ThienNhien.Net – Đã 8 năm trôi qua kể từ khi tỉnh Đắk Lắk nhận được quyết định đầu tiên của Chính phủ về việc phải hành động khẩn trương để bảo tồn voi, đến nay xứ voi vẫn chưa biết bao giờ nguồn kinh phí này mới được rót về, dù dự án bảo tồn voi đã 3 lần được phê duyệt và chỉnh sửa bổ sung …
Thực hiện quyết định số 733 ngày 16/5/2006 của Thủ tướng về việc phê duyệt kế hoạch hành động khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn voi tại Việt Nam, năm 2009 UBND tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và phê duyệt Dự án bảo tồn voi (DABTV) lần thứ 2, thay cho DABTV lần thứ nhất chỉ tập trung lo cho voi nhà, với mục tiêu được mở rộng, nâng lên thành “Quản lý bền vững quần thể voi hoang dã, phát triển đàn voi nhà của tỉnh và truyền thống lịch sử văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số gắn với Voi, góp phần phát triển văn hóa-xã hội-bền vững môi trường của tỉnh Đắk Lắk”. Tổng mức đầu dư cho dự án giai đoạn 2010-2015 là 61 tỉ đồng, với số voi nhà đếm được lúc bấy giờ là 61 con, còn voi hoang dã ước khoảng trên dưới 10 đàn với khoảng 110 con .
Chờ hoài chưa thấy Dự án của tỉnh được trung ương thông qua, voi rừng lẫn voi nhà đành… rỉ rả chết dần vì kiệt sức, vì không được chăm sóc, vì bị những kẻ độc ác gian tham săn bắn trộm để nhổ lông, chặt đuôi, khoét ngà trên khắp các huyện thành có voi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; thậm chí có cái chết quằn quại đau đớn như trường hợp voi Pắk Kú của Cty Du lịch Sinh thái Bản Đôn bị kẻ giấu mặt nào đó chém hàng trăm nhát trước khi lìa đời.
Tháng 7/2012, Đắk Lắk tiếp tục nhận được quyết định số 940 của Thủ tướng phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi kèm theo công văn hướng dẫn thực hiện của Bộ Nông nghiệp &PTNT. Chấp hành nghiêm lệnh, tỉnh Đắk Lắk đã rà soát lại DABTV để chỉnh sửa bổ sung, tăng tổng mức đầu tư lên gần bảy chín tỉ rưỡi. Tháng 10/2012 tỉnh gửi Tờ trình kèm biểu dự toán chi tiết ra cho Bộ xem xét, thẩm định, báo cáo Thủ tướng phê duyệt.
Tờ trình ghi rõ : Trong 79,452 tỉ đồng này, tỉnh sẽ chi 6,86 tỉ để chăm sóc sức khỏe đàn voi nhà; Giáo dục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống về voi; Đền bù thiệt hại hoa màu do voi phá, hỗ trợ cho các tổ bảo vệ voi hàng năm; Chi trả lương hành chính sự nghiệp cho cán bộ Trung tâm Bảo tồn Voi và một số vấn đề liên quan khác. Phần ngân sách trung ương 63,902 triệu dành để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện kỹ thuật cho Trung tâm Bảo tồn Voi, nghiên cứu cho voi nhà sinh sản, quản lý giám sát bảo tồn voi hoang dã, hạn chế xung đột giữa voi và người. Phần tài trợ của các tổ chức quốc tế 8,69 tỉ đồng để đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác bảo tồn voi …
Từ đó tới nay, lại nửa năm nữa đã trôi qua, tỉnh vẫn chưa nhận được hồi âm, trong khi voi nhà, voi rừng vẫn cứ tiếp tục bị chết, bị giết mà không thủ phạm nào được chỉ đích danh để nghiêm minh trừng trị.
Sau vụ đôi voi rừng bị kẻ gian bắn chết để khoét lấy ngà bị phát hiện từ tháng 8/2012 giữa đại ngàn gần biên giới Campuchia mà cơ quan chức năng bó tay, không dò ra manh mối thủ phạm, liên tục nhiều vụ tử nạn khác của voi hoang dã tiếp tục xảy ra trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, Ea Súp.
Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Trung tâm Du lịch Bản Đôn báo cáo: trong 6 ngày Tết, Trung tâm đã huy động 14 con voi nhà luân chuyển để phục vụ nhu cầu cưỡi voi của 27.000 lượt khách “đổ” về huyện Buôn Đôn, trung bình mỗi ngày thu khoảng 50 triệu đồng với mức giá 600.000 đồng/giờ/voi .
Rõ ràng những con voi chuyên “ phục vụ du lịch” đã bị khai thác quá sức chịu đựng. Và cái giá mà những chủ voi và Trung tâm Du lịch phải trả đắt hơn nhiều so với những gì họ nhận được. Bằng chứng là ngay mùng 2 tết nàng voi H’Plõ 35 tuổi đã gục chết trong đêm rừng Krông Na không rõ nguyên nhân. Cũng trong một đêm như thế tại cánh rừng này, mới đây, ngày 11/4, bà voi Bun Nhang cũng qua đời sau nhiều ngày cõng khách băng qua những đoạn sông cạn lổm ngổm đá mùa khô.
Ngày 12/4/2013, tiếp nhà báo tại Trung tâm Bảo tồn Voi trong căn phòng chật chội kê san sát bàn, ông Phạm Văn Láng phó giám đốc Trung tâm cho biết : Trong khi chờ Thủ tướng phê duyệt để Dự án có nguồn tiền khởi động, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ tạm chi hành chính phí cho Trung tâm triển khai vài hoạt động tuyên truyền, giám sát và tạm nuôi bộ máy. Đến nay số voi nhà chỉ còn 52 con, voi rừng ước còn chưa tới một trăm.
Ông thở dài “Cứ cái đà này, chẳng biết tới khi tiền rót về thì còn được mấy con voi mà bảo tồn …”