ThienNhien.Net – Ngày 12/4, tại TP Cà Mau, Bộ tài ngyên và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Cà Mau tổ chức diễn đàn với chủ đề: “Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL”.
Tham gia diễn đàn có gần 200 các nhà khoa học thuộc Tổng cục, viện nghiên cứu, quản lý của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ tài Nguyên và Môi trường; các nhà khoa học, chuyên gia của tổ chức WWF và những người làm công tác khoa học, quản lý các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Báo cáo của các khoa học thảo luận tại diễn đàn đã khẳng định: ĐBSCL có sự hiện diện của rất nhiều hệ sinh thái như: rừng ngập mặn; sông, ao hồ nội địa; giồng cát; rừng tràm-đồng cỏ ngập nước theo mùa. Mỗi hệ sinh thái đều mang lại những giá trị khác nhau về lợi ích kinh tế về sản xuất lúa gạo, vườn cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, sự phát triển về kinh tế và gia tăng dân số luôn là áp lực lớn; cùng với những tác động do biến đổi khí hậu; hoặc quy hoạch không hợp lý đã và đang làm thay đổi, suy yếu hoặc phá hủy chức năng của các hệ sinh thái… Điển hình là rừng ngập mặn trước đây đã từng bao phủ hầu hết các tỉnh ven biển ĐBSCL, nhưng nay dần biến mất trên quy mô lớn; hiện diện tích rừng ngập mặn chỉ còn 77 nghìn ha chủ yếu tại tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu
Theo các nhà khoa học tại diễn đàn lần này, trước những ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu đối với khu vực ĐBSCL, việc bảo vệ, phục hồi và duy trì sự khỏe mạnh của các hệ sinh thái là việc làm rất quan trọng về trước mắt cũng như dài lâu. Do đó, việc việc phục hồi, duy trì các hệ sinh thái phát triển bền vững đòi hỏi phải có những chính sách, sự phối hợp đồng bộ của các địa phương; đặc biệt là những chính sách liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên nhằm bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân.
Ngoài ra, công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng cần được các địa phương quan tâm thường xuyên để giảm thiểu những hoạt động có tác động tiêu cực làm suy giảm hoặc phá hủy các hệ sinh thái. Tại diễn đàn lần này, các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương đã học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về sự tăng cường vai trò quản lý, hoạch định chính sách liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhằm bảo tồn, phát triển bền vững các hệ sinh thái vùng ĐBSCL.