Chống hạn hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn

ThienNhien.Net – Ngày 14/4, Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng tổ chức toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Nỗ lực chống hạn và chống nhiễm mặn hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn”. Buổi tọa đàm làm rõ tình hình thiếu nước trầm trọng tại các tỉnh duyên hải miền Trung, đặc biệt là hạ lưu hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn so với một số khu vực khác như Tây Nguyên và Nam bộ; những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến hiện tượng hạn hán, nhiễm mặn, các ban ngành và địa phương đã và đang triển khai những giải pháp khắc phục ra sao và những điều chỉnh dài hạn về công tác chống hạn và ngăn ngừa xâm nhập mặn tại hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn.

Các vị khách mời tham gia chương trình: ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Công trình thuỷ lợi, Tổng cục Thuỷ lợi, Thư ký Tổ Điều hành công tác phòng chống hạn của Chính phủ; ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP Đà Nẵng; ông Võ Văn Điềm, PGĐ Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam; ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Đà Nẵng.

BTV: Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Công trình thuỷ lợi, Thư ký Tổ Điều hành công tác phòng chống hạn của Chính phủ. Tình hình thiếu nước trầm trọng tại các tỉnh duyên hải miền Trung, đặc biệt là hạ lưu hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn so với một số khu vực khác như Tây Nguyên và Nam bộ như thế nào thưa ông? 

Ông Đặng Duy Hiển: Vụ Đông Xuân vừa qua các tỉnh miền Trung, 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều bị hạn hán. Các tỉnh Trung bộ từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế chưa bị hạn nhiều, có khoảng 15.000 ha phải sử dụng những giải pháp chống hạn tích cực như bơm, tát qua nhiều nấc. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận toàn bộ có khoảng 4.000 ha bị hạn nặng trong đó có 400 ha mất trắng. Khu vực Tây Nguyên có 75.000 ha cây trồng bị hạn trong đó cà phê 56.000 ha, lúa 13.000 ha trong đó diện tích lúa mất trắng khoảng 5.000 ha. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn và xâm nhập mặn, nhưng đã chống hạn thành công, tuy nhiên chi phí chống hạn tăng lên nhiều.

Điều đó cho thấy tại khu vực Bắc Trung bộ các hồ chứa, hồ thuỷ lợi còn nhiều nước và khu vực này đã bắt đầu có mưa. Khu vực Nam Trung bộ diện tích canh tác không nhiều nhưng tỷ lệ bị hạn rất lớn, so với Tây Nguyên thì mùa khô tại đây còn kéo dài. Trong khi Tây Nguyên dự báo gió mùa Tây Nam đến sớm và từ 25/4 sẽ có mưa. Hiện nước trong các hồ chứa, hồ thuỷ lợi tại Nam Trung Bộ ở mức rất thấp, khoảng 20% diện tích phải chống hạn quyết liệt, 80% phải quan tâm bơm, tát rất tích cực thì vụ Đông Xuân 2012-2013 mới có thể thắng lợi.

BTV: Trước tình hình đó, Bộ NNPTNT cũng như Tổng cục Thuỷ lợi đã có những chỉ đạo như thế nào về công tác chống hạn và xâm nhập mặn đối với các địa phương tại duyên hải miền Trung? 

Ông Đặng Duy Hiển: Trước bối cảnh này, từ năm 2012, 2013 các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng El Nino, Bộ đã có dự báo và cảnh báo sớm, ngay từ tháng 12 Bộ họp triển khai công tác sản xuất chống hạn hán và xâm nhập mặn tại Khánh Hòa và sau đó Bộ đã ban hành chỉ thị, văn bản đôn đốc hướng dẫn các địa phương chống hạn không chỉ trong vụ Đông Xuân mà còn trong vụ Hè Thu.

Cụ thể, kiểm kê quỹ nước hiện có để bố trí sản xuất. Riêng vụ ba, Bộ khuyến cáo không sản xuất ở những nơi không có công trình thủy lợi. Tại đó, các địa phương phải có kế hoạch chuyển đổi cây trồng tốn ít nước hơn.

Thứ hai, triển khai mạnh mẽ giải pháp chống hạn như thực hiện giải pháp công trình, lắp đặt hệ thống trạm bơm dã chiến. Quan tâm đến giải pháp thi công trình: Luân phiên cấp nước, ưu tiên vùng xa, chia sẻ nước tưới. Các diện tích không được tưới đủ phải lựa chọn cây trồng cần ít nước để đảm bảo nước tưới ít nhưng năng suất cây trồng không bị suy giảm.

Thứ ba, Bộ đã khuyến cáo các tỉnh duyên hải miền Trung ưu tiên nước cho sinh hoạt, chuyên chở nước cho bà con vùng cao.

Thứ tư, Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cấp nước cho các địa phương khi công tác chống hạn vượt quá khả năng của địa phương. Bộ phối hợp với Bộ Tài chính để xem xét, đưa ra các giải pháp để giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân.

BTV: Tình trạng mưa ít và nắng nóng kéo dài đến nay đã ảnh hưởng như thế nào đến cây trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (đặc biệt là vùng hạ lưu Thu Bồn-Vu Gia), thưa ông Võ Văn Điềm?  

Ông Võ Văn Điềm: Năm 2012, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa lũ rất ít, dẫn đến lượng mưa đạt 60% trung bình mọi năm. Chính vì vậy, ngày từ lúc bắt đầu vụ Đông Xuân, ngày 25/12/2012, trên địa bàn tỉnh chỉ có 20 hồ chứa đầy nước, còn 53 hồ chứa mực nước thấp. Lượng nước thiếu hụt là 135 triệu m3.

Đối với sông suối, lưu lượng dòng chảy rất thấp, chỉ bằng 40-50% của những năm trước, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn sâu. Ví dụ như sông Tỉnh Điền, trong tháng 1/2013, độ mặn lên tới 4-5 phần nghìn, điều chưa từng xảy ra ở Quảng Nam.

Để đối phó với hạn hán và nhiễm mặn, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều biện pháp ngay từ đầu năm 2013. Với các công trình trên hệ thống sông Thu Bồn-Vu Gia, tỉnh đã làm việc với các đơn vị thủy điện để có lịch xả nước hợp lý, tạo điều kiện cho các trạm bơm hạ lưu lấy nước. Nhờ vậy, đã đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt và tưới tiêu.

BTV: Còn trên địa bàn TP Đà Nẵng thì sao thưa ông Huỳnh Vạn Thắng? 

Ông Huỳnh Vạn Thắng: TP Đà Nẵng hạn hán diễn ra diện rộng, kéo dài nhiều ngày. Chúng tôi có 3.000 ha lúa thì phải chống hạn cho 2.500 ha, trong đó có 300 ha mất trắng. TP Đà Nẵng còn phải đối diện một thực trạng là thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Ảnh: congan.com.vn
Tình trạng hạn hán ở miền Trung đang diễn ra diện rộng và kéo dài (Ảnh: congan.com.vn)

BTV: Ông Nguyễn Trường Ảnh có thể nói rõ hơn về tình trạng này được không? Đơn vị đã triển khai những giải pháp gì để khắc phục tình trạng thiếu nước, đảm bảo sinh hoạt cho người dân thành phố? 

Ông Nguyễn Trường Ảnh: Nguồn nước phục vụ sinh hoạt tại địa bàn TP Đà Nẵng hiện được lấy chủ yếu tại đập thu Cầu Đỏ sau đó chuyển về Nhà máy nước cầu Đỏ, Nhà máy nước Sân bay, cấp 90-95% nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng. Những năm trước mỗi năm đập Cầu Đỏ có vài ngày bị nhiễm mặn, và TP Đà Nẵng đã xây trạm bơm An Trạch để vận hành lấy nước từ xa hơn về đập Cầu Đỏ. Nhưng những năm gần đây, thời gian vận hành trạm bơm này ngày càng tăng, năm 2011 chúng tôi vận hành 95 giờ, năm 2012 là 1.700 giờ, còn từ đầu năm 2013 đến nay chúng tôi đã phải đóng đập Cầu Đỏ và vận hành trạm bơm An Trạch.

Tuy nhiên, việc vận hành trạm bơm cũng có nhiều nguy cơ, rủi ro: nguồn điện không ổn định, trang thiết bị có thể xảy ra sự cố, nguy cơ ô nhiễm tuyến kênh dẫn nguồn nước thô từ trạm bơm về đập Cầu Đỏ…

Để giảm thiểu nguy cơ này, chúng tôi đã làm việc với Điện lực TP Đà Nẵng để cấp nguồn điện ưu tiên cho trạm bơm, có phương án xử lý khi xảy ra sự cố, tăng cường duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị trạm bơm, kiểm tra liên tục tuyến kênh dẫn nước thô, tăng thêm nhân lực trạm bơm.

BTV: Được biết là ngay từ khi gieo trồng vụ Đông Xuân 2012-2013, các địa phương đều đã lường trước tình hình khô hạn khốc liệt để chủ động ứng phó. Cụ thể là TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã cắt giảm diện tích gieo trồng và dịch chuyển sang các loại cây chịu hạn như thế nào?

Ông Huỳnh Vạn Thắng: Chúng tôi tổ chức chống hạn như giữ nước hồ tối đa để phục vụ gieo trồng, tận dụng các nguồn nước khác như sông, suối, ao hồ để bơm tát, phục vụ tưới, chống hạn. Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống ngắn ngày để tiết kiệm nước.Chúng tôi đã chuyển đổi 300 ha sang cây trồng khác như bắp, khoai, rau màu…

BTV: Vụ Hè Thu 2013 theo dự báo thì sẽ rất khó khăn về nguồn nước, vậy tại tỉnh Quảng Nam, tình hình chuẩn bị ra sao? 

Ông Võ Văn Điềm: Quảng Nam có 20/73 hồ chứa đầy nước, trong quá trình điều hành vụ Đông Xuân 2012-2013, nhờ các biện pháp tích cực đối với những hồ có quy mô lớn như Phú Ninh, Thạch Bằng… thì mức nước xấp xỉ trung bình nhiều năm, qua cân đối đối với hồ lớn thì đảm bảo đủ nước cho vụ Hè Thu 2013, còn hồ nhỏ thì phải xây dựng phương án chống hạn cuối kênh và xây dựng phương án chống hạn tích cực thì mới có thể đảm bảo chống hạn vụ Hè Thu.

Đối với hệ thống các trạm bơm, đặc biệt hệ thống sông Thu Bồn-Vu Gia cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa lịch xả nước với lịch canh tác thời vụ ở hạ lưu mới có thể đảm bảo nguồn nước chống hạn.

BTV: Tại các tỉnh phía Bắc thì Bộ NNPTNT và EVN đã thống nhất lịch lấy nước để các tỉnh làm đất gieo cấy. Còn tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên có lịch lấy nước tương tự trên cơ sở thoả thuận giữa Bộ NNPTNT và Tập đoàn điện EVN, hay giữa các công trình thuỷ điện với ngành nông nghiệp các địa phương hay không, thưa ông Đặng Duy Hiển? 

Ông Đặng Duy Hiển: Từ nhiều năm nay, 12 tỉnh đồng bằng trung du Bắc bộ đã tổ chức gieo cấy rất bài bản. Bộ và EVN đã thiết kế lịch xả nước để các địa phương căn cứ vào đó tổ chức sửa chữa công trình, nạo vét kênh mương, làm sao phù hợp với tập quán địa phương. Quy trình này đã trở nên rất hoàn hảo đối với các tỉnh phía Bắc.

Tuy nhiên, miền Trung và Tây Nguyên nhiều lưu vực sông cũng có bối cảnh tương tự, nhưng nhiều năm qua việc áp dụng quy trình này vẫn hết sức mờ nhạt. Chính vì thế tại cuộc họp về công tác chống hạn tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tổ chức tại Đắk Lắk ngày 4/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thủy lợi phối hợp EVN xây dựng lịch xả nước thống nhất để khắc phục tình trạng trên cùng 1 dòng sông nhưng thời vụ của 2 địa phương chênh nhau đến 15 ngày, gây khó khăn cho cấp nước.

Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải thay đổi tập quán này, xem xét lại cách bố trí sản xuất để đồng bộ trên khu vực dòng sông chính. Vừa qua, Bộ NNPTNT cùng EVN đã đi khảo sát 6 lưu vực sông có tính chất liên tỉnh. Sau khi thống nhất với các địa phương, Bộ đã quyết định báo cáo Thủ tướng và thông báo đến UBND các tỉnh về lịch điều tiết các hồ thủy điện trên các khu vực sông. Cụ thể:

Lưu vực Sông Vu Gia – Thu Bồn trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam: 15-30/5 tập trung xả nước liên tục 15 ngày của hồ A Vương 39 m3/s và Đắk Mil 4 là 50 m3/s.

Lưu vực sông Ba- Bàn Thạch liên tỉnh Gia Lai – Phú Yên sẽ xả hồ sông Mã và sông Hinh với lưu lượng 40 m3/s từ 15/5-15/6.

Sông Cái Phan Rang liên tỉnh Lâm Đồng – Ninh Thuận sẽ phát điện thủy điện Đa Nhim qua hồ chứa Đơn Dương với lưu lượng 17-18 m3/s từ 15/5-15/6.

Hệ thống La Ngà liên tỉnh Lâm Đồng – Bình Thuận sẽ xả hồ Hàm Thuận – Đa Nhim với lưu lượng 35 m3/s từ 15/4-15/5.

Lưu vực sông Lũy liên tỉnh Lâm Đồng – Bình Thuận thì chia thành 2 đợt. Đợt 1 sẽ xả hồ Đại Ninh từ 10 – 20/4 với lưu lượng 12 m3/s. Và sau đó, từ 1 – 20/5 sẽ tăng lưu lượng đến 15 m3/s.

Riêng hệ thống sông Sê-rê-pốk của Đắk Nông và Đắk Lắk, do đặc thù vùng Tây Nguyên chuẩn bị vào mùa mưa nên Bộ xác định trong tháng 4 này, sẽ vận hành 1 tổ máy với thời gian 12h/ngày, từ 6h sáng đến 6h tối để xả nước cho hạ lưu.

BTV: Theo tôi được biết, việc chia sẻ nguồn nước phải được thực hiện theo thứ tự ưu tiên nước sinh hoạt, thủy lợi rồi đến thủy điện. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Vào năm 2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo thủy điện Đắk Mil 4 phải thiết kế cống điều tiết tại đập để xả 25 m3/giây trở lại sông Vu Gia nhằm giải quyết nguy cơ thiếu nước trầm trọng ở vùng hạ lưu trong mùa khô. Song cho đến nay, Thuỷ điện DakMi 4 vẫn chưa thực hiện xả đủ lưu lượng nước này mặc dù đã xây dựng cống xả. Có phải vậy không thưa ông Huỳnh Vạn Thắng?

Ông Huỳnh Vạn Thắng: Thực tế, Thủy điện Đắk Mil 4 mới hoạt động được 2 năm nay, từ năm 2012. Riêng năm ngoái, Thủy điện này đã xả 18 m3/s.

BTV: Như vậy, khi hạn hán trở nên cấp bách thì các ngành mới ngồi họp lại và xây dựng lịch xả nước tạm thời trước mắt. Về lâu dài, như ông Đặng Duy Hiển chia sẻ, chúng ta phải xây dựng lịch điều tiết mà quan trọng, sản xuất nông nghiệp phải đồng bộ giữa các địa phương. Với Quảng Nam, có sự lệch pha này hay không, tức là gieo sạ, sản xuất nông nghiệp lệch thời gian, lúc địa phương này cần nước để gieo cấy thì địa phương khác lại không cần? 

Ông Võ Văn Điềm: Đối với Quảng Nam, ngay từ đầu năm, tỉnh đã làm việc trực tiếp với Bộ Công Thương, EVN và các nhà máy thủy điện để thống nhất lịch theo yêu cầu của ngành NNPTNT. Do vậy, trong vụ Đông Xuân vừa qua, việc phối hợp giữa các nhà máy thủy điện với nhu cầu nước của hạ lưu rất nhịp nhàng. Chưa có mâu thuẫn việc xả nước của nhà máy thủy điện với lịch lấy nước của hạ lưu. Vì thế, Quảng Nam cơ bản đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân vừa rồi, chưa để xảy ra hạn lớn. Việc phối hợp như vậy rất cần thiết trong thời gian tới để tận dụng tốt nguồn nước, một tài nguyên quý giá.

BTV: Theo thông tin ông Huỳnh Vạn Thắng vừa cung cấp, năm 2010, Thủy điện Đắk Mil 4 chưa xả và đến năm 2012, xả 18 m3/s. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được lượng nước xả được bao nhiêu? 

Ông Huỳnh Vạn Thắng: Với trình độ khoa học công nghệ hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể ngồi tại Đà Nẵng mà vẫn biết lượng nước tại Hồ Thủy điện Đắk Mil 4 là bao nhiêu, lượng nước xả về sông Vu Gia là bao nhiêu.

BTV: Tuy nhiên, về phía thủy điện, họ cũng có lý do là lượng mưa ít, nên lượng nước về hồ ít nên có rất ít nước trong hồ để xả. Do đó, họ yêu cầu các địa phương xây dựng lịch lấy nước cụ thể để thông báo cho họ là cần xả bao nhiêu, bao giờ xả. Vậy các địa phương có thông báo như vậy chưa? 

Ông Huỳnh Vạn Thắng: Lịch lấy nước của Đà Nẵng và Quảng Nam là trùng khớp, yêu cầu về nguồn nước cũng tương đồng về thời gian. Sở NNPTNT Quảng Nam đã làm việc, thống nhất với EVN và các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn. Trên cơ sở đó, trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ thông báo.

BTV: Xin ông Nguyễn Trường Ảnh cho biết Công ty cấp nước Đà Nẵng có những giải pháp gì để đảm bảo phối hợp với các công trình thuỷ điện thượng nguồn để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP Đà Nẵng? 

Ông Nguyễn Trường Ảnh: Chúng tôi đã gửi văn bản tới EVN để theo dõi, đảm bảo mức nước bơm ở trạm bơm An Trạch, trong trường hợp mức nước chưa đủ thì tạm dừng các trạm bơm nông nghiệp để đảm bảo đủ mực nước bơm cho nước sinh hoạt.

BTV: Trong nhiều buổi làm việc giữa EVN, phía Tổng Cục Thuỷ lợi nhận thấy với nhu cầu nước sinh hoạt thì thuỷ điện có đáp ứng được liên tục hay phải xả theo từng đợt cùng với việc xả nước cho sản xuất nông nghiệp? 

Ông Đặng Duy Hiển: EVN rất chú trọng hỗ trợ nước sinh hoạt và nước sản xuất. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có chỉ đạo, yêu cầu EVN hy sinh phát điện để giữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Đối với các lưu vực sông khác thì việc xả nước cho sinh hoạt và chống hạn rất đơn giản, vì khi các thuỷ điện xả nước thì sẽ làm tăng nước ngầm và người dân có thể lấy nước sinh hoạt qua giếng ngầm hoặc lấy nước thô để xử lý thành nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, đối với lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn thì vấn đề phức tạp hơn khi phải đáp ứng nước cho cả sản xuất lẫn nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu dân TP Đà Nẵng. Bộ NNPTNT đã làm việc với EVN, đề nghị từ nay đến 4/5 thì ưu tiên hàng đầu nước sinh hoạt. EVN phải chỉ đạo các thuỷ điện điều tiết hợp lý để đảm bảo không thiếu nước cho TP Đà Nẵng, và chúng tôi đang giám sát tại trạm bơm An Trạch, nếu mực nước dưới 1,8 m thì đề nghị EVN tăng phát điện của Thuỷ điện A Vương để tăng lưu lượng nước xả, qua đó tăng mực nước ở An Trạch lên.

BTV: Trong buổi họp khẩn cấp giữa lãnh đạo 2 địa phương là TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và đại diện của các nhà máy thủy điện cùng với EVN do lãnh đạo Tổng cục Thuỷ lợi chủ trì, Quảng Nam đề xuất giải pháp cấp bách là ngăn dòng nước của sông Quảng Huế (nhánh chia nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn) tại vị trí cửa vào sông bằng các biện pháp như đổ đất, đắp bao tải cát… để gom nước về cho sông Ái Nghĩa, phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cả 2 địa phương. Liên quan vấn đề này, khán giả Nguyễn Văn Lâm (Đà Nẵng) xin được hỏi ông Võ Văn Điềm là phương án này bao giờ thực hiện và lượng nước điều tiết cho hai địa phương như thế nào? 

Ông Võ Văn Điềm: Theo tài liệu trước đây, tỷ lệ phân chia lưu lượng là 80% về sông Vu Gia và Ái Nghĩa, 20% về sông Quảng Huế và Thu Bồn. Năm 2011, do hiện tượng tách dòng ở sông Quảng Huế, tạo sông Quảng Huế mới nên Bộ NNPTNT đã đầu tư cụm công trình kè sông Quảng Huế, chống xói lở. Sau khi nạo vét sông Quảng Huế cũ, hiện lưu lượng nước về sông Quảng Huế và Thu Bồn đo được là 35 – 40%, còn lưu lượng về sông Vu Gia và sông Ái Nghĩa là 60- 65%.

Để tăng cường lượng nước cho sông Vu Gia, phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp hạ lưu sông Vu Gia, Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Nam và tỉnh đã chỉ đạo Sở NNPTNT lập phương án đắp đập bằng bao cát ở sông Quảng Huế để đảm bảo mực nước và ưu tiên lưu lượng hợp lý về sông Vu Gia, phục vụ 8.000 ha đất nông nghiệp và trên 1 triệu người dân.

Theo phương án phân chia nước, 80% lưu lượng về sông Vu Gia và 20% về sông Thu Bồn. Trong trường hợp mực nước sông Ái Nghĩa dưới 2,5m thì có thể dành toàn bộ lưu lượng nước về sông Vu Gia để đảm bảo nước cho khu vực Bắc Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Hiện Bộ NNPTNT đang triển khai dự án đầu tư đập ở sông Quảng Huế để về lâu dài có thể điều tiết lưu lượng nước. Dự kiến quý 3 năm nay sẽ khởi công công trình này. Còn về đập tạm, tỉnh Quảng Nam đang lập dự án và dự kiến triển khai trong tháng 4.

BTV: Ông Đặng Duy Hiển, ông có thể chia sẻ thêm về công trình mà Tổng cục Thủy lợi đang đầu tư tại khúc sông Quảng Huế này? 

Ông Đặng Duy Hiển: Bộ NNPTNT đang chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng đập trữ nước trên sông Quảng Huế. Còn giải pháp trước mắt để đảm bảo nước sản xuất nông nghiệp cho Quảng Nam, Đà Nẵng và nước sinh hoạt từ nay đến hết tháng 6, Bộ đã giao cho UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng đập tạm và trong tháng 4 này thực hiện việc cắt bao tải cát, đảm bảo lưu lượng 80% về An Trạch, 20% về Thu Bồn và Bộ cam kết đảm bảo tiến độ trước vụ lúa năm nay.

BTV: Như ông vừa cung cấp thông tin, lưu lượng xả của A Vương là 39 m3/s, Đắk Mil 4 là 50 m3/s. Con số này căn cứ từ đâu? 

Ông Đặng Duy Hiển: Hiện nay căn cứ vào quỹ nước hiện có của hồ A Vương và Đắk Mil 4. Hồ A Vương là gần 5 triệu m3, hồ Đắk Mil 4 có gần 8 triệu m3.

Dự báo thời gian tới mưa không nhiều nên lượng dòng chảy ở hai hồ này thấp hơn trung bình, vì vậy cần đảm bảo nước cho đến hết vụ Hè Thu, là đến hết tháng 9.

Dựa vào nhu cầu nước của bà con nhân dân và dành quỹ nước cho hết vụ Hè Thu, chúng tôi đã thống nhất hồ A Vương xả là 39 m3/s, hồ Đăk Mil là 50 m3/s. Với lưu lượng xả này, trước hết là đáp ứng nước sinh hoạt của TP nhưng đồng thời cũng đảm bảo lịch thời vụ sản xuất của 2 địa phương và dành quỹ nước cho vụ Hè Thu.

BTV: Với lưu lượng này và thời gian xả nước là 15 ngày, xin hỏi 2 địa phương là có đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất hay không? 

Ông Huỳnh Vạn Thắng: Tôi nghĩ là với phương án xả 50 m3/s ở Đắk Mil và 39 m3/s ở A Vương, trước mắt trong thời gian đó chúng ta sẽ giảm bớt lưu lượng sông Quảng Huế, lấy nước Vu Gia về Thu Bồn. Với phương án này, việc thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia sẽ giảm đi. Tuy nhiên, nếu sắp tới đây không có mưa lớn, và trong giai đoạn làm ải thì chúng tôi tính toán riêng nhu cầu nước sinh hoạt và nông nghiệp cho hạ lưu sông Vu Gia là 100 m3/s. Trong 100 m3/s này chủ yếu chúng ta chỉ lấy được từ Thủy điện A Vương là 39m3/s và từ các sông suối khác đưa về.

Tuy nhiên, trong 50 m3/s của Đắk Mil 4 thì hạ lưu sông Vu Gia không hưởng được một giọt nào, mà nước sẽ chuyển về sông Thu Bồn.

Việc chống hạn có thành công hay không, có thắng lợi hay không, để đảm bảo sản xuất nông nghiệp cũng như nước sinh hoạt cho vùng hạ lưu sông Vu Gia là phụ thuộc sự xả nước của Thuỷ Đắk Mil 4, trả lại nước cho dòng sông cũ, đó là sông Vu Gia.

BTV: Theo tính toán của Đà nẵng cần khoảng 100 m3/s, nhưng tính toán hiện tại vẫn thiếu 1 nửa cho nước sản xuất và sinh hoạt. Ý kiến của ông Đặng Duy Hiển như thế nào? 

Ông Đặng Duy Hiển: Ngoài hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn còn nhiều công trình khác như Thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 5 chưa đi vào vận hành. Mặc khác, do đặc thù Thuỷ điện Đắk Mil 4, tận dụng thác nước cao để phát điện nên khi phát điện thì nước đổ sang sông Thu Bồn. Về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu cho Chính phủ giao ngành điện xây dựng quy chế xả đáy Thuỷ điện Đắk Mil 4 lưu lượng 22 m3/s sang sông Vu Gia. Và hiện các Bộ đang phối hợp xem xét hoàn thiện quy chế xả đáy này. Về lâu dài khi hoàn thiện các công trình trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn thì phân bổ nguồn nước sẽ tốt hơn hiện nay.

Để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, Bộ NNTPTNT đã giao tỉnh Quảng Nam làm đập tạm để đẩy lưu lượng nước về Vu Gia, về lâu dài sẽ đảm bảo đủ nước sinh hoạt và sản xuất cho TP Đà Nẵng.

BTV: Sắp tới sẽ có đợt xả nước 15 ngày liên tục từ 15-30/5 từ các thuỷ điện thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn, các địa phương đã chuẩn bị ra sao để đón lượng nước quý báu này? 

Ông Huỳnh Vạn Thắng: Trong thời gian này, chúng tôi tập trung cho công tác làm đất và đổ ải trong vòng 15 ngày. Sau đó nhu cầu nước sẽ giảm dần. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân chuyển đổi sang một số cây ngắn ngày, chịu hạn. Nhưng sắp tới nếu nước vẫn thiếu thì việc Thuỷ điện Đắk Mil 4 phải xả nước về Vu Gia là không thể lùi được để đảm bảo lịch thời vụ.

Ông Nguyễn Trường Ảnh: Với lượng nước xả như vậy thì chỉ đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng bơm từ trạm An Trạch chứ không đủ để rửa mặn đập Cầu Đỏ.

Ông Võ Văn Điềm: Đối với Quảng Nam, từ vụ Hè Thu 2012 và vụ Đông Xuân 2012-2013, tỉnh đã làm việc về lịch điều tiết xả nước với các hồ thuỷ điện.

Về đợt xả nước từ 15-30/5, sẽ đảm bảo đổ ải cho 10.000 ha cho khu vực Bắc Quảng Nam và Đà Nẵng. Ngoài ra, Quảng Nam sẽ làm việc với các hồ thuỷ điện về từng đợt xả nước cho sản xuất chẳng hạn 5 ngày chặn, 5 ngày mở để bơm tận dụng nguồn nước.

Liên quan đến nhà máy thuỷ điện Đắk Mil 4, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là phải xả về hạ lưu Vu Gia ở mức 25 m3/s, tuy nhiên, nếu xả liên tục để đẩy mặn thì hồ chứa này chỉ xả đến ngày 20/6 là hết nước, trong khi phải đến cuối tháng 8 đầu tháng 9 mới kết thúc vụ Hè Thu và kết thúc mùa hạn. Do vậy, cần phải tính toán, hài hoà trong việc xả nước các hồ thuỷ điện Đắk Mil 4 và A Vương.

Đối với Quảng Nam, để chuẩn bị vụ Hè Thu, tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp quyết liệt để tiết kiệm nước, tăng cường phân phối nước, lấy nước vào đồng hợp lý, tránh lãng phí, phối hợp nhà máy thuỷ điện; chỉ sử dụng giống trung hạn, ngắn hạn; đối với khu vực khó khăn thì khuyến khích chuyển cây trồng khác, nạo vét để hút trạm bơm, nạo vét nơi ách tắc, xây dựng các đập ngăn mặn.

Ông Nguyễn Trường Ảnh: Chúng tôi cũng đang tiến hành khảo sát để có thể lấy nước từ hồ chứa Hoà Trung với công suất 15.000-20.000 m3, để tạo thêm nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP Đà Nẵng. Ngoài ra, việc thực hành kiệm nước cần phải được tuyên truyền vận động sâu rộng, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm.

BTV: Còn việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ cho hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn khi nào sẽ có, thưa ông Đặng Duy Hiển? 

Ông Đặng Duy Hiển: Hiện việc xây dựng quy trình vận hành hệ thống hồ chứa liên tỉnh do Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm nhận và đối với hệ thống Vu Gia – Thu Bồn đã bắt đầu tiến hành từ năm 2012 đang trong giai đoạn nghiên cứu. Về quy trình phối hợp giữa Bộ NNTPTNT và EVN để điều hành xả nước phục vụ sinh hoạt sản xuất của các hồ chứa thì đã triển khai tại hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn từ vụ Hè Thu 2013 và sẽ có tổng kết rút kinh nghiệm để trở thành quy trình chính thức.

BTV: Chuyện thiếu nước sản xuất và sinh hoạt không chỉ là vấn đề của thành phố Đà Nẵng, hay tỉnh Quảng Nam, của ngành thuỷ lợi hay thuỷ điện, mà đã trở thành vấn đề của toàn vùng hay một quốc gia, thậm chí là vấn đề toàn cầu. 

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước cũng như các dịch vụ về nước ngày càng gia tăng như hiện nay, không phải ngẫu nhiên mà Ngày Nước thế giới năm 2013 đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác vì nước, cũng như đề xuất các giải pháp hướng tới hài hòa trong phân bổ nguồn nước giữa các ngành và các nhóm sử dụng nước. Khi mà biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi vùng lãnh thổ và trên nhiều lĩnh vực thì chuyện chống hạn và xâm nhập mặn không chỉ dừng lại ở việc đầu tư xây dựng và quản lý các công trình giữ nước. Bởi lẽ không có mưa thì nước ở đâu mà tích trữ. Đây chính là vấn đề đáng suy ngẫm.