ThienNhien.Net – Theo Chi cục Thú y TP.HCM, trên địa bàn thành phố đang có gần 400 nhà yến các loại, trong đó 200 nhà yến “đồn trú” tại huyện Cần Giờ (tương đối xa khu dân cư), gần 200 căn còn lại đang tồn tại ngay giữa khu đô thị đông đúc, gây nguy cơ dịch bệnh rất cao.
Tại hàng loạt tuyến đường ngay giữa trung tâm thành phố như Võ Văn Tần (quận 3), Bình Quới (quận Bình Thạnh), Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Duy Dương (quận 10), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2)…, từ nhiều năm qua đã xuất hiện các nhà dụ yến đồ sộ (cao 4 – 6 tầng). Đây chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm” nuôi yến lậu tại TP.HCM mà NNVN đã từng cảnh báo, như: quận 2, 3, 6, 7, 8, 9, 10, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè.
Đặc biệt, cuối tuần qua tại một hộ dân nuôi bồ câu trên đường số 4, khu dân cư Nam Hùng Vương, KP3, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM đã xảy ra tình trạng chim bồ câu chết bất thường, không rõ nguyên nhân. Hộ nuôi này khi thấy một con chim có biểu hiện lạ và chết đã tự ý mang đi chôn, sau đó người dân xung quanh báo cho cơ quan chức năng xuống kiểm tra vì sợ xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm. Hiện tại, hộ chăn nuôi này đã được yêu cầu di dời ngay đàn bồ câu ra khỏi thành phố.
Ngoài hộ này, xung quanh khu vực trên cũng có một số hộ khác nuôi chim bồ câu, vì thế ngành chức năng địa phương đang vận động người dân kiểm soát chặt đàn nuôi và sớm di dời nhằm phòng ngừa dịch bệnh. Được biết, ngành thú y TP.HCM đang quản lý 4 cơ sở chăn nuôi chim bồ câu tập trung tại huyện Củ Chi với tổng đàn 12.260 con. Hầu hết các hộ chăn nuôi bồ câu khác đều làm tự phát, không đăng ký nên việc kiểm soát dịch bệnh sẽ vô cùng khó khăn nếu không may đàn bồ câu cũng “dính” H5N1.
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, từ giữa năm 2012 đến cuối tháng 3/2013, ngành thú y đã lấy 56 mẫu ở các nhà nuôi yến để xét nghiệm và không phát hiện có virus cúm A/H5N1. Dự kiến trong tháng 4 này, Chi cục sẽ tiếp tục lấy mẫu chim yến để xét nghiệm, đồng thời sẽ siết chặt quản lý, yêu cầu tất cả các hộ nuôi phải báo ngay các dấu hiệu bất thường trên đàn yến nuôi cho ngành chức năng để kịp thời xử lý. Ngoài chim yến, các đối tượng khác như gà, vịt, chim bồ câu cũng được ngành thú y đẩy mạnh lấy mẫu để kiểm soát chặt dịch bệnh.
Liên quan đến quy định về nuôi chim yến, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có dự thảo để lấy ý kiến đóng góp xây dựng và sẽ ban hành Thông tư trong quý II này. Theo dự thảo, cơ sở nuôi chim yến phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không gây ô nhiễm môi trường; chất thải từ hoạt động nuôi chim yến phải được thu gom và xử lý theo quy định. Cơ sở nuôi chim yến sử dụng âm thanh để dẫn dụ từ 6 giờ đến 21 giờ không vượt quá 70 dBA; từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau không vượt quá 55 dBA.
Khuyến khích các cơ sở nuôi chim yến sử dụng sóng siêu âm để dẫn dụ chim yến. Đặc biệt, khi phát hiện chim yến có dấu hiệu bất thường, chủ cơ sở nuôi chim yến phải báo cáo cho cơ quan thú y gần nhất hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Dự thảo cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các ban, ngành tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở nuôi chim yến. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, cố tình không chấp hành các quy định của Thông tư này.
Theo Bùi Nguyễn/Nông nghiệp Việt Nam, 15/04/2013
TP.HCM: Bồ câu nuôi chết bất thường
Tối 13/4, một cán bộ UBND phường An Lạc, quận Bình Tân (TP.HCM) cho biết sáng cùng ngày, bà con ở phu phố 3 báo chim bồ câu của một hộ nuôi đã chết bất thường. UBND phường phối hợp cùng Trạm Thú y quận Bình Tân xuống kiểm tra. Chủ nuôi cho biết có một bồ câu chết không rõ nguyên nhân và đã đem chôn. “Sáng thứ Hai tới, chúng tôi tiếp tục kiểm tra điều kiện nuôi chim bồ câu của hộ này” – vị cán bộ cho biết. Cùng ngày, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết hiện thông tư quy định tạm thời điều kiện nuôi chim yến đang được cơ quan này hoàn thiện để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và dự kiến ban hành vào giữa tháng 5. Theo thông tư, tổ chức, cá nhân muốn nuôi chim yến phải khai báo với phòng Nông nghiệp hoặc phòng Kinh tế quận, huyện. Chỉ được phép xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến tại nơi được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Cơ sở nuôi chim yến phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không gây ô nhiễm môi trường. Sử dụng âm thanh dẫn dụ chim yến đảm bảo mức ồn không vượt quá 70 dBA trong thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ, không vượt quá 55 dBA từ 21 giờ đến 6 giờ hôm sau… Theo Trần Ngọc/Pháp luật TP.HCM, 13/04/2013 |