận, vấn đề ô nhiễm không khí không nên coi là vấn đề của riêng từng nước bởi “ô nhiễm không khí có khả năng vượt ra khỏi biên giới một nước, gây ô nhiễm ở nhiều nước lân cận”.
Đặt chân tới dãy núi Alborz, phía bắc Tehran (Iran), chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những lớp khói vàng nhạt bao phủ bầu trời thủ đô Iran.
Theo thống kê chính thức, chỉ tính riêng năm ngoái, số người tử vong vì ô nhiễm không khí ở Iran đã lên tới 4.460 người. Cho đến đầu năm nay, số lượng người phải nhập viện vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp ở nước này đã tăng 30%.
Đáng nói, một trong những nhân tố được cho là gây ô nhiễm không khí ở một quốc gia nổi tiếng về dầu mỏ như Iran lại là chất lượng nhiên liệu nội địa kém.
Tuy Iran là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ năm thế giới và là nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), song các nhà máy lọc dầu của nước này đã lỗi thời, thêm nữa Iran còn đang phải nhập khẩu khoảng 30% lượng xăng dầu để phục vụ nhu cầu trong nước.
Ngoài ra, việc Mỹ thông qua đạo luật trừng phạt các công ty nước ngoài bán xăng cho Iran và cấm vận về kinh tế đối với Iran cách đây 3 năm do nước này triển khai chương trình vũ khí hạt nhân cũng gây nhiều khó khăn, buộc Chính phủ Iran phải tăng cường sản xuất xăng dầu, ít chú tâm tới chất lượng sản phẩm, dẫn đến ô nhiễm ngày một trầm trọng.
Để ứng phó với ô nhiễm không khí, Chính phủ Iran đã cho phép người lao động nghỉ làm vào những ngày ô nhiễm nặng và yêu cầu người dân hạn chế sử dụng xe riêng. Tuy nhiên, những biện pháp trên không đem lại nhiều kết quả…
Trước tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động ở các nước Châu Á hiện nay, việc hạn chế và chặn đứng mọi nguồn gây ô nhiễm, kết hợp cải thiện chất lượng không khí, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nước láng giềng trong giải quyết ô nhiễm là vô cùng cần thiết.