ThienNhien.Net – Các nhà khoa học Mỹ ngày 14/4 công bố kết quả một công trình nghiên cứu cho thấy có thể hạn chế mực nước biển tăng bằng cách giảm thiểu việc thải ra các chất ô nhiễm khí hậu tuổi thọ ngắn (SLCPs).
SLCPs là những chất chỉ tồn tại trong không khí vài ngày hoặc vài tuần nhưng hiệu ứng hâm nóng khí hậu có thể kéo dài hàng thập kỷ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biến đổi Khí hậu Tự nhiên chỉ ra rằng việc cắt giảm mạnh bốn loại chất SLCPs bắt đầu từ năm 2015 có thể giúp giảm tới 50% mức tăng của nhiệt độ vào năm 2050 và giảm mức tăng của mực nước biển từ 22% tới 42% vào cuối thế kỷ này.
Bốn loại chất trên bao gồm methane, khí ozone thuộc tầng đối lưu, hydrofluorocarbons và carbon đen. Trưởng nhóm nghiên cứu, Veerabhadran Ramanathan của Viện Hải dương học Scripps khẳng định vẫn còn chưa muộn để hành động vì các công nghệ hiện nay có thể giúp cắt giảm lượng lớn các chất thải trên.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo nếu việc cắt giảm SLCPs bị trì hoãn đến tận năm 2040 thì hiệu quả tính đến năm 2100 sẽ giảm 1/3. Trước đó, ngày 8/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp các chất này là “kẻ thù cho sức khỏe con người” – nguyên nhân gây mất mùa và biến đổi khí hậu.
SLCPs thường được thải ra từ động cơ diezel, khói và muội từ các loại bếp lò hoặc rò rỉ từ các cơ sở sản xuất dầu khí và chất thải rắn.
Những ảnh hưởng có thể xảy ra của mực nước biển tăng ở những khu vực dân cư đông đúc đang là một trong những vấn đề về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu được quan tâm nhất hiện nay. Rất nhiều thành phố lớn trên thế giới như New York, Miami, Amsterdam, Mumbai và Tokyo đều nằm dưới mực nước biển.
Trong bối cảnh các sông băng và tảng băng tan chảy cũng như các đại dương ấm ngày càng mở rộng, những năm gần đây, mực nước biển hằng năm tăng ở trung bình khoảng 3mm.
Theo đánh giá năm 2007 của Hội thảo liên chính phủ về biến đổi khí hậu, nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, mực nước biển sẽ tăng từ 18cm – 59cm trong thế kỷ này.