ThienNhien.Net – Trong hai ngày 11-12/4, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với tỉnh Thanh Hóa về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh; giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên môi trường.
Thực hiện Quyết định số 138/2006/QĐ-TTg về “đề án sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa,” tỉnh đã tiến hành chuyển các lâm trường và một Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn thành các Ban quản lý rừng phòng hộ. Đến tháng 12/2011, Thanh Hóa có 12 Ban quản lý rừng phòng hộ và một Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật lâm nghiệp.
Tỉnh cũng đã sắp xếp, chuyển đổi 2 nông trường thành một công ty ttrách nhiệm hữu hạn 2 thành viên, 4 nông trường thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Bên cạnh đó, tỉnh đã bàn giao nguyên trạng lao động, đất đai, cơ sở vật chất kỹ thuật, vật tư, tiền vốn của 5 nông trường về Công ty cao su Thanh Hóa thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam; bàn giao 3 lâm trường khác về Công ty nguyên liệu giấy Thanh Hóa thuộc Tổng công ty giấy Việt Nam.
Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa thực hiện xong việc rà soát đất đai theo các quy định của Nhà nước về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. Trong đó, diện tích Ban quản lý rừng phòng hộ đang quản lý là trên 77.900ha, các công ty nông nghiệp đang quản lý trên 7.300ha. Tỉnh cũng đã thu hồi được trên 6.700ha đất của các nông, lâm trường bàn giao cho địa phương quản lý.
Về lao động, bình quân một đơn vị ban quản lý rừng phòng hộ có 14 người; tổng số lao động tại 5 công ty nông nghiệp hơn 5.470 người, thu nhập bình quân của người lao động trong các công ty là 3 triệu đồng/người/tháng…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: bất cập trong mối quan hệ giữa quản lý dân cư và quản lý tư liệu sản xuất; tình trạng tranh chấp ranh giới, xâm lấn đất đai giữa các nông, lâm trường với các địa phương; nguồn kinh phí phục vụ công tác chuyển đổi, sắp xếp các nông lâm trường, nhất là kinh phí đo đạc, xác định ranh giới, vẽ bản đồ… chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc 3 lâm trường đã bàn giao về Công ty nguyên liệu giấy Thanh Hóa, thuộc Tổng công ty giấy Việt Nam, nhưng đến nay do dự án Nhà máy giấy Châu Lộc không được thực hiện, nên vùng nguyên liệu này không được đầu tư, gây lãng phí tài nguyên và khó khăn cho công tác quản lý.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả việc chuyển đổi, sắp xếp các nông lâm trường, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Trung ương có chủ trương yêu cầu các nông, lâm trường tiếp tục rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất và tiến hành thuê đất theo Luật đất đai; cấp kinh phí phục vụ công tác đo đạc, xác định ranh giới, vẽ bản đồ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn để phát huy tiềm năng đất đai và tài nguyên rừng.
Về việc thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020, xây dựng và triển khai các phương án phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tăng cường công tác tuyên tuyền, tập huấn kiến thức phòng chống thiên tai, tổ chức đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Thanh Hóa đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường; kêu gọi các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế hỗ trợ tài chính trong công tác khắc phục rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thay mặt đoàn công tác, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Ông nhấn mạnh: với tiềm năng lợi thế to lớn từ đất đai và tài nguyên rừng, tỉnh Thanh Hóa có đủ điều kiện để phát triển một nền sản xuất nông-lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Trong đó, các Ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty Nông nghiệp được hình thành trên cơ sở chuyển đổi, sắp xếp nông-lâm trường có vai trò quan trọng, là hạt nhân để hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến.
Tỉnh cần đi sâu nghiên cứu tổng kết 10 năm thực hiện chuyển đổi, sắp xếp các nông lâm trường, nhân rộng những mô hình đạt hiệu quả cao, làm rõ những tồn tại, hạn chế để có biện pháp khắc phục.
Về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên môi trường, Thanh Hóa cần bám sát kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu của trung ương, đồng thời xây dựng kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, lồng ghép vào quy hoạch để phát triển. Đoàn công tác cũng đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh và sẽ tổng hợp, chuyển tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét giải quyết.
Trước đó, ngày 11/4, đoàn công tác đã tìm hiểu mô hình sắp xếp, chuyển đổi nông trường Lam Sơn-Sao Vàng và hoạt động của Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, huyện Thọ Xuân.